Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/4/2021, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định nước Mỹ sẽ “cạnh tranh với các đối thủ từ vị thế thượng phong” thông qua nỗ lực hàng đầu là củng cố nội lực của nước Mỹ.
“Kế hoạch việc làm cho người Mỹ” trị giá 2.000 tỷ USD mới được ông công bố tại thành phố Pittsburgh vừa qua không nằm ngoài mục tiêu này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về đầu tư cơ sở hạ tầng tại thành phố Pittsburgh cuối tháng Ba. (Nguồn: AP) |
Về tổng thể, nếu như gói cứu trợ “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” 1.900 tỷ USD trước đó chủ yếu tập trung vào nỗ lực hỗ trợ các hộ gia đình, người lao động và doanh nghiệp Mỹ vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, “Kế hoạch việc làm cho người Mỹ” lại hướng tới vực dậy toàn diện nền kinh tế từ đại dịch.
Theo Tổng thống Joe Biden, gói kích thích kinh tế lần này là tầm nhìn dài hạn để tạo ra “nền kinh tế mạnh nhất, chống chịu tốt nhất, sáng tạo nhất thế giới”, cần thiết “để Mỹ có thể lãnh đạo thế giới như đã từng làm trong lịch sử” và sẽ được các thế hệ tương lai trong 50 năm nữa ghi nhận vì đã giúp nước Mỹ chiến thắng.
Vậy kế hoạch táo bạo của chính quyền ông Joe Biden có gì đặc sắc?
Tầm nhìn 2.000 tỷ USD
Gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trọng yếu là cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và công nghệ. Tại sao lại là 3 lĩnh vực này?
Bởi lẽ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn “đại phẫu toàn diện hệ xương sống” của nền kinh tế Mỹ, vốn dĩ đã trở nên già cỗi kể từ ngày hệ thống đường cao tốc liên bang ra đời vào nhiều thập kỷ trước; thiết lập một nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, dựa vào các loại hình năng lượng sạch và chuẩn bị cho một cuộc đua lâu dài với Trung Quốc về công nghệ.
Cụ thể, khoản đầu tư lớn nhất, trị giá 621 tỷ USD được dành cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Kế hoạch hướng tới nâng cấp tổng số 32.000 km đường và hơn 10.000 cây cầu trên khắp nước Mỹ, dành 25 tỷ USD hiện đại hóa mạng lưới sân bay, 17 tỷ USD cho hệ thống cảng biển và đường thủy nội địa.
Khoản đầu tư lớn khác trị giá 580 tỷ USD được dành cho nghiên cứu và phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các chương trình, dự án nghiên cứu trọng điểm về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và điện toán, tin học.
Ngoài ra, kế hoạch cũng dự kiến đầu tư 300 tỷ USD cho các nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng sản xuất đối với các mặt hàng trọng yếu với nền công nghiệp nội địa, với 50 tỷ USD trong số đó dành cho nghiên cứu và chế tạo chất bán dẫn.
Cuối cùng, hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai, kế hoạch dành 174 tỷ USD cho thị trường xe điện và 100 tỷ USD nâng cấp hệ thống mạng lưới điện quốc gia.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến với lãnh đạo các tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn tại Mỹ ngày 12/4. (Nguồn: AP) |
Định hình lại cuộc chơi
Dù trong phát biểu tại Pittsburgh, Tổng thống Joe Biden chỉ đề cập trực tiếp tới cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc, song theo các nhà quan sát, hai lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch hoàn toàn không nằm ngoài cuộc chơi.
Về cơ sở hạ tầng, các chuyên gia kinh tế đều nhận định bối cảnh quốc tế hiện nay cho thấy một nước chỉ có thể giữ được vai trò thống trị kinh tế toàn cầu khi có nền kinh tế phát triển ổn định, dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ.
Chính vì vậy, kế hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sá, cầu, cảng được ông Joe Biden đưa ra không nằm ngoài mục đích kiện toàn nền tảng cho sự phát triển của kinh tế Mỹ.
