Những người dân Malaysia xuống đường phản đối TPP ngày 23/1. (Nguồn: Bangkok Post) |
Quốc hội Malaysia đã bắt đầu phiên thảo luận và bỏ phiếu về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gây tranh cãi.
"30 năm trước đây, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan có tốc độ phát triển như nhau. Giờ đây, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đã trở thành những chủ thể kinh tế phát triển, trong khi Malaysia vẫn bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình”, ông Mustapa Mohamed phát biểu mở đầu cho việc tranh luận về TPP tại Hạ viện.
Bộ trưởng Mustapa Mohamed khẳng định, Malaysia không muốn bị các nước láng giềng vượt lên về kinh tế. Ông lấy ví dụ về Việt Nam khi Việt Nam đang thực thi chính sách mở cửa và ngày càng tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Tôi lo rằng Malaysia sẽ hối tiếc nếu chúng ta không thông qua TPP. Các nhà đầu tư sẽ nhắm vào các nước như Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn”, Bộ trưởng Mustapa Mohamed nói.
Việt Nam và Malaysia đều tham gia đàm phán TPP cùng với 10 nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Mỹ. Tổng sản lượng kinh tế của 12 nước này chiếm khoảng một phần ba sản lượng kinh tế toàn cầu.
TPP sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế dài hạn của Malaysia, vì vậy ông Mustapa Mohamed tự tin rằng nếu thông qua được TPP, Malaysia có thể cạnh tranh được với Singapore.
“50 năm trước, Singapore và Malaysia có cùng xuất phát điểm là nước nghèo nhưng hiện nay nền kinh tế Singapore gấp 5 lần nền kinh tế của Malaysia. Thành công đó là nhờ chính sách mở cửa thương mại của Singapore”, Bộ trưởng Mustapa Mohamed nhận định.
Cũng như một số thành viên tham gia đàm phán TPP khác, Malaysia đang có nhiều tranh cãi về hiệp định này. Cuối tuần trước, hàng ngàn người, được hậu thuẫn bởi các đảng đối lập và nhóm xã hội dân sự, đã xuống đường phố ở trung tâm Kuala Lumpur để kêu gọi không thông qua TPP. Lập luận của những người này là việc Malaysia thông qua TPP sẽ làm giá thuốc tăng, chủ quyền của đất nước bị xói mòn và tạo ra một số dịch chuyển về kinh tế.