Giải Nobel Hoà bình 2016 sẽ được công bố vào ngày 7/10. 376 ứng cử viên, trong đó có 228 cá nhân và 148 tổ chức đã được đề cử là ứng viên của giải thưởng danh giá này.
Lực lượng Mũ Bảo hiểm trắng Syria
Các tình nguyện viên của Lực lượng phòng vệ dân sự Syria (còn được gọi là lực lượng Mũ Bảo hiểm trắng – The White Helmets) được đề cử giải Nobel Hoà bình vì những hành động dũng cảm của họ nhằm giải cứu các nạn nhân sau các cuộc không kích ở Syria trong hơn 5 năm qua. The White Helmets (WH) đã cứu được hơn 60.000 người từ các đống đổ nát trên chiến trường.
Các tình nguyện viên “mũ bảo hiểm trắng” đang giúp đỡ một nạn nhân sau vụ không kích ở Aleppo. Ảnh Getty Images |
Với phương châm: “cứu một mạng người là cứu cả nhân loại”, các tình nguyện viên WH sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình để tìm kiếm những người chết và bị thương sau mỗi cuộc tấn công ở một trong những nơi nguy hiểm nhât thế giới. Trong khi thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình, những người anh hùng đội Mũ Bảo hiểm trắng cũng phải đối mặt với hàng loạt hiểm nguy. Khoảng 160 thành viên của lực lượng này đã bị giết chết trong khi làm nhiệm vụ kể từ năm 2013.
Việc WH được nhiều tổ chức trên thế giới ủng hộ trở thành ứng viên cho giải Nobel Hoà bình năm nay chính là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những cống hiến to lớn mà WH đã và đang làm tại Syria.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Năm ngoái, nữ Thủ tướng Đức cũng được đề cử là ứng viên nhận giải Nobel Hoà bình vì những đóng góp của bà đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu. Tuy nhiên, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Emnid phối hợp với hãng tin N24 (Đức) thực hiện, 73% người Đức đã nói rằng họ không muốn bà Merkel giành được giải thưởng này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh AP |
Bà Merkel đã vấp phải nhiều chỉ trích ở cả trong nước và người dân nhiều nước châu Âu vì chính sách mở cửa với người di cư, làm châu Âu chìm trong nỗi lo khủng bố, gánh nặng kinh tế, cân bằng giới, thị trường lao động, dịch vụ công... Năm 2015, nước Đức đã tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn. Năm nay số người tị nạn tới Đức đã giảm mạnh tuy nhiên vẫn ở con số vài trăm nghìn người.
Tỉ lệ ủng hộ bà Merkel giảm mạnh, điều này được cho là bất lợi cho Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Merkel trước cuộc bầu cử Liên bang diễn ra vào năm tới. Bà Merkel còn phải chịu áp lực lớn để chứng minh được rằng Chính phủ của bà có thể xử lý những mối quan ngại nói trên. Bởi vậy, chưa chắc bà Merkel đã muốn nhận giải thưởng này vì nó sẽ làm gia tăng áp lực đối với bà.
Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis được dự đoán sẽ là Giáo hoàng đầu tiên nhận giải thưởng Nobel Hoà bình. Kể từ khi trở thành Người đứng đầu Toà thánh Vatican hơn 3 năm trước, Giáo hoàng đã chiếm được trái tim của hàng triệu người trên thế giới vì lập trường mạnh mẽ trong các vấn đề chống nghèo đói, biến đổi khí hậu, công bằng xã hội và giúp đỡ người tị nạn...
Giáo hoàng Francis thăm người tị nạn ở Lesbos (Hy Lạp). Ảnh Reuters |
Trong chuyến thăm đảo Lesbos của Hy Lạp hồi tháng 4 vừa qua để gặp gỡ những người di cư đang lánh nạn tại đây, Giáo hoàng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng có những giải pháp cho vấn đề người tị nạn nhằm chấm dứt “tình cảnh bi đát và tuyệt vọng" đối với hàng triệu người trên thế giới. “Các bạn không hề đơn độc”, Giáo hoàng Francis nói với những người tị nạn tại Lesbos. Ông đã có hành động bất ngờ khi đón 12 người tị nạn về Vatican.
Người dân trên các đảo của Hy Lạp
Những người dân sống trên các đảo của Hy Lạp cũng được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình vì đã hết lòng giúp đỡ người tị nạn Syria dù họ đang phải sống trong tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng từ nhiều năm qua.
Một tình nguyện viên đang hỗ trợ môt bé gái được cứu sống sau khi chiếc thuyền chở người di cư bị chìm gần đảo Lesbos (Hy Lạp). Ảnh Reuters |
Khoảnh khắc cụ bà 85 tuổi Emilia Kamvissi cho em bé người Syria uống sữa là hình ảnh thể hiện rõ nét tấm lòng bác ái của người dân trên các đảo của Hy Lạp đối với những người tị nạn Syria, giúp họ sống sót sau chuyến vượt biển từ Thổ Nhỹ Kỳ. “Mọi người ca ngợi chúng tôi là những anh hùng. Nhưng đây không phải là việc làm của một anh hùng, đó là điều bình thường đáng để làm”, Stratis Valiamos, một ngư dân 40 tuổi đã cứu giúp hàng trăm người tị nạn, nói.
Bà Kamvissi, ông Valiamos và nữ diễn viên Susan Sarandon – người đã tích cực cứu giúp người tị nạn Syria, sẽ đại diện cho người dân trên đảo Hy Lạp nhận giải thưởng này nếu họ trở thành chủ nhân của Nobel Hoà bình 2016.
Tổng thống Colombia và Lãnh đạo lực lượng FARC
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và Lãnh đạo Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono, còn gọi là Timochenko, là hai ứng viên nổi trội cho giải Nobel Hoà bình năm nay sau khi Chính phủ Colombia và FARC ký kết thoả thuận hoà bình hôm 26/9. Thỏa thuận là đỉnh điểm của quá trình đàm phán hòa bình và hòa giải kéo dài 4 năm, được cả thế giới tán đồng và Liên Hợp quốc bảo trợ, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 52 năm qua tại Colombia.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) và Lãnh đạo lực lượng FARC Rodrigo Londono bắt tay nhau trong lễ ký thoả thuận hoà bình lịch sử. Ảnh AFP |
Tuy nhiên, cử tri Colombia hôm 2/10 đã bác bỏ thỏa thuận này chỉ sau vài ngày ký kết. Chính phủ Colombia và FARC đã cùng nhau vượt qua nhiều thách thức để có được hòa ước. Giờ đây, họ lại bị thách thức về sự kiên định thiện chí hòa bình và quyết tâm hòa giải.
Đã có 96 người được nhận giải Nobel Hoà bình từ năm 1901-2015 Có 16 phụ nữ được nhận giải 62 là số tuổi trung bình của những người được trao giải Malala Yousafzai là người trẻ nhất nhận giải Nobel Hoà bình khi cô 17 tuổi vào năm 2014 |