📞

Giải đáp 5 thắc mắc về xét nghiệm phát hiện biến thể Omicron

Vạn Xuân 10:08 | 13/01/2022
Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều khác về biến thể này vẫn chưa sáng tỏ. Dưới đây là những khuyến cáo của các nhà khoa học về việc thực hiện xét nghiệm để đảm bảo an toàn.
Xét nghiệm Covid-19 tại Wilkes-Barre, bang Pennsylvania, Mỹ. (Nguồn: Bloomberg)

Mối đe dọa từ biến thể Omicron ngày càng gia tăng, ngay cả đối với những người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ và tin tưởng tiêm chủng là tấm khiên giúp cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng số ca nhiễm biến thể Omicron đã tăng từ 12,6% lên 73,2% chỉ trong một tuần qua. Các quan chức y tế công cộng cảnh báo, người đã tiêm đầy đủ vẫn có nguy cơ mắc bệnh dù vaccine giúp ngăn chặn các triệu chứng nặng và tử vong.

Xét nghiệm hiện được coi là công cụ hữu ích trước các sự kiện có nhiều người tham gia. Theo bà Rachael Piltch-Loeb, một nhà nghiên cứu tại Trường Y tế cộng đồng T.H. Chan, trực thuộc Đại học Harvard, xét nghiệm Covid-19 cung cấp những thông tin cần thiết và quan trọng ngay cả khi còn nhiều điều chưa biết về biến chủng Omicron, bao gồm cả khả năng nhiễm bệnh đối với những người được tiêm chủng đầy đủ.

Đồng quan điểm, ông Barun Mathema, trợ lý Giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế cộng đồng Mailman thuộc Đại học Columbia cho biết: “Xét nghiệm là cách duy nhất để thực sự biết bạn có thể gây ra rủi ro gì cho bản thân và cho cộng đồng của mình. Nếu không xét nghiệm, về cơ bản, bạn sẽ chẳng biết gì cả".

Dù nguồn cung xét nghiệm đang bị thiếu, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch cung cấp nửa tỷ USD nhằm cung cấp miễn phí kit xét nghiệm nhanh cho người dân. Đáng tiếc, loại hình xét nghiệm này sẽ không thể được triển khai ngay từ đầu năm nay.

Dưới đây là những điều cần biết liên quan tới xét nghiệm Covid-19 trong bối cảnh sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron và trong trường hợp bạn có kết quả xét dương tính.

Khi biết mình tiếp xúc với người nhiễm bệnh, nên đợi bao lâu để làm xét nghiệm Covid-19?

Mỗi loại bệnh đều có thời gian ủ bệnh riêng (khoảng thời gian từ khi bạn tiếp xúc với mầm bệnh được phát hiện). Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), xét nghiệm nên được thực hiện sau khoảng 5 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm. Tuy nhiên, theo bà Piltch-Loeb, những quy tắc này sẽ có sự điều chỉnh đối với biến thể Omicron.

Một số dữ liệu ban đầu cho thấy, chỉ mất khoảng 2-3 ngày để người bệnh xuất hiện triệu chứng sau khi tiếp xúc với biến thể Omicron. Dù đây là dấu hiệu chẳng lành cho khả năng lây truyền của virus nhưng đáng chú ý hơn là kết quả xét nghiệm dương tính sẽ có trong chưa đầy 5 ngày, điều này cho phép chúng ta có thể hủy bỏ các kế hoạch trong tương lai sớm hơn nếu cần.

Nên chọn loại xét nghiệm nào? Tại sao?

Xét nghiệm PCR (xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase) được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán Covid-19.

Trong khi đó, độ nhạy của xét nghiệm nhanh kháng nguyên (khả năng phát hiện ca bệnh) kém hơn RT-PCR. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên phát hiện các mảnh protein từ virus và đưa ra kết quả đúng nhất khi bạn có tải lượng virus cao. Đó là lý do tại sao loại hình xét nghiệm này thường được sử dụng khi mọi người có triệu chứng nhiễm bệnh.

