Trong khi sáng kiến Vành đai và Con đường dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp Bắc Kinh phát triển nhanh chóng và phần nào khẳng định vị thế của mình tại châu Á, thì tại châu Âu, Italy cũng đang muốn thúc đẩy một sáng kiến tương tự tại vùng biển Địa Trung Hải.
Kể từ khi bị đại dịch Covid-19 “oanh tạc” vào năm 2020 và khi trở thành một trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất châu Âu và thế giới, Italy đang cố gắng lấy lại vị thế và hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
Italy đang có ước mong trở thành trung tâm của Nam Âu cũng như vùng biển Địa Trung Hải. |
Thành Rome đang cố gắng vươn lên ở trong khu vực Địa Trung Hải trong khi các quốc gia ở khu vực đang bị đại dịch tàn phá và chưa biết đến khi nào mới có thể mở cửa nền kinh tế. Hiện tại, Italy được đánh giá là quốc gia phát triển kinh tế tốt nhất ở châu Âu và vùng Balkan.
Để có được thành công này, Italy đã tập trung đầu tư vào vùng biển Địa Trung Hải, kết nối thương mại với các quốc gia khu vực trong suốt hai thập kỷ. Đây là cơ sở và điều kiện thuận lợi để Italy “phác thảo” một sáng kiến lấy Rome là trung tâm, nhằm đẩy nhanh quá trình trở lại của quốc gia này. Có những nhận xét cho rằng, sáng kiến của Italy phần nào giống sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Sáng kiến Mediterraneo allargato
Còn được gọi của Địa Trung Hải mở rộng, Mediterraneo allargato là bản đồ về sáng kiến trỗi dậy thương mại của Italy ở thế kỷ XXI. Theo các chuyên gia, bản đồ thương mại của Rome ở thời gian này có sự tương đồng với Đế quốc La Mã ở thế kỷ I.
Điều đó có thể thấy Italy đang có tham vọng tìm lại ánh hào quang năm xưa của mình. Bằng chứng là Rome những năm gần đây đầu tư nhiều vào khu vực Địa Trung Hải. Theo truyền thống, Italy tập trung vào 3 chính sách ngoại giao trụ cột: chủ nghĩa châu Âu, chủ nghĩa Đại Tây Dương và chủ nghĩa Địa Trung Hải.
Nhưng Rome gần đây đang ngày càng tập trung nguồn lực của mình vào những lợi ích tại Địa Trung Hải. Và quyết định này ngày càng được thể chế hoá rõ rệt hơn. Vào tháng 1/2018, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Italy Roberta Pinotti đã yêu cầu triển khai binh sĩ ở Afghanistan và Iraq để thực thi nhiệm vụ ở Lybia và Niger. Bà Pinotti cũng khẳng định: “Trung tâm can dự của chúng tôi là sáng kiến Mediterraneo allargato, triển khai từ vùng Balkan đến Sahel và Sừng châu Phi”.
Dự báo, sáng kiến của Italy sẽ ngày càng được phát triển mạnh mẽ hơn. Trung tâm của sáng kiến là cảng nước sâu Taranto ở phía Nam Italy và kết nối với Tunisia để tạo nên một trục nối chính giữa châu Âu và châu Phi. Trục đường này có thể trực tiếp đi đến Algeria và xuyên Sahara, thậm chí chạy thẳng đến Tây Phi.
Những dự án khổng lồ
Khi EU thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vào năm 2012, Italy đã vượt qua Pháp để trở thành nhà sản xuất thứ lớn thứ 2 khu vực và giá trị sản xuất tăng liên tục. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Italy là ở Địa Trung Hải và mở rộng thị trường sang Mỹ và Trung Quốc và đang là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất sang khu vực châu Phi và Địa Trung Hải.
Không dừng lại ở đó, Italy đang muốn trở thành đế chế năng lượng ở châu Phi. Tập đoàn năng lượng Eni của Italy hiện kiểm soát khoảng 45% sản lượng dầu khí ở Lybia và là một trong những đối tác năng lượng hàng đầu của Algeria khi đồng sở hữu 1 ống dẫn khí từ quốc gia này đi qua Tunisia để đến Italy.
