Nhà xuất bản từ điển Oxford vừa chọn một từ tiêu biểu cho năm 2016: “post-truth” – “hậu sự thật”. Theo định nghĩa, Oxford, “hậu sự thật là tính từ liên quan đến các tình huống mà sự việc khách quan tạo ra sức hấp dẫn về cảm xúc và niềm tin cá nhân hơn là định hướng công luận”. Song, theo phân tích, để có post-truth, con người trải qua tác động mạnh của fake news. Công chúng luôn có xu hướng đi theo nguồn tin mà họ tò mò và cảm tình, bất kể nội dung đó ra sao, hơn là các cố gắng phân tích rạch ròi từ một tờ báo uy tín.
Âm mưu chính trị
Sử gia La Mã thế kỷ VI Procopius được nhớ đến vì đã viết những thông tin không rõ ràng nhằm bôi nhọ danh tiếng của Hoàng đế Justinian (482/483-565) - người được xem là đã tạo nên kỷ nguyên khác biệt, có công phục hồi một phần lãnh thổ của Đế quốc Tây La Mã. Đến năm 1522, văn sĩ người Italy Pietro Aretino (1492 - 1556) đã sử dụng ngòi bút của mình viết bài chế nhạo các ứng viên trong cuộc bầu cử Giáo hoàng Vatican, trừ người đỡ đầu của mình là Hồng y Giulio de 'Medi - người sau này trở thành Giáo hoàng thứ 219. Những "lời chế nhạo" (pasquinade) dù có thật hay không đều phát triển thành một thể loại truyền bá tin tức giả.
Le Canard enchainé khiến người khác chú ý khi trong tên tạp chí này có kèm dòng “No Fake news”. (Nguồn: AP) |
Theo Giáo sư Robert Darnton (Đại học Harvard, Mỹ), đến thế kỷ XVII, một phiên bản khác của fake news là canard (tin vịt) xuất hiện trên đường phố Paris trong suốt 200 năm. Nó được in trên thành tàu, bức tường hoặc chạm khắc nổi bật để thu hút người cả tin. Năm 1780, tin vịt nóng nhất là thông tin vừa bắt được một con quái vật ở Chile và đang vận chuyển đến Tây Ban Nha. Hay trong giai đoạn Cách mạng Pháp, gương mặt của Hoàng hậu Marie-Antoinette (1755 - 1793) được chạm khắc trên các tấm đồng cũ để nói về những phù phiếm, nông nổi của bà, tạo ra tin vịt tuyên truyền chính trị giả, phục vụ việc lật đổ chế độ quân chủ. Điều này phần nào tạo ra sự hận thù trong dư luận, dẫn đến việc người phụ nữ này bị đưa lên máy chém sau khi cách mạng thành công.
Những nơi ký sinh
Năm 1772, Henry Bate thành lập The Morning Post, tờ báo tập hợp nhiều đoạn tin tức phần lớn là giả mạo. Chẳng hạn, ngày 13/12/1784, tờ này đăng đoạn tin về một trai bao phục vụ hoàng hậu Marie-Antoinette. Sau đó không lâu, ký giả tờ The Morning Herald cũng chuyên nhặt "tin tức" từ những nơi công cộng gần cung điện hoàng gia rồi viết vội lên mảnh giấy trước khi trao đổi với nhau trong quán cà phê.
Việc sản xuất và bán tin tức giả đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ XVIII ở London khi báo chí ngày càng phổ biến. Năm 1788, thủ đô nước Anh đã có 10 tờ nhật báo và 9 tuần báo mà đặc điểm cơ bản là đưa ra những thông tin kích thích dư luận, chủ yếu là chống lại các nhân vật nổi tiếng, phê phán kịch nghệ và sách.
Sang thế kỷ XX, fake news được sử dụng để tuyên truyền phục vụ đấu tranh giữa các trường phái tư tưởng. Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, Chính phủ Anh đã sử dụng nhiều biện pháp, bao gồm cả việc tung tin giả để thúc đẩy xu hướng chống lại người Đức - thường được mô tả là Hun. Sau đó, Đức quốc xã - khi tăng cường các phương tiện thông tin đại chúng để củng cố quyền lực, đã sử dụng chính lối tuyên truyền phân biệt chủng tộc này để chống lại người Do Thái.