Các nhãn hiệu xét nghiệm cũng có độ tin cậy khác nhau. Bà Piltch-Loeb đề nghị mọi người nên so sánh, đối chiếu thông tin trên trang web CDC, nơi liệt kê các xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 đã được phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron, các xét nghiệm PCR không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

Mặc dù thông thường phòng thí nghiệm mất từ 2-3 ngày để trả kết quả xét nghiệm, nhưng với số lượng xét nghiệm tăng vọt hiện nay, các phòng xét nghiệm bị quá tải, tình trạng xếp hàng chờ đợi sẽ kéo dài thêm thời gian trả kết quả xét nghiệm so với trước đây. Vì vậy, nếu bạn cần có kết quả xét nghiệm đúng thời gian cho một kế hoạch từ trước, xét nghiệm PCR có thể không đáp ứng yêu cầu.

Đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ và mũi tăng cường, khả năng lây nhiễm trong thời gian ngắn hơn những người chưa được tiêm, theo CDC.

Đó là lý do các xét nghiệm nhanh kháng nguyên được sử dụng. Chỉ trong vòng 15-30 phút, thông tin về tải lượng virus trong cơ thể vào thời điểm xét nghiệm sẽ được cung cấp. Vì vậy, nếu bạn đã được tiêm phòng đầy đủ và chẳng may nhiễm virus, thì không cần đợi quá lâu, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên lập tức đưa ra dự báo, bạn có khả năng phát tán virus và gây nguy hiểm cho người thân hay không.

Tuy nhiên, với kết quả âm tính sau xét nghiệm nhanh kháng nguyên, có nghĩa là bạn không bị lây nhiễm vào thời điểm đó, nhưng virus có thể vẫn đang ủ bệnh trong cơ thể. Nhưng theo các chuyên gia, kết quả này có thể là âm tính giả.

Theo các nghiên cứu, xét nghiệm nhanh kháng nguyên chỉ có thể xác định được 85% các trường hợp nhiễm Covid-19, có nghĩa là vẫn sẽ có trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên, việc lựa chọn loại xét nghiệm Covid-19 nào phụ thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của bạn, chuyên gia Mathema kết luận. Ông đồng ý rằng, các xét nghiệm nhanh dương tính là đáng tin cậy, đặc biệt khi bạn đang có triệu chứng nhiễm bệnh, bởi tỷ lệ kết quả dương tính giả thấp hơn so với tỷ lệ âm tính giả.

Ông Mathema nhấn mạnh: “Điều tôi lo lắng ở đây là khi bạn nhận được kết quả xét nghiệm âm tính. Kết quả xét nghiệm này có ý nghĩa ra sao? Kết quả này đem lại cho bạn sự thoải mái ra sao?”. Đồng thời, vị chuyên gia này cũng khuyến nghị mọi người cẩn thận hơn nên thực hiện xét nghiệm PCR thay vì làm xét nghiệm nhanh.

Nên chọn xét nghiệm PCR hay xét nghiệm nhanh kháng nguyên?

Nên làm gì nếu nhận được kết quả xét nghiệm nhanh âm tính?

Nếu có các triệu chứng nhiễm bệnh nhưng xét nghiệm lại cho âm tính với Covid-19, bạn nên tiếp tục xét nghiệm.

CDC Mỹ khuyến nghị nên thực hiện hai hoặc nhiều xét nghiệm nhanh theo dõi, mỗi xét nghiệm cách nhau ít nhất 24h. Theo bà Piltch-Loeb, nếu tiếp tục nhận được kết quả âm tính, thì rất có thể bạn mắc loại nhiễm trùng khác tại đường hô hấp. Vì cảm lạnh hoặc cúm thường bị lây lan, nên giải pháp lúc này là cách ly và đeo khẩu trang cho đến khi hết triệu chứng.

Mặt khác, nếu không có triệu chứng và có kết quả xét nghiệm âm tính thì cũng không nên chủ quan. Bà Piltch-Loeb lưu ý, thời gian là rất quan trọng đối với các xét nghiệm nhanh. Vì biến thể Omicron rất dễ lây truyền và những xét nghiệm này chỉ là tạm thời, chúng ta có thể có kết quả xét nghiệm âm tính vào buổi sáng và nhận kết quả dương tính vào buổi chiều.

