Ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tập trung vào các vấn đề quan trọng như môi trường, y tế công cộng, thể chế dân chủ và an ninh. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Ngày 13/12, Washington D.C, (Mỹ) đã trải thảm đỏ đón 49 nhà lãnh đạo châu Phi và Liên minh châu Phi (AU) đến dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ hai, dự kiến kéo dài ba ngày. Đây sẽ là cuộc hội nghị quốc tế lớn nhất tại thủ đô của xứ cờ hoa kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo dự kiến, các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Mỹ và các nước châu Phi tập trung vào vấn đề dịch Covid-19, thương mại, tác động của xung đột Nga-Ukraine và tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Joe Biden sẽ phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ-châu Phi, tham gia phiên họp chung, tổ chức họp nhóm nhỏ với các nhà lãnh đạo đồng thời chủ trì tiệc tối tại Nhà Trắng.
Bối cảnh mới
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất diễn ra vào năm 2014, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Từ đó đến nay, tình hình đã có nhiều thay đổi lớn.
Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng trăm triệu người châu Phi. Tính đến ngày 18/11, lục địa này có 257.984 ca tử vong vì Covid-19. Cuối tháng 11, châu Phi ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến hơn 40 triệu người rơi vào ngưỡng “nghèo tuyệt đối”. Tác động từ xung đột Nga-Ukraine cùng các lệnh trừng phạt, cấm vận khiến giá nhiên liệu tăng cao, đe dọa an ninh lương thực và làm cho tình trạng trầm trọng hơn.
Trong khi đó, Mỹ tỏ quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc và Nga tại châu Phi. Phát biểu tại phiên thảo luận với một số nhà lãnh đạo nhân dịp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo lục địa này đối mặt với nguy cơ “gây bất ổn”. Theo ông, Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện tại châu Phi thông qua ảnh hưởng kinh tế, còn Nga mở rộng vai trò thông qua vũ khí và lính đánh thuê.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện tại châu Phi bằng ảnh hưởng kinh tế, còn Nga mở rộng vai trò thông qua vũ khí và lính đánh thuê. |
Theo báo cáo của Deloitte, riêng năm 2020, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đứng đằng sau 31% các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi với giá trị hơn 50 triệu USD. Trên truyền thông Liberia, Đại sứ Trung Quốcnước này Ren Yishen cho biết 20 năm qua, Trung Quốc đã giúp xây dựng hơn 13.000 km đường sắt, 100.000 km đường cao tốc, 1.000 cây cầu, 100 bến cảng và hơn 80 nhà máy điện cỡ lớn. Nước này đã hỗ trợ xây dựng 130 trạm y tế, 45 sân vận động, 170 trường học, đào tạo 160.000 người lao động và tạo ra 4,5 triệu việc làm ở châu Phi. Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) bước sang năm thứ chín với sự góp mặt của hầu hết lục địa này. Sự hiện diện của Trung Quốc tại các nước như Djibouti, Liberia hay Kenya rất rõ nét.
Trong khi đó, Nga lại tận dụng mối quan hệ về mặt lịch sử để mở rộng ảnh hưởng. Năm 2020, Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất lục địa này, với 30% vũ khí xuất khẩu tới khu vực Cận Sahara đến từ Nga, vượt qua Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Có thể thấy rõ sự hiện diện của xứ bạch dương ở Cộng hòa Trung Phi, khi Cố vấn an ninh quốc gia nước này, ông Valery Sakharov, là người từng công tác tại Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Lính đánh thuê của tập đoàn tư nhân Wagner (Nga) cũng đã tới Mali sau khi Pháp rút quân.
Thực hiện lời hứa
Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi là cơ hội để ông Joe Biden chứng tỏ sự nghiêm túc của Washington trong mối quan hệ với lục địa này. Đồng thời, đây cũng là dịp để xứ cờ hoa hiện thực hóa cam kết đã nêu về châu Phi trong Chiến lược mới cho khu vực châu Phi cận Sahara, công bố nhân chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 8/2022, cũng như Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ (NSS) ra mắt tháng 10/2022.
Trước thềm Hội nghị, Mỹ đã thông báo sẵn sàng chi ra 55 tỷ USD cho châu Phi trong vòng ba năm, hướng tới cải thiện hệ thống y tế, đối phó với biến đổi khí hậu và mang tính bao trùm với tất cả các nước châu Phi.
Đồng thời, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ AU làm thành viên thường trực của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), qua đó nhìn nhận tầm quan trọng về kinh tế của châu lục trên trường quốc tế. Đặc biệt, ông sẽ tham gia một phiên họp về thúc đẩy an ninh lương thực và khả năng phục hồi hệ thống lương thực, trong bối cảnh châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá lương thực tăng cao do xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington 'dựa cả vào tương lai của châu Phi' trong phát biểu ngày 14/12. |
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Mỹ, còn đó một số rào cản trong hợp tác giữa hai bên.
Đầu tiên, hầu hết các nước châu Phi đều giữ thái độ thận trọng trước tình hình tại Ukraine. Mỹ đã nhiều lần chỉ trích một số quốc gia châu Phi về vấn đề nhân quyền và bầu cử. Các nước này chắc chắn không muốn đứng trước câu chuyện phải lựa chọn giữa khoản đầu tư hào phóng từ Trung Quốc hay những gói viện trợ mới của nước Mỹ. Thảo luận sâu vào các chủ đề này có thể tác động tiêu cực tới hợp tác giữa Washington và các nước châu Phi.
Trước tình hình đó, các quan chức Mỹ cho biết ông Biden không công khai nhấn mạnh vào những khác biệt về vấn đề này. Phát biểu trước thềm Hội nghị, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Phi Molly Phee khẳng định nước này sẽ “tránh lặp lại sai lầm” của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, hiện thực hóa cam kết này ra sao để mang lại lợi ích tối đa cho cả Mỹ lẫn châu Phi là bài toán không hề đơn giản với chính quyền Tổng thống Joe Biden.