📞

Kinh nghiệm quốc tế phát triển đặc khu kinh tế

15:56 | 07/06/2018
Quốc hội Việt Nam đang bàn luận về dự thảo Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, đây là cơ sở pháp lý để các ban ngành xây dựng nên các đặc khu kinh tế (ĐKKT) trong tương lai. ĐKKT là mô hình phát triển kinh tế đã được rất nhiều quốc gia thành lập. Thành công cũng lắm và thất bại cũng nhiều. TG&VN xin giới thiệu kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển ĐKKT trong khu vực và trên thế giới.

Đặc khu kinh tế hay khu kinh tế tự do, khu thương mại tự do… về cơ bản đều là thuật ngữ để chỉ các khu vực có được sự ưu đãi đặc biệt hơn phần còn lại của quốc gia. Đây là các mô hình đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Mục đích là nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại, gia công, chế biến, cung ứng dịch vụ vận tải đường biển với chính sách miễn thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa trong một phạm vi địa lý nào đó. Theo Economist, đến năm 2016, cứ 4 quốc gia trên thế giới thì có 3 quốc gia phát triển các ĐKKT. Sự phát triển của các ĐKKT góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 68 triệu việc làm. Toàn cầu hiện có khoảng 4.500 ĐKKT tại 140 quốc gia và được dự báo còn tăng.

Trung Quốc

Nói tới tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc, không thể không kể thành công của Thâm Quyến - ĐKKT được xem là hình mẫu đột phá thể chế, kiến tạo sự thịnh vượng và biểu tượng của nước này thời mở cửa. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Thâm Quyến được mô tả là thành phố “mỗi ngày xây 1 cao ốc, 3 ngày làm 1 đại lộ”. Được công nhận là ĐKKT (8/1980), chưa đầy 20 năm, làng chài đã lột xác thành siêu đô thị hiện đại với loạt tòa nhà chọc trời như trung tâm tài chính Ping An cao thứ 4 thế giới (599m), tòa nhà Kingkey 100 cao thứ 14 thế giới (442m)… Từ chỗ là công xưởng sản xuất, Thâm Quyến đã trở thành “thung lũng Silicon của châu Á”. Năm 2016, GDP của đặc khu đạt 294 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 25.790 USD.

Không phủ nhận vị trí địa lý cách Hongkong một con sông với nhiều cảng biển quan trọng nhất Trung Quốc, nhưng chiến lược phát triển của ĐKKT với hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, cộng với việc được trao quyền lập pháp chính quyền đặc khu mới là đòn bẩy chính đưa Thâm Quyến lột xác ngoạn mục, trở thành thành phố đứng đầu Trung Quốc về hiệu quả, chất lượng phát triển kinh tế và kinh tế tri thức.

Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc).

Thâm Quyến là một trong 5 ĐKKT đầu tiên Trung Quốc lập ra nhằm phát triển hợp tác kinh tế với nước ngoài. 5 ĐKKT này là khu tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, sản xuất và gia công, sau đó dần được điều chỉnh, mở rộng quy mô và định hướng vào một số lĩnh vực trọng tâm như: trung tâm thương mại tự do, tài chính quốc tế, công nghệ cao, dịch vụ logistics hàng không, cảng biển, giáo dục, y tế chất lượng cao (Thâm Quyến, Thượng Hải); phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ (Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn)… Còn các khu mới được xác định rõ từ đầu như khu thương mại Thượng Hải phát triển trung tâm tài chính, thương mại quốc tế, dịch vụ vận tải hàng không… 

Sau thành công của Thâm Quyến và nhân rộng ra nhiều nơi, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách tập trung vào một số khu vực với chính sách mở cửa tự do hơn. Năm 2016, các ĐKKT đã đóng góp 22% GDP cho Trung Quốc, 45% tổng vốn FDI và 60% kim ngạch xuất khẩu.

Hàn Quốc

Những năm qua, các khu kinh tế tự do (KKT) của Hàn Quốc đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài theo đúng mục tiêu phát triển, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia như GE, BMW… Theo số liệu đến hết 2014, các KKT Hàn Quốc thu hút 2.235 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tổng vốn đạt 9,96 tỷ USD. Đáng lưu ý là các KKT này đã trở thành điểm đến được nhà đầu tư toàn cầu xem xét đầu tiên khi tìm cơ hội đầu tư ở châu Á.

Hàn Quốc bắt đầu thành lập các KKT năm 2003 với mục đích trở thành đầu mối của thế giới về kinh doanh, logistics và công nghệ cao, thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Hàn Quốc bắt đầu thành lập các KKT năm 2003 với mục đích trở thành đầu mối của thế giới về kinh doanh, logistics và công nghệ cao, thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Các KKT này khuyến khích đầu tư nước ngoài thông qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư, ngân sách trung ương hỗ trợ một phần vốn đầu tư hạ tầng cơ bản của các KKT tùy thuộc từng dự án và thời kỳ (50% hay 100%), phần còn lại sẽ do ngân sách địa phương thực hiện. Các lĩnh vực đầu tư có công nghệ cao, giáo dục, bệnh viện được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư.

Hiện tại, Hàn Quốc có 8 KKT. Để tận dụng lợi thế của từng KKT và tránh cạnh tranh lẫn nhau, Chính phủ xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển của từng KKT.

