Năm nay, 714 triệu cử tri, tăng 43 triệu so với cuộc tổng tuyển cử năm 2004, sẽ đi bỏ phiếu tại 828.804 điểm bầu cử. Hơn 5.000 ứng cử viên thuộc 7 đảng chính trị quốc gia và một vài đảng phái địa phương sẽ ra tranh cử. Cuộc bầu cử sẽ cần đến 4 triệu quan chức bầu cử cùng hơn 6 triệu nhân viên cảnh sát và dân sự. Quy mô quá lớn khiến bầu cử phải chia thành 5 giai đoạn và sẽ kết thúc vào ngày 13/5. Các nhân viên bầu cử và an ninh sẽ phải di chuyển trên từng bang theo thời gian kết thúc bỏ phiếu tại từng khu vực. Việc kiểm phiếu sẽ được tiến hành ngay sau mỗi giai đoạn và kết quả bầu cử sẽ được công bố vào ngày 16/5. Quốc hội mới sẽ nhóm họp vào ngày 2/6 để bầu ra chính phủ mới thay thế chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Manmohan Singh.
Cuộc bầu cử dưới sự chỉ huy của Ủy ban Bầu cử Ấn Độ đầy quyền lực, là sự kiện đặc biệt không chỉ vì quy mô lớn của nó. Bởi sẽ phải đốn cả một khu rừng lớn mới cung cấp đủ giấy cho 714 triệu phiếu bầu. Mỗi lần bầu cử đều có ít nhất một câu chuyện vượt tuyết hay vượt rừng, di chuyển bằng voi hay bằng lạc đà, để thực hiện ước mong dân chủ của những khu vực xa xôi hẻo lánh. Thậm chí có hòm phiếu còn được lập chỉ dành cho mỗi một người vì sống quá xa khu dân cư.
Những sự việc kỳ lạ chưa kết thúc ở đó. Bởi nhiều cử tri không biết chữ, Ấn Độ đã phát minh ra biểu tượng của các đảng để những người không thể đọc tên của ứng cử viên vẫn có thể bầu chọn bằng việc nhận ra biểu tượng của họ. Các biểu tượng có thể là lòng bàn tay của đảng Quốc đại cầm quyền, hoa sen của đảng Bharatiya Janata hay biến thể hình búa liềm của đảng Cộng sản. Các cử tri độc lập thì có thể lựa chọn biểu tượng riêng cho mình, từ chiếc gậy chơi cricket tới hình ảnh những con vật lớn. (Những con vật nhỏ hơn bị loại khỏi danh sách sau khi một ứng cử viên, trong khi vận động chống lại một ứng cử viên khác có biểu tượng là con vẹt, đã vặn cổ con vẹt để chứng tỏ điều mà ông ta sẽ làm với đối thủ!)
Ấn Độ cũng là quốc gia đầu tiên sử dụng loại thuốc màu khó tẩy để bôi lên móng tay cử tri nhằm xác nhận việc họ đã đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, mỗi khi diễn ra bầu cử, lại có người “phát minh” ra một chất hóa học mới để xóa thuốc màu đó để đi bỏ phiếu hai lần, mặc dù điều này khó tạo khác biệt ở đất nước có các khu vực bỏ phiếu lớn như Ấn Độ, nơi mỗi nghị sĩ đại diện cho hơn 2 triệu người.
Mặc dù vậy, bầu cử ở Ấn Độ vẫn nổi tiếng là trung thực. Trong cuộc bầu cử lần này, cũng như các lần trước, cử tri sẽ bỏ phiếu vào một chiếc máy điện tử do Ấn Độ phát minh. Danh sách cử tri đều in ảnh mỗi người cũng như chứng minh thư của họ. Thường thì bầu cử tại Ấn Độ không xảy ra bạo lực. Máy bỏ phiếu điện tử và các quy định an ninh nghiêm ngặt đã làm giảm khả năng này. Thỉnh thoảng có báo cáo về các nhân viên bầu cử, ứng cử viên hay cử tri bị giết hại, bị bắt cóc hay bị bắn, nhưng không có gì có thể làm gián đoạn cuộc bầu cử. Người Ấn Độ luôn tin rằng bầu cử diễn ra tự do, công bằng và sẽ đem lại sự chuyển giao quyền lực thực sự.
Lâm An