📞

Giải mã ác mộng mang tên Boko Haram

15:00 | 23/06/2016
Tổ chức khủng bố Boko Haram (theo tiếng bản ngữ Hausa có nghĩa “nền giáo dục phương Tây là điều tội lỗi”) đã trải qua một quá trình phát triển mạnh mẽ kể từ khởi đầu “khiêm tốn” tại thành phố Maiduguri, Đông Bắc Nigeria.

Ban đầu, Boko Haram chỉ là một nhóm người nghe theo rao giảng của người sáng lập của tổ chức này là Muhammad Yusuf. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, Boko Haram đã kịp chen chân vào hàng ngũ những nhóm khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới.

Trong suốt quá trình vươn lên nhanh chóng đó, như một con tắc kè hoa, tổ chức này luôn biến hóa khôn lường, dễ thích nghi và xoay xở cách tổ chức hoạt động của mình cho phù hợp với tình thế, địa điểm hoặc mục tiêu tấn công.

Nguồn gốc

Sinh năm 1970 tại bang Yobe (Đông Bắc Nigeria), Muhammad Yusuf lớn lên trong sự ảnh hưởng của một loạt phong trào Hồi giáo ở phía Bắc Nigeria lúc bấy giờ. Năm 2002, Muhammad Yusuf đã thành lập tổ chức Boko Haram với tư tưởng chống chính phủ, bài xích văn hóa phương Tây và tôn sùng Luật Hồi giáo Sharia. Những bài thuyết giáo chống chính phủ gay gắt của Muhammad Yusuf nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là người nghèo. Yusuf cho rằng căn nguyên sự cực khổ của người Hồi giáo là do quá trình thực dân hóa đã phá hủy các tư tưởng truyền thống, dẫn đến trạng thái hậu thuộc địa cho đất nước này, đồng thời lập luận rằng xã hội Nigeria cần sự chi phối chặt chẽ bởi Kinh Qur'an hơn là những tư tưởng của phương Tây như thuyết nhân tạo. Bởi vậy, mục tiêu ban đầu của tổ chức này khi thành lập chỉ là hoạt động như một nhóm đấu tranh tư tưởng.

Nhiều phụ nữ bị bắt cóc được Boko Haram huấn luyện để thực hiện các vụ đánh bom tự sát. (Nguồn: Foreign Desk).

Tháng 7/ 2009, một cuộc đụng độ nhỏ giữa các thành viên Boko Haram và cảnh sát bang Bauchi đã leo thang thành bạo lực trong nhiều ngày và lan sang cả các bang Borno, Yobe và Kano, làm hơn 800 người thiệt mạng. Thủ lĩnh Yusuf đã bị quân đội Nigeria bắt giữ và chịu án hành hình sau đó.  Bằng việc xử lý nặng tay các cuộc nổi dậy, Chính phủ Nigeria khi đó tưởng chừng đã đánh bại phong trào này và không phải nghe đến từ “Boko Haram” trong hơn một năm sau đó. Tuy nhiên, kể từ vụ bạo động, các chiến binh Boko Haram tin rằng đây là một bước ngoặt, một điềm báo rằng tổ chức này phải đi theo con đường bạo lực để theo đuổi các mục tiêu. Chính vì vậy, các hoạt động của Boko Haram dần theo hơi hướng bạo lực hơn.

Sự tái sinh

Boko Haram đã không biến mất mà đi vào hoạt động ngầm chờ ngày trả thù. Abubakar Shekau trở thành nhà lãnh đạo mới của Boko Haram. Tháng 9/2010, Boko Haram đánh dấu sự trở lại của mình bằng vụ phá ngục ở Bauchi, giải thoát hơn 700 tù nhân, trong đó cả những thành viên Boko Haram.

Kể từ đó, các vụ tấn công của nhóm này ngày một leo thang về cách thức tấn công, mục tiêu và quy mô. Đặc biệt tháng 8/2011, Boko Haram đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế bằng vụ khủng bố vào cơ quan đại diện của Liên hợp quốc ở thủ đô Abuja, làm 25 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Vụ tấn công này cho thấy sự quốc tế hóa mục tiêu tấn công và việc sử dụng các khí tài hiện đại của tổ chức này, đồng thời làm dấy lên lo ngại về khả năng có tác động, hỗ trợ từ bên ngoài mà không ai khác chính là tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda.

Sự gia tăng quy mô và mức độ bạo lực của Boko Haram phần nào được thúc đẩy bởi những bất bình giữa dân chúng với chính quyền địa phương. Là đất nước đông dân nhất châu Phi, khoảng một nửa trong hơn 168 triệu người dân Nigeria sống trong cảnh nghèo đói (chưa đến 2 USD/ngày) và tỉ lệ người mù chữ chiếm gần 50%. Trong khi, chính quyền thường phải chịu những cáo buộc như tha hóa, tham nhũng và lạm dụng chức quyền.

Những chiến binh Boko Haram. (Nguồn: Reuters).

Lợi dụng sự bất mãn của người miền Bắc đối với người miền Nam sung túc hơn, Boko Haram đã tuyển mộ và giành được nhiều  ủng hộ từ cộng đồng Hồi giáo. Trong vụ tấn công Kano - thành phố lớn nhất ở phía Bắc Nigeria tháng 1/2012 khiến hơn 150 người thiệt mạng, Boko Haram đã lợi dụng điểm yếu là tình hình căng thẳng giữa người dân Nigieria với lực lượng an ninh bấy giờ để thổi bùng bạo lực.

