📞

Giải mã thành tích tiêm chủng 'phi thường', khiến nhiều quốc gia trầm trồ ghen tị của Bhutan

Hân Anh 08:00 | 07/08/2021
Bhutan trở thành một trong những quốc gia có chương trình tiêm vaccine Covid-19 nhanh và hiệu quả nhất thế giới, với tỷ lệ tiêm đạt 90% chỉ trong 7 ngày.

Bhutan, vương quốc nhỏ bé toạ lạc tại Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ, với dân số chỉ 770.000 người, đã hoàn thành việc tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cho phần lớn người trưởng thành từ ngày 20-25/7, với sự giúp đỡ của hơn 4.800 nhân viên y tế trên khắp cả nước.

Các nhà sư Bhutan làm lễ bên cạnh 500.000 liều vaccine Covid-19 của hãng Moderna do Mỹ tặng thông qua cơ chế COVAX. (Nguồn: UNICEF)

Thành công trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 đại trà ở Bhutan là nhờ chính phủ đã có những động thái nhanh chóng cùng đội ngũ nhân viên y tế, tình nguyện viên giúp đỡ vận chuyển vaccine Covid-19 tới các làng mạc xa xôi hẻo lánh.

Ngoài ra, Bhutan cũng chủ động giải quyết những lo ngại của người dân và quyết liệt đẩy lùi thông tin sai lệch liên quan tới việc tiêm chủng.

Khâu chuẩn bị kỹ lưỡng

Ngày 27/7, Đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Bhutan, ông Will Parks đã ca ngợi thành công của chiến dịch tiêm chủng ở Bhutan là “thành tích phi thường”.

Thành tích này có được nhờ “những nỗ lực toàn diện” trong việc thu thập vaccine và chuẩn bị kỹ càng trước khi triển khai tiêm chủng.

Ông Parks cũng kể đến các trung tâm tiêm chủng cộng đồng trên khắp cả nước cùng những chuyến thăm tới nhà người già, người khuyết tật, và cả những chuyến đi bộ leo núi hàng giờ để đưa vaccine tới những người chăn nuôi du mục...

Tất cả đã tạo nên sự thành công chung cho chiến dịch tiêm chủng của quốc gia này.

Mặc dù Bhutan bắt đầu nhận được lô hàng vaccine lớn đầu tiên vào tháng 1, nhưng mãi cho đến tháng 3, quốc gia này mới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà.

Thú vị hơn, ngày khởi động tiêm chủng được lựa chọn một cách vô cùng kỹ lưỡng, thông qua việc dự báo chiêm tinh của các nhà sư Phật giáo.

Theo một tuyên bố từ văn phòng thủ tướng, vào ngày 26/3, cùng với những lời cầu nguyện và tụng kinh của các phật tử, liều vaccine đầu tiên được tiêm cho một người phụ nữ tuổi Thân và người thực hiện là một y tá sinh cùng năm.

Ngay sau khi chiến dịch bắt đầu, Bhutan đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng liều đầu tiên. Chỉ chưa đầy 2 tuần, hơn 472.000 người trong độ tuổi từ 18 tới 104, tương đương hơn 93% người trưởng thành có đủ điều kiện, đã được tiêm mũi đầu tiên, theo số liệu của Bộ Y tế Bhutan.

Khi dùng hết số vaccine của hãng AstraZeneca do Ấn Độ tặng, Bhutan buộc phải đưa ra lời kêu gọi quyên góp từ bên ngoài.

Giữa tháng 7, quốc gia Nam Á này nhận được thêm 250.000 liều vaccine AstraZeneca từ Đan Mạch, 500.000 liều vaccine Moderna do Mỹ tặng thông qua cơ chế COVAX, hơn 100.000 liều vaccine AstraZeneca từ Croatia, Bulgaria, 50.000 liều vaccine Sinopharm từ Trung Quốc…

Ngoài ra, chính phủ Bhutan cũng đã đặt mua 200.000 liều vaccine Pfizer, dự kiến được giao vào cuối năm nay.

Nỗ lực phối hợp toàn diện

Sự thành công của chiến dịch tiêm chủng của vương quốc này phải kể đến sự góp sức của đội ngũ hơn 2.000 tình nguyện viên, được gọi là “desuung" hay “chiến binh gìn giữ hòa bình”, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.

Những tình nguyện viên này đã hỗ trợ thiết lập hơn 1.200 điểm tiêm chủng trên khắp Bhutan, cũng như vận chuyển vaccine tới những vùng nông thôn hẻo lánh.

Sự đóng góp của họ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quốc gia chỉ có vỏn vẹn 37 bác sĩ trước khi đại dịch xuất hiện.

Bên cạnh việc có dân số nhỏ, giúp dễ đạt được mục tiêu tiêm chủng hơn, ông Parks cho rằng, Bhutan còn được hưởng lợi từ sự thống nhất trong cách thức truyền đạt thông tin giữa chính quyền địa phương và trung ương, bao gồm cả Thủ tướng và Quốc vương.

Điều này góp phần hạn chế những thông tin sai sự thật về chiến dịch tiêm chủng, gây hoang mang cho người dân.

Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering từ sớm đã ủng hộ vaccine. Ông thường xuyên đăng video trên mạng xã hội để trả lời câu hỏi của người dân về vaccine hoặc biện pháp phòng chống dịch.

Các nhà lãnh đạo cao nhất trong chính phủ Bhutan gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Ngoại giao vốn là bác sĩ hay chuyên gia y tế cộng đồng. Họ đều tích cực tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine.

Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck tổ chức những chuyến đi khắp đất nước để giám sát những biện pháp bảo vệ vương quốc khỏi Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Đặc biệt hơn, Quốc vương Bhutan đã tổ chức những chuyến đi khắp đất nước, vừa để giám sát những biện pháp bảo vệ vương quốc khỏi Covid-19, vừa để nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêm chủng.

UNICEF cũng đã hỗ trợ Bhutan bằng cách lắp đặt các hệ thống làm lạnh và dây chuyền lạnh trên khắp cả nước nhằm bảo quản vaccine, cũng như sắp xếp các chuyến bay chuyên biệt từ Mỹ để vận chuyển vaccine.

Vào ngày 27/7 vừa qua, trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Bhutan Dechen Wangmo đã đăng tải một bức ảnh về việc các nhân viên y tế và tình nguyện viên “trèo đèo lội suối” để đưa vaccine đến các ngôi làng xa xôi.

Kèm theo bức ảnh là dòng chia sẻ: “Khi chiến dịch tiêm chủng kéo dài một tuần qua đã đến những hồi cuối cùng, các nhân viên y tế khắp cả nước đang chuẩn bị cho chương trình tiếp cận vaccine dành cho người khuyết tật và hạn chế vận động trong một tuần sắp tới".

Trả lời hãng thông tấn AP, ông Wangmo cho biết động lực lớn nhất đằng sau nỗ lực tiêm chủng này của Bhutan là nhằm “đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất có thể để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng y tế công cộng".

Thành công của Bhutan là điểm sáng trong khu vực Nam Á, nơi các quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh đang phải vật lộn với sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 do biến thể Delta và buộc phải tăng cường tiêm chủng.

(theo The Washington Post)