Trên thực tế, Mỹ hiện phải đối mặt với nguy cơ bị Trung Quốc đuổi kịp và vượt qua trên lĩnh vực hạ tầng cơ sở (cả về hạ tầng cứng lẫn hạ tầng số).
Trong chưa đầy 10 năm, Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới đường sắt cao tốc lớn hơn tất cả các nước khác cộng lại, dẫn đầu toàn cầu về năng lượng xanh và thành công nổi trội về triển khai mạng 5G.
Về công nghệ mới, công nghệ then chốt, đặc biệt là sản xuất chất bán dẫn, theo thống kê trích dẫn từ Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn gần đây, thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của Mỹ giảm từ 37% (1990) xuống chỉ còn 12%.
Với tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất đã bộc lộ rõ nét trong đại dịch Covid-19, những con số nêu trên là các dấu hiệu báo động về sự suy giảm sức cạnh tranh của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu nói chung và trong tương quan với kinh tế Trung Quốc nói riêng.
Do đó, thay vì duy trì cách tiếp cận với Trung Quốc lâu nay là tập trung vào đầu tư nâng cao năng lực quốc phòng để tạo răn đe quân sự, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang khéo léo điều chỉnh hướng tiếp cận, củng cố tiềm lực kinh tế, tạo “thế thượng phong” trong cạnh tranh với Trung Quốc trên cả 3 lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế gồm hạ tầng cơ sở, năng lượng sạch và công nghệ.
Về cơ sở hạ tầng, các chuyên gia kinh tế đều nhận định bối cảnh quốc tế hiện nay cho thấy một nước chỉ có thể giữ được vai trò thống trị kinh tế toàn cầu khi có nền kinh tế phát triển ổn định, dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. |
Để tạo đồng thuận, xây dựng sự ủng hộ nội bộ với cách tiếp cận này, Tổng thống Biden đã có các bước vận động đối với từng nhóm đối tượng ở Mỹ.
Tại cuộc gặp với nhóm Nghị sỹ lưỡng đảng ngay sau điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng Washington “cần nâng cấp hạ tầng kinh tế” để có thể cạnh tranh với Bắc Kinh.
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD vào một loạt các lĩnh vực liên quan đến vận tải, môi trường… và đã đến lúc nước Mỹ cần tăng tốc.
Trong một cuộc gặp khác với nhóm CEO doanh nghiệp bán dẫn tại Nhà Trắng hôm 12/4, ông Biden nhận định “Trung Quốc có những kế hoạch tích cực để định hướng lại và thống trị chuỗi cung ứng chất bán dẫn”.
Do đó, mục tiêu mà Washington đề xuất gói kích thích 2.000 tỷ là nhằm “hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ và bảo đảm chuỗi cung ứng, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển”, “để nước Mỹ không bao giờ phải phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác”.
Theo cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden, một trụ cột khác làm nên “thế thượng phong” của Mỹ là sức mạnh tập thể được huy động từ mạng lưới đồng minh, đối tác.
Giới quan sát nhận định rằng việc thúc đẩy một nền kinh tế lành mạnh hơn sẽ giúp Mỹ xây dựng tốt hơn các liên minh kinh tế cần thiết để đẩy lùi các hành vi cưỡng ép về kinh tế của Trung Quốc.
Qua đó, nó sẽ giúp Washington cạnh tranh hiệu quả hơn với Bắc Kinh, đồng thời cải thiện cả triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như biến đổi khí hậu.
Ông Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Brookings, đánh giá cách tiếp cận của Washington với Bắc Kinh cho thấy Mỹ đã thừa nhận rằng cần xây dựng các “tình huống sức mạnh” với quốc gia cùng chí hướng để đối phó với thách thức từ cường quốc đối thủ.
Dù mới là bước đầu, song cách tiếp cận này đã cho thấy khác biệt giữa ông Biden và người tiền nhiệm.
Trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cách tiếp cận của Washington có thể đưa cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vào giai đoạn mới, được dự báo là ít nhạy cảm hơn và theo hướng có lợi hơn cho xứ cờ hoa.