Boko Haram cũng là tác giả của vụ bắt cóc hơn 200 nữ sinh tại một trường học ở Chibok, bang Borno, Nigeria tháng 4/2014. Ngoài ra, tổ chức này liên tục tiến hành nhiều vụ đánh bom, xả súng đẫm máu vào các khu chợ, nhà thờ, trường học và những nơi đông đúc dân cư ở Nigeria.

Theo thống kê, từ năm 2009, các hoạt động bạo lực liên quan đến nhóm Boko Haram đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người. “Thành tích” này của Boko Haram thậm chí còn vượt mặt cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng về số lượng và mức độ tàn độc. Khiếp sợ Boko Haram, hàng triệu dân thường trong vùng chiến sự đã phải chạy tị nạn, bỏ lại nhà cửa và vườn tược.

Theo chuyên gia về đạo Hồi và các phong trào Hồi giáo Mathieu Guidère, Boko Haram đang biến thành một tổ chức hỗn hợp. Cụ thể là, giống al-Qaeda ở học thuyết, chiến lược thông tin (ra tuyên bố bằng video clip) và giống IS ở hành động man rợ (tàn sát cả làng vì nghi ngờ hợp tác với chính quyền, chặt đầu, thiêu sống…). Ngày 13/11/2013, Mỹ chính thức liệt Boko Haram vào nhóm các tổ chức khủng bố quốc tế đặc biệt nguy hiểm đối với toàn thế giới.

Chính quyền đau đầu

Với tuyên bố thề trung thành với IS, Boko Haram đang dần chuyển mình để cấu kết thành một liên minh ma quỷ cùng IS. Thay đổi tên gọi thành “Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi” lẫn cách thức, hàng loạt những cuộc tấn công đẫm máu của Boko Haram đã vượt qua tầm kiểm soát của chính phủ và tác động không nhỏ đến hệ thống an ninh quốc gia của Nigeria. Thậm chí, Chính phủ Nigeria đã phải treo thưởng 7 triệu USD cho đầu của thủ lĩnh Abubakar Shekau.

Nhiều cư dân thành phố bị Boko Haram tấn công đều bày tỏ kinh hoàng và không hiểu nổi vì sao các phiến quân khủng bố này lại có thể làm chủ thành phố một cách dễ dàng như vậy? Abdulgafar Bello, một người buôn bán bất bình: “Những gì đang xảy ra ở Nigeria bây giờ là không thể chấp nhận được!”.

Theo Giám đốc tổ chức tình báo SITE Rita Katz, Boko Haram từ một nhóm phiến quân địa phương vươn lên thành cánh tay đắc lực của IS. Thậm chí, sự trỗi dậy của Boko Haram còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến ba nước láng giềng của Nigeria là Cameroon, Chad và Niger, trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với khu vực Tây Bắc châu Phi.

Đầu năm 2015, Liên minh châu Phi (AU) đã quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm chung với sự tham gia của Nigeria, Cameroon, Chad và Niger nhằm chiến đấu đẩy lùi Boko Haram. Quyết định này của AU chủ yếu là vì thất vọng về sự bất lực của lực lượng an ninh Nigeria.

Thời gian gần đây, quân đội Nigeria cũng đã tiến được nhiều bước tích cực trong cuộc đối đầu với Boko Haram như giải cứu thành công những người dân vô tội bị Boko Haram bắt cóc, giành lại một số khu vực từng do nhóm này kiểm soát, đồng thời tiêu hủy nhiều phương tiện, vũ khí và ngăn chặn nguồn thu của các chiến binh.

Mới đây nhất ngày 15/6, quân đội Nigeria đã tuyên bố giải cứu được 57 con tin, gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, bị Boko Haram bắt giữ tại một số khu vực thuộc hai bang ở Đông Bắc Nigeria là Adamawa và Borno.  Ba tháng trước, quân đội Nigeria giải thoát được hơn 800 con tin bị nhóm này bắt giữ tại bang Borno.

Tuy vậy, các chuyên gia quân sự vẫn bày tỏ lo ngại về sự thay đổi phương thức đào tạo và chiến thuật của Boko Haram. Boko Haram ngày nay có chiến binh trải khắp khu vực Tây Phi, với nhiều kiểu trú ẩn an toàn tại rừng Sambisa, đồi Mandara chạy dọc theo biên giới của Nigeria với Cameroon, hoặc các vùng đầm lầy ngập nước ở Chad... Tạm từ bỏ tham vọng kiểm soát lãnh thổ và tấn công vũ trang quy mô lớn, Boko Haram dường như đang chuyển sang chiến thuật chiến tranh bất đối xứng.

Cụ thể là gần đây Boko Haram thường sử dụng phụ nữ và trẻ em để đánh bom tự sát vào các mục tiêu chính trị hoặc các mục tiêu mềm trên khắp vùng Đông Bắc Nigeria và khu vực biên giới chứ không lựa chọn kiểu đối đầu trực tiếp như trước. Xu hướng khủng bố này thực sự là một mối lo ngại đối với chính quyền các nước sở tại vốn còn nhiều lỗ hổng an ninh. Mặt khác, việc nhiều người dân vẫn tiếp tục gia nhập Boko Haram bởi những lời hứa hẹn về lợi ích cũng khiến Boko Haram không ngừng “hồi sức”.

Áp lực quân sự kéo dài có thể làm giảm sự kiểm soát đất đai tạm thời của Boko Haram nhưng không thể ngăn chặn sự phục hồi của nhóm này sau đó. Rõ ràng, Nigeria và các nước trong khu vực cần phải luôn ý thức được mối đe dọa từ sự biến hóa khôn lường của nhóm khủng bố “tắc kè hoa” này.   

[tổng hợp]