Eni đang là một trong những con bài đắc lực của chính phủ Italy. (Nguồn: anticorr) |
Ở Algeria, Rome đang cố gắng hoàn thành mạng lưới với tuyến cáp điện dưới biển dài 192km với công suất 600 MW xuyên qua Tunisia đến đảo Sicily. Việc hoàn thành mạng lưới điện sẽ giúp quốc gia Nam Âu bớt phụ thuộc vào nguồn điện ở châu Âu và đồng thời có thể trở thành quốc gia cung ứng điện ngược lại cho toàn cõi EU.
Những dự án chiến lược khổng lồ đang được chính phủ Italy triển khai ở khu vực Địa Trung Hải khi tập đoàn Eni sở hữu 50% thị phần và đang vận hành mỏ khí tự nhiên Zohr của Ai Cập, lớn nhất vùng Đông Địa Trung Hải; cũng như sở hữu 50% thị phần của 1 trong 2 nhà máy đốt khí tự nhiên hóa lỏng của Cairo và là nhà vận hành hàng đầu ngành khai thác khí tự nhiên ngoài khơi của Cyprus.
Có thể thấy, Italy đang dần trở thành “nhân vật chính” trong bàn cờ chiến lược ở phía đông và nam của khu vực Địa Trung Hải khi cung cấp các dịch vụ từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến đồ tiêu dùng cũng như việc bán vũ khí.
Đến nay, cuộc đặt cược vào Địa Trung Hải của Italy đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, khu vực vẫn còn nhiều rủi ro lớn về mặt an ninh cũng như lợi ích, gây ra bởi các cuộc xung đột như tranh chấp Israel-Palestine, nội chiến Libya, Syria hoặc diễn ra những nạn buôn người xuyên biên giới.
Những ý kiến trái chiều
Giống như Trung Quốc bị Mỹ và các đối tác, đồng minh ngăn cản sáng kiến Vành đai và Con đường, Italy cũng vấp phải ý kiến trái chiều từ 2 thành viên chủ chốt của EU là Pháp và Đức. Mức độ phủ sóng của Paris và Berlin ở châu Âu lớn hơn rất nhiều so với Rome khi 2 nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã “đóng ván” kinh tế ở châu Phi và khu vực Địa Trung Hải đã lâu.
Thêm vào đó, Italy cũng phải tìm cách điều hướng quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là khi giữa các quốc gia đó đang vướng phải những căng thẳng nhất định. Ví dụ, Italy đã nghiêng về phía Thổ Nhĩ Kỳ trong căng thẳng với Ai Cập vì những lợi ích ở Lybia. Tuy nhiên, việc Rome đẩy mạnh quan hệ với đảo Síp khiến Ankara phải “nóng mặt”.
Để dung hòa được những quan hệ phức tạp đó, Italy đã tìm đến Nga và Trung Quốc để hai quốc gia này hiện hữu ở khu vực Địa Trung Hải, tăng cường đan xen lợi ích nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Với Nga, quốc gia này đã hiện diện ở Địa Trung Hải thông qua các hợp đồng hợp tác dầu khí khi chiếm 30% ở mỏ Zohr của Ai Cập cũng như biển Đen với liên minh hợp tác Eni-Rosneft và Gazprom.
Với Trung Quốc, quốc gia này có ý kết nối Vành đai và Con đường với Mediterraneo allargato nhằm tạo cộng hưởng địa chính trị toàn cầu. Vào tháng 3/2019, Bắc Kinh và Rome đã ký biên bản hợp tác nhằm giúp Bắc Kinh mở thêm nhiều cơ hội vào châu Âu.
Trong bối cảnh quan hệ nội khối của EU đang gặp những trắc trở do sự can dự và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và Moscow đòi hỏi Brussels, Berlin và Paris cần phải chú ý hơn đến những lợi ích của Rome trong việc trở thành một trung tâm kết nối thương mại xuyên Địa Trung Hải. Nếu không, Italy có thể chọn hợp tác sâu hơn với các đối thủ của châu Âu vì lợi ích riêng của mình, khiến cho EU ngày càng bị chia rẽ sâu sắc hơn.