Mới đây tại Anh, chỉ bốn ngày sau khi cử tri bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), giới tinh hoa London tụ họp ở British Academy bàn luận về vai trò của báo chí Anh trong trưng cầu dân ý. Các tờ báo lá cải lớn như The Sun hay Daily Mail đã ủng hộ Brexit. Để lôi kéo độc giả vào các chủ đề nóng, các tờ này bịa ra rất nhiều chi tiết sai sự thật mang lại ác cảm về châu Âu, được đồng thanh minh họa bởi các tuyên bố không cần biết đúng sai của các chính trị gia như Nigel Farage hay Boris Johnson. Điển hình là thông tin cho rằng “mỗi tuần nước Anh mất 350 triệu Bảng cho EU thay vì cho quỹ phúc lợi y tế quốc gia - NHS” mà chỉ vài giờ sau chiến thắng của phe ủng hộ Brexit, thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage đã phải thừa nhận là không chính xác.
Trong khi đó ở Pháp, một trang mạng khẳng định ứng cử viên Tổng thống số 1 của đảng cánh hữu Francois Fillon thực ra có gốc Hồi giáo và tên thật là Farid chứ không phải cái tên đặc sệt chất Pháp - Francois. Hay những thông tin nói rằng 90% cử tri Pháp vào thời điểm này ủng hộ bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia lên làm Tổng thống Pháp. Tận dụng xu hướng chỉ trích tin giả, Tạp chí trào phúng chính trị Le Canard enchainé khiến người khác chú ý khi trong tên tạp chí có kèm dòng “No Fake news”. Hồi giữa tháng 2/2017, tờ này phanh phui vụ việc ông Francois Fillon đã thuê chính vợ mình làm trợ lý Quốc hội khiến ông phải công khai xin lỗi.
PGS. Ethan Zuckerman, Giám đốc Trung tâm truyền thông MIT (Mỹ) cho rằng nếu nói đến fake news, không thể không đề cập đến nhánh con của nó là disinformatya (hướng một chiều dư luận) - biểu hiện trên mạng xã hội. Người tung tin chủ ý thuyết phục bạn đọc rằng một điều gì đó, một con người nào đó chỉ tốt hoặc xấu. Cách làm ô nhiễm “hệ sinh thái tin tức” này khiến xã hội bị lung lay niềm tin. Một trong những hình thức nổi tiếng nhất của disinformatya là "shitposting" - kỹ thuật làm tràn ngập fake news trên các diễn đàn trực tuyến.
Độc giả quyết định sự thật
Sự trở lại và phát triển mạnh mẽ của fake news trong năm 2016-2017 xoay quanh các sự kiện chính trị ở Mỹ, Anh, Pháp hay trước đó là Mùa xuân Arab khác phần lớn so với công tác tuyên truyền kỷ XX. Chủ yếu người ta nhìn thấy các nhóm người lợi dụng sự tương tác của truyền thông xã hội thông qua việc sử dụng các nguồn tin. Tuy nhiên, nét tương đồng ở đây là cả hai đều bóp méo sự thật để thuyết phục cảm xúc, điều khiển hành động của công chúng. Ngoài ra, nhiều người xem đây là cơ hội kiếm tiền nhờ việc phân phối nội dung, bán quảng cáo.
Giới học giả đã nhiều lần đưa ra giải pháp kiềm chế tác động của fake news nhưng điều này không dễ dàng. Ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, hiến pháp nhấn mạnh quyền tự do báo chí phần nào tiếp sức cho dòng chảy của thông tin, bao gồm tin vịt. Một số đề xuất cho rằng các trang chia sẻ như Facebook phải lọc các tin tức giả mạo. Tuy nhiên, nhiều người e ngại cách làm này nguy hiểm khi cho nhà mạng có sức mạnh quyết định thông tin có thể đưa và điều này là không chấp nhận được.
Tuy vậy, các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google đều đang thực hiện những cơ chế kiểm tra chéo nhằm ngăn chặn việc phát tán tin giả trên các nền tảng của mình. ABC News cho phép người dùng truy vấn những tin tức bị nghi ngờ sai lệch. Sau đó, tin tức đó sẽ được kiểm tra chéo một cách nghiêm ngặt, nhằm xác định xem các tuyên bố có bị ngắt khỏi ngữ cảnh, bị phóng đại hay làm cho sai lệch hay không. Những tin tức bị coi là giả mạo sẽ bị "gắn cờ" khi xuất hiện trên News Feed (cột tin tức chính trên trang Facebook). Một giải pháp khác được đưa ra là phổ biến nhận thức truyền thông cho công chúng để độc giả trở thành màng lọc, tự xác định thật giả và vạch trần các âm mưu tuyên truyền.