Từ khi trở thành ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump thường phê phán khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời” cũng như luôn nhấn mạnh rằng, các đồng minh cần “thực hiện đầy đủ bổn phận” với Mỹ.
Trên thực tế, ông Trump không phải người đầu tiên phàn nàn về vấn đề các mối quan hệ đồng minh của Mỹ. Đơn cử, quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia hay giữa Mỹ và Pakistan cũng không được nhiều người hưởng ứng. Cũng tương tự, trong những năm 1980, có rất nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản là kẻ thù chứ không phải là đồng minh của Mỹ.
Mối quan hệ Mỹ và các đồng minh sẽ đi về đâu? (Nguồn: Shared Justice) |
Dựa vào cái nhìn tổng quát về những mối quan hệ đồng minh với Mỹ, bài viết cho thấy cách mà Mỹ có thể thực hiện để tăng cường an ninh hữu hình và khẳng định những giá trị sâu xa.
Sàng lọc đồng minh
Từ lâu, những liên minh quân sự như NATO, Khối an ninh quân sự Australia – New Zealand – Mỹ (ANZUS) và liên minh an ninh Mỹ – Nhật đã giúp bảo vệ cho các quốc gia, xã hội lấy tự do, dân chủ làm chủ đạo. Từ lịch sử hình thành và hoạt động của những liên minh này, một điều dễ nhận thấy mục tiêu hiện nay của họ vẫn chủ yếu nhằm vào các đối thủ lớn của Mỹ (như Nga và Trung Quốc). Đây chính là điều khiến nhiều người cho rằng, trong những liên minh này, các quốc gia thành viên dường như bị sức mạnh của Mỹ chi phối.
Đối mặt với thực tế đó, nước Mỹ nên thiết lập một cộng đồng an ninh đơn nhất hay một hệ thống phòng thủ tập thể bao gồm những đồng minh của mình. Sự điều chỉnh này có thể giúp Washington xác định được ưu tiên của mình đối với quốc gia nào; quốc gia nào là không cần thiết. Với một cộng đồng như vậy, Mỹ có thể định nghĩa lại mối quan tâm an ninh của mình thông qua việc cân đo những lợi ích cốt lõi.
Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn còn những khó khăn trước mắt cần phải giải quyết đó là cần xem xét lại các đồng minh của mình trước khi kết nạp họ vào sáng kiến cộng đồng an ninh mới của mình. Ngoài NATO, Mỹ còn có những đồng minh thân cận khác như Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Israel và một số quốc đảo Caribbean… Trong các quốc gia này, một số cần phải được mời gọi vào liên minh an ninh ngay lập tức. Tuy nhiên cũng có một vài quốc gia đang gây quá nhiều tranh cãi và cần được bảo vệ theo hình thức, thỏa thuận khác. Tóm lại, quá trình sàng lọc là một phần không thể tách rời của cộng đồng này.
Sáng kiến về cộng đồng an ninh do Mỹ đứng đầu không còn là xa vời. (Nguồn: The Foreign Policy Initiative) |
Ngoại giao để "lôi kéo"
Bên cạnh đó, biện pháp ngoại giao cũng cần phải sớm được thiết lập để thúc đẩy quá trình hình thành cộng đồng. Các kênh ngoại giao sẽ cho phép Mỹ giải quyết những vấn đề thường đi ngược lại với giá trị của Mỹ. Ví dụ trong mối quan hệ với Trung Quốc, chiến lược ngoại giao có thể làm cân bằng lợi ích kinh tế hai nước cũng như thúc đẩy cam kết của Trung Quốc. Thay vì “vừa là bạn, vừa là thù”, Mỹ có thể gọi Trung Quốc bằng những cái tên khác và từ đó tiến tới thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn.
Phản ứng mau lẹ, chủ động trong những mối quan hệ chính là chìa khóa thành công của ngành ngoại giao. Trừng phạt kinh tế không phải là biện pháp duy nhất nhằm đối trọng với đối thủ mà cần phải dùng đến “củ cà rốt” để nâng tầm những mối quan hệ như vậy.
Những cái bắt tay ngoại giao đầy toan tính. (Nguồn: Getty) |
Tự do hóa thương mại
Cộng đồng an ninh này có thể sẽ giới hạn phạm vi hoạt động xoay quanh vấn đề an ninh, với nhiệm vụ bảo vệ các quốc gia thành viên là nền tảng hữu hình. Điều đó đồng nghĩa với việc những lợi ích kinh tế không phục vụ mục tiêu này có thể nằm ngoài mối quan tâm của cộng đồng an ninh do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, với tư tưởng phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy tự do, Mỹ vẫn nên phát động chiến dịch thúc đẩy tự do hóa thương mại tại vòng đàm phán mới của Tổ chức Thương mại tự do (WTO) và tránh sa lầy vào các sáng kiến thương mại khu vực.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng Hiệp định Đối tác đầu tư và Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sẽ cần nhanh chóng hoàn tất bởi đây có thể xem như biểu hiện "uy tín của Mỹ" trên khu vực và thế giới. Trong tiến trình tự do hóa các nền kinh tế - thương mại, những thỏa thuận này lại được xem như một biện pháp hỗ trợ về địa chính trị. Điều đó thể hiện ở việc Mỹ không muốn có sự hiện diện của Trung Quốc trong TPP và cũng có ngụ ý ngăn chặn Nga tham gia vào TTIP.
Chắc chắn rằng tự do hóa thương mại cần được thúc đẩy một cách khách quan như một chất xúc tác cho sự tự do, dân chủ và để lan tỏa những giá trị Mỹ.
Giá trị mà Mỹ luôn bảo vệ đang bị lu mờ (Nguồn: Politicus USA) |
Xét trên phương diện an ninh thuần túy, những quốc gia muốn tham gia cộng đồng an ninh mới của Mỹ cần có những tiềm năng vượt trội. Chắc rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ và châu Âu sẽ ngăn chặn hoàn toàn các cuộc tấn công trên đất liền trong nhiều thập kỷ tới. Hầu hết các mối đe dọa chính trong tương lai gần sẽ xoay quanh chiến tranh du kích, tranh chấp trên biển, tấn công khủng bố và không gian mạng. Vì vậy những quốc gia thành viên của cộng đồng an ninh do Mỹ dẫn dắt ít nhất cần có tiềm lực kỹ thuật và tổ chức bài bản nhằm đóng góp vào hệ thống quốc phòng chung toàn khối.
Và khi chiến dịch tranh cử tổng thống xoay sang vấn đề như NATO, những tuyên bố như “ủng hộ đồng minh” hay “chống lại NATO” có thể làm lu mờ những giá trị mà hệ tư tưởng Mỹ luôn theo đuổi và bảo vệ. Điều này khiến cử tri và giới lãnh đạo Mỹ cần phải đặt nhiều mối quan tâm hơn vào vấn đề này cũng như những giá trị an ninh quan trọng mà nước Mỹ cần bảo vệ và nhân rộng trong tương lai.