Một trong những mô hình thành công nhất của Hàn Quốc là đảo Jeju, thành lập năm 2006, lấy giáo dục, y học, công nghệ cao và du lịch làm hạt nhân cho sự phát triển; trong đó tập trung thu hút xây dựng cơ sở giáo dục quốc tế và các trung tâm y tế được điều hành bởi các tập đoàn nước ngoài. Hiện nay, đảo Jeju đã và đang là điểm thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới, mang lại thu nhập lớn cho địa phương, đồng thời tạo nên thương hiệu du lịch nổi tiếng cho quốc gia…

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)

Nổi tiếng với việc áp dụng chính phủ điện tử hiện đại, làng tri thức, ốc đảo Silicon, UAE được mệnh danh là quốc gia phi thuế quan và có kết cấu hạ tầng tốt nhất Trung Đông. Từ năm 1985, UAE đã thành lập khu tự do (KTD) đầu tiên với vai trò là động lực để đa dạng hóa nền kinh tế. Hiện nay, UAE có tổng số 45 KTD, trong đó 26 khu ở Dubai với các hoạt động chủ yếu là các dịch vụ và thương mại với 100% vốn sở hữu nước ngoài.

Một góc thành phố Dubai

Jebel Ali Free Zone (JAFZA) là KTD đầu tiên, được thành lập năm 1985, là trung tâm kho bãi và phân phối cho khu vực vùng Vịnh. Đây là đô thị quốc tế với 80% dân số là nước ngoài, có công dân của trên 180 nước sinh sống; là thành phố của kiến trúc và xây dựng hiện đại. JAFZA cũng là trụ sở của hơn 7.000 công ty, trong đó hơn 100 công ty thuộc danh sách Fortune 500 toàn cầu.

Nói chung, về thể chế, các KTD của UAE đều do Chính phủ xây dựng và sở hữu. Các KTD được thành lập trên cơ sở thực hiện các luật do các tiểu vương quốc thông qua. Các tập đoàn chính phủ có quyền sở hữu hợp pháp các KTD. UAE cũng có mức ưu đãi cạnh tranh nhất thế giới với các mức thuế 0%; không hạn ngạch xuất nhập khẩu; không kiểm soát ngoại hối; 100% vốn và lợi nhuận được chuyển về nước; được thuê lao động nước ngoài...

Singapore

Mặc dù xuất phát điểm của Singapore chỉ là quốc đảo không có tài nguyên, đất đai hẹp, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhưng những chính sách và cơ chế phát triển phù hợp được Chính phủ Singapore đưa ra trong từng giai đoạn tăng trưởng kinh tế đã thực sự thành công. Từ việc xây dựng các cảng biển, trung tâm logistics, trung tâm thương mại tự do cho đến các trung tâm phân phối hàng hóa khu vực. Chính phủ còn nâng cấp, cập nhật và thay đổi theo xu thế phát triển của thế giới. Thành công của những chủ trương điện tử hóa đất nước, container hóa cảng biển và logistics toàn cầu là tiền đề quan trọng để đưa logistics của Singapore trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ có mức đóng góp 8% GDP/năm; các dịch vụ tài chính đóng góp khoảng 12% GDP của Singapore.

Những chính sách và cơ chế phát triển phù hợp được Chính phủ Singapore đưa ra trong từng giai đoạn tăng trưởng kinh tế đã thực sự thành công.

Chính phủ nước này ngay từ khi lập quốc năm 1959 đã có tầm nhìn rộng, phát triển 9 khu thương mại tự do (KTM) gắn với việc phát triển cảng biển Singapore. Nhằm thúc đẩy lĩnh vực chế tạo và thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã ban hành những chính sách ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư như: tự do chuyển lợi nhuận về nước; có quyền cư trú nhập cảnh. Đặc biệt, chủ đầu tư được đầu tư tất cả lĩnh vực kinh tế, trừ lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng và an toàn xã hội… Kết quả là Singapore ngày nay đã trở thành trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới và là cảng biển lớn thứ 2 thế giới. Singapore có các tuyến vận tải tới hơn 600 cảng tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Hiện nay, để đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, một số nước như Mỹ, Đức... đã bắt đầu triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố công nghiệp-công nghệ cao thông minh. Mô hình này nhằm hỗ trợ chuyển đổi sang hệ thống sản xuất được kết nối qua mạng không dây. Như vậy, có thể thấy các nước đã và đang phát triển các ĐKKT đều có sự điều chỉnh linh hoạt.

Tuy nhiên, bất chấp sự phổ biến, mô hình ĐKKT không phải toàn màu hồng. Không ít ĐKKT ở châu Phi vắng bóng nhà đầu tư. Từ 2000-2014, Ấn Độ đã cấp phép cho 564 ĐKKT, nhưng tính đến tháng 6/2014, chỉ có 192 khu còn hoạt động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại như vị trí không thuận lợi khiến chi phí đầu tư lớn; chính sách cạnh tranh chỉ dựa vào ưu đãi thuế, lao động cứng nhắc; giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều cơ quan tham gia quản lý đặc khu… Những con số trên cho thấy, việc quản lý, giám sát hoạt động và thúc đẩy phát triển của các ĐKKT không phải dễ dàng.

(tổng hợp)