Tuy nhiên, để thực sự yên tâm, các chuyên gia khuyến cáo nên xét nghiệm nhanh âm tính bằng PCR trước khi tụ tập với bạn bè và gia đình, bất kể tình trạng tiêm chủng của bạn như thế nào.

Nêu làm gì khi nhận được kết quả xét nghiệm nhanh dương tính?

Theo CDC Mỹ, bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính nên ở nhà hoặc cách ly trong 10 ngày và đeo khẩu trang. Bạn cũng nên thông báo cho bất kỳ ai mà bạn có tiếp xúc trong hai ngày qua và thông báo cho bác sĩ. Những người chưa được tiêm chủng nên tuân thủ quy tắc này vì họ có nhiều khả năng nhiễm bệnh và phát tán virus.

Tuy nhiên, nếu bạn đã tiêm phòng và không có bất kỳ triệu chứng nào, bạn nên theo dõi bằng xét nghiệm nhanh lần thứ 2 cuối ngày hôm đó hoặc ngày hôm sau.

Nếu cả hai xét nghiệm đều cho ra kết quả dương tính, bạn có thể có nguy cơ lây nhiễm. Nếu kết quả xét nghiệm thứ hai là âm tính, thì chưa thể kết luận và để chắc chắn hơn, nên làm xét nghiệm PCR.

Trong thời gian chờ kết quả PCR, tốt hơn bạn nên ở nhà và cách ly để giảm thiểu rủi ro. Bạn cũng nên trao đổi với gia đình và bạn bè về các nguy cơ tiềm tàng rồi cùng nhau đưa ra quyết định cuối cùng.

Nếu bạn không có triệu chứng và nhận được kết quả xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR không nhất quán, khả năng bạn nhiễm bệnh và phát tán virus là thấp. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn cao nếu người thân của bạn chưa được tiêm phòng hoặc nếu bệnh có nguy cơ trở nặng. Chuyên gia Piltch-Loeb khuyến cáo, không có một phương pháp xét nghiệm nào là tuyệt đối và cũng không câu trả lời nào là hoàn toàn chính xác.

Tôi có thể tiêm vaccine nhằm ngăn chặn lây nhiễm biến thể Omicron hay không?

Tin xấu là tiêm mũi đầu tiên hoặc thậm chí là mũi tiêm liều vaccine tăng cường không thể có công dụng ngay lập tức. Vaccine cần thời gian để giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tác động từ virus.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêm 2 liều vaccine giúp bảo vệ cơ thể bạn tốt hơn so với 1 liều. Mỗi người cần ít nhất tối thiểu là một tháng để hoàn thành 2 mũi tiêm đối với bất kỳ loại vaccine nào.

Trong khi đó, hiện vẫn chưa khẳng định được liệu người tiêm đầy đủ 2 mũi có thể kháng lại biến chủng Omicron hay không. Nhưng bằng chứng mới cho thấy, khả năng miễn dịch của người được tiêm đầy đủ hai mũi cũng giảm dần theo thời gian.

Điều đó khiến việc tiêm mũi thứ ba lại càng quan trọng hơn đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine mRNA hơn 6 tháng trước, nhằm đối phó với sự lây lan của biến thể Omicron. Tuy nhiên, liều vaccine tăng cường cũng cần khoảng hai tuần để phát huy hết tác dụng.

Các chuyên gia cho biết thêm, có một vài biện pháp phòng chống virus vẫn tốt hơn là không có biện pháp nào. Chuyên gia Mathema đề xuất, mọi người nên có các biện pháp phòng bệnh trong mùa dịch khi số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng vọt trên khắp cả nước. “Nếu có bất kỳ thời điểm nào được cho là thích hợp để thực hiện tiêm chủng, theo tôi đó chính là lúc này, bởi những người chưa được tiêm chủng sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất”, ông Mathema khuyến nghị.

(theo National Geographic)