📞

Lý do người Mỹ 'cởi trói' cho nội chiến ở Afghanistan

Hương Giang 18:27 | 28/07/2020
TGVN. Khi thông tin cuộc chiến lâu dài ở Afghanistan kết thúc, các lực lượng Mỹ và liên minh rút khỏi quốc gia này, cùng với đó là Thỏa thuận hòa bình giữa người Mỹ và Taliban ký kết hồi tháng 2, các chuyên gia bắt đầu hoài nghi...
Truyền thông thế giới đang đặt nhiều câu hỏi về sứ mệnh của Mỹ tại Afghanistan. (Nguồn: Top War)

Tổng thống Mỹ đã tổ chức một cuộc họp báo ở Nhà Trắng theo phong cách vốn có với các mỹ từ "chúng ta luôn thắng", “các cuộc đàm phán đã rất thành công”... Mọi người đều mệt mỏi với cuộc chiến... nhưng không ai nên chỉ trích thỏa thuận này sau 19 năm (chiến tranh). Chiến thắng đối với Mỹ là người Mỹ và các đồng minh sẽ không còn phải lo sợ mối đe dọa khủng bố từ Afghanistan…

Đàm phán Doha nói gì?

Những gì đang được nói hiện nay không giống với những gì mà Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad và phó lãnh đạo Taliban Abdullah Gani Baradar đã ký tại Doha cách đây 5 tháng. Đáng lưu ý, cả hai người ký văn kiện đều là người Pashtun. Nhà ngoại giao Mỹ đến từ Mazar-e-Sharif và Mullah Abdul Gani Baradar, được biết đến như một cựu binh của cuộc chiến ở Afghanistan, đến từ tỉnh Uruzgan; cả hai đều là người Sunni. Tức là, việc lựa chọn các nhà đàm phán được cân nhắc kỹ.

Theo văn bản trên, Mỹ sẽ giảm số lượng binh sĩ của họ ở Afghanistan từ 12.000 người xuống còn 8.600 trong vòng 135 ngày. Ngoài ra, quân đội của các quốc gia khác cũng sẽ bị giảm theo tỷ lệ tương tự (tổng số lực lượng NATO vào thời điểm đó là 16.000). Đổi lại, Taliban "sẽ không cho phép bất kỳ thành viên, cá nhân hoặc nhóm nào khác, bao gồm al-Qaeda, sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh".

Tiếp đến là một tương lai tươi sáng - quân đội NATO và các đồng minh trong vòng 14 tháng sẽ rời khỏi Afghanistan mà không đụng độ và như vậy, sẽ không bị tổn thất. Chính phủ Afghanistan phóng thích 5.000 tù nhân Taliban như một cử chỉ thiện chí. Đáp lại, Taliban thả 1.000 tù nhân đang bị giam giữ; các tù nhân còn lại sẽ được thả ra khi quân đội NATO rút. Tiếp theo, người Mỹ loại bỏ các biện pháp trừng phạt mà chính họ đang thực hiện và tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn.

Không những vậy, Mỹ khẳng định tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng, thỏa thuận - kết quả của các cuộc đàm phán ở Doha, được Liên hợp quốc phê chuẩn và do đó, có được vị thế quốc tế. Tóm lại, Taliban nhận được thời hạn cụ thể cho việc rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan, cơ hội cải thiện vị thế của họ mà không cần sự can thiệp của quân đội Mỹ.

Một dân thường Afghanistan bị thương trong một cuộc tấn công tại thành phố Lashkar Gah, tỉnh Helmand, ngày 29/6. (Nguồn: AFP)

Và thực tế là...

Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, người ta mới vỡ nhẽ rằng, các nhà ngoại giao Mỹ đã không đạt được thỏa thuận với Taliban nhiều như với Al-Qaeda. Vì Taliban đã thảo luận tất cả các đề xuất của Mỹ với giới lãnh đạo của tổ chức al-Qaeda. Hơn nữa, có thông tin xuất hiện từ Taliban là các phong trào này liên kết với nhau bởi các mối quan hệ lịch sử, có nghĩa là họ sẽ tiếp tục tôn trọng nhau trong tương lai.

Tín hiệu đầu tiên cho thấy người Mỹ đang thực thi một kế hoạch giống hệt kế hoạch mà họ đã thực hiện ở một số quốc gia Hồi giáo là tuyên bố của Kenneth Mackenzie - Tư lệnh CENTCOM (Bộ Tư lệnh Trung tâm Quân đội Mỹ) vào ngày 10/6 tại Washington. Theo lời ông này, cuộc chiến 19 năm được tiến hành ở Afghanistan không phải với Taliban; Mỹ và Taliban là bạn bè, họ không có vấn đề gì với nhau. Quân đội Mỹ tại Afghanistan đã chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda.

Không những vậy, viên tướng này còn tiết lộ tất cả các lá bài bằng câu trả lời của mình cho một câu hỏi đơn giản về mối quan hệ giữa Taliban, IS và Al-Qaeda. Taliban đối với Mỹ chắc chắn là bạn bè và đồng minh! IS là kẻ thù của cả Mỹ và Taliban. Còn al-Qaeda không phải là bạn và cũng không phải là kẻ thù đối với Taliban. Về phần mình, al-Qaeda đã ca ngợi các cuộc đàm phán Doha là một “chiến thắng của sự nghiệp chung".

Mỹ gây sức ép lên chính phủ Afghanistan vì người Mỹ cần các cuộc đàm phán được tiếp tục. Đó là lý do có các cuộc mặc cả về việc chấm dứt cung cấp tài chính cho Kabul trong trường hợp từ chối đàm phán với Taliban. Do đó, người Mỹ "không nhìn thấy" các cuộc đột kích của Taliban tấn công quân đội chính phủ trên cả nước, trong khi các cuộc tấn công như vậy được ghi nhận hàng ngày với số lượng khá lớn, ví dụ trong tháng 5 - 30 cuộc tấn công mỗi ngày.

Rõ ràng, đầu tiên, người Mỹ hiểu rõ rằng chính phủ Afghanistan sẽ không tồn tại nổi một tuần sau khi lực lượng liên minh rời đi. Thứ hai, Taliban đã không và sẽ không từ bỏ ý định giành chính quyền. Thứ ba, IS và al-Qaeda không rời khỏi lãnh thổ Afghanistan, vì tại thời điểm này, họ coi Mỹ là kẻ thù chính. Thứ tư, người Mỹ không nên rời khỏi lãnh thổ Afghanistan, vì đây không chỉ là đơn thuần điểm trung chuyển, không chỉ là một đồn điền ma túy khổng lồ mà quan trọng nhất - là bàn đạp tuyệt vời để kiềm chế các đối thủ chính là Trung Quốc và Nga.

Và kế hoạch rất đơn giản - tạo ra ở Afghanistan một số nhóm đủ mạnh để cạnh tranh với nhau. Chính phủ và Taliban đã không đánh nhau, chỉ còn phải làm sao để IS và al-Qaeda tham gia vào cuộc thập tự chinh thanh trừng nhau. Các nhóm gia tộc hiện nay là những nhóm vũ trang thực sự mạnh. Nói tóm lại, theo nguyên tắc nổi tiếng từ lâu là "chia rẽ để chinh phục" - “cởi trói” một cuộc nội chiến để làm suy yếu kẻ thù là nhiệm vụ đã được đặt ra cho các nhà ngoại giao, tình báo và doanh nghiệp Mỹ.

(theo Top War)