Một máy bay của hãng hàng không Cuba. (Nguồn: Latin American Herald Tribune) |
Cùng ngày, theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề kinh tế và doanh nghiệp Charles Rivkin sẽ thăm Cuba trong hai ngày 28-29/9 tới, để thảo luận về việc nối lại các dịch vụ hàng không giữa hai nước.
Mặc dù hai nước đã nhiều lần đề cập về vấn đề này trong thời gian gần đây, nhưng cuộc thảo luận sắp tới sẽ là những “cuộc đàm phán về mặt kỹ thuật đầu tiên, tập trung cụ thể vào lĩnh vực hàng không dân dụng”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Đoàn đại biểu Mỹ, bao gồm đại diện của nhiều cơ quan ban ngành khác nhau, “sẽ gặp các đối tác Cuba để tìm cách thiết lập các dịch vụ hàng không thường xuyên giữa hai nước và thảo luận vấn đề an ninh và an toàn hàng không”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Đây là một bước đi mà các hãng hàng không lớn của Mỹ đang chờ đợi. Cho tới nay, mặc dù hai nước đã tái lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng luật pháp Mỹ vẫn cấm công dân Mỹ du lịch sang Cuba, trong khi nhu cầu giao lưu giữa hai nước đang ngày càng tăng, nhất là từ sau tuyên bố bình thường hóa hồi tháng 12/2014.
Hiện các hãng hàng không Mỹ đã thực hiện các chuyến bay sang Cuba, nhưng hành khách vẫn bị giới hạn do đạo luật cấm vận của Mỹ. Theo đó, nếu được thiết lập, các tuyến bay thương mại sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi 12 danh mục mà các công dân Mỹ phải tuân thủ khi xin du lịch vào Cuba.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ tháng 1/2015 tới nay, số lượng người Mỹ vào Cuba đã tăng 35%. Các hãng hàng không lớn của Mỹ như American Airlines và JetBlue hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ sớm bãi bỏ các lệnh cấm, cho phép mở các tuyến đường bay giữa hai nước.
Cuộc đàm phán về dịch vụ hàng không dân dụng được tổ chức khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang tiếp tục có những bước đi nhằm bình thường hóa quan hệ với Cuba. Nổi bật là tiết lộ ngày 21/9 của các quan chức Nhà Trắng nói rằng, họ đang cân nhắc việc bỏ phiếu trắng, theo đó cho phép Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết hàng năm lên án lệnh phong tỏa kinh tế chống Cuba hơn nửa thế kỷ qua, trong phiên họp vào đầu tháng Mười tới.
Nếu bỏ phiếu trắng, đây sẽ là lần đầu tiên chính quyền Washington không phản đối một nghị quyết của Liên hợp quốc trực tiếp chỉ trích và yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận do chính nước Mỹ áp đặt chống Cuba cách đây 54 năm, đẩy Quốc hội nước này vào một cuộc đối đầu với chính quyền của Tổng thống Obama và các nước khác trên thế giới.
Trước đó, ngày 18/9, Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cuộc điện đàm lần thứ ba kể từ tháng Mười Hai năm ngoái. Trong đó, ông Obama thông báo tiếp tục nới lỏng các hạn chế về du lịch và kinh doanh đối với Cuba, các công dân Mỹ được phép sang Cuba như các nhà xuất khẩu nông phẩm, vật liệu xây dựng, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, các nhóm tôn giáo và giáo dục được phép mở tài khoản ngân hàng để thành lập văn phòng đại diện hay công ty liên doanh với doanh nghiệp Cuba. Công dân Mỹ được phép giao dịch thương mại với những người Cuba sinh sống ở nước ngoài.
Washington cũng bãi bỏ hạn mức tiền mặt mà du khách Mỹ được phép mang sang Cuba cũng như lượng kiều hối gửi về nước này. Ngoài ra, du khách Cuba khi tới Mỹ cũng được phép mở tài khoản ngân hàng.
N.K (tổng hợp)