📞

Mỹ - Nga: Lòng vả cũng như lòng sung

Dịch Dung 17:46 | 09/06/2019
TGVN. Vụ suýt đụng độ nhau giữa tầu chiến của Hải quân Mỹ và Nga ở khu vực biển Hoa Đông ngày 7/6 vừa qua chỉ là tình cờ hay chủ ý? Thấy gì về câu chuyện quan hệ Trung-Nga và Mỹ qua “sự cố” này? Phân tích của báo TG&VN.
Tuần dương hạm Chancellorsville của Mỹ (ảnh) được cho là suýt đụng độ với khu trục hạm Đô đốc Vinogradow của Nga trên vùng biển Philippines ngày 7/6 vừa qua. (Nguồn: Medium)

Mỹ và Nga đổ vấy trách nhiệm cho nhau về việc tuần dương hạm Chancellorsville của Mỹ và khu trục hạm Đô đốc Vinogradow của Nga suýt va chạm nhau trên Biển Philippines ngày 7/6 vừa qua. Địa điểm xảy ra vụ việc ở cách đảo Okinawa của Nhật Bản khoảng 160 hải lý về phía Nam. Trên đảo này, Mỹ có căn cứ quân sự lớn nhất trong số các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản. Nơi xảy ra vụ việc nói trên cách thành phố Vladivostock khoảng 1200 hải lý, nơi đặt bộ chỉ huy của hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Chuyện gì đã xảy ra?

Những hình ảnh về diễn biến vụ việc được phía Mỹ công bố cho thấy hai con tầu chiến này chỉ còn cách va chạm nhau có từ 16 đến 30 mét, nhưng không cho thấy rõ là bên nào đi thẳng và bị bên kia cắt ngang mũi tàu đến mức phải bẻ lái để chuyển hướng. Nhiều người nhìn vào dạng sóng nước bên thân tầu đi đến kết luận rằng tàu chiến Mỹ đã cắt mũi tầu Nga và tầu Nga đã phải bẻ lái để chuyển hướng. Phía Nga cũng quả quyết như vậy trong khi phía Mỹ tuyên bố ngược lại.

Sự thật như thế nào thật khó phân định đối với bên ngoài bởi chỉ có Mỹ và Nga biết chính xác nhất. Vì thế, điều quan trọng nhất ở đây là hai bên suýt đụng độ nhau ở vùng biển quốc tế mà theo bộ chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ thì lại còn không phải lần thứ nhất mà là lần thứ hai trong thời gian có không đầy một tuần.

Ở vùng xung quanh nước Nga, những chuyện "suýt đụng độ" trên biển và trên không giữa quân đội Nga và quân đội Mỹ cũng như một số thành viên NATO khác ở châu Âu vốn không phải hiếm khi xảy ra, nhưng giữa Mỹ và Nga ở vùng biển quốc tế xa xôi này thì lại gần như chưa từng thấy có.

Vụ việc lại xảy ra đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm khách của tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow và St. Petersburg, khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng và phức tạp, đồng thời giữa Mỹ và Nga cũng chẳng được cơm ngon canh ngọt. Nga gần như không hiện diện quân sự ở vùng Biển Philipinnes, nhưng cũng đã cùng Trung Quốc một vài lần tập trận hải quân chung ở vùng biển cách cả hai nước này rất xa.

Tình cờ hay chủ ý?

Câu hỏi về vụ suýt đụng độ với nhau kia giữa tầu chiến của Mỹ và Nga chỉ là tình cờ hay chủ ý có thể dễ dàng có được câu trả lời.

Không thể ngẫu nhiên khi giữa ban ngày ban mặt tầu chiến hiện đại trang bị đầy vũ khí tối tân của hai bên tiến lại gần nhau đến như vậy, đi cắt mũi tầu của nhau đến mức một trong hai bên phải bẻ lái chuyển hướng. Không thể ngẫu nhiên khi đấy là tầu chiến của Mỹ và Nga ở nơi cách xa Nga nhưng lại gần Nhật Bản. Cũng không thể ngẫu nhiên khi vụ việc xảy ra trùng vào thời điểm ông Putin và ông Tập Cận Bình đề cao mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc lên tận chín tầng mây xanh trong khi quan hệ của Nga và Trung Quốc với Mỹ đều trắc trở.

Không thể có chuyện ngẫu nhiên ở đây mà chỉ có thể là chủ ý của hai bên, chủ ý cùng hiện diện quân sự ở khu vực bằng hải quân, chủ ý chơi trò phép thử với nhau, chủ ý phát đi thông điệp ngầm về phía đồng minh của từng bên và chủ ý không để xảy ra va chạm thật sự.

Nguyên do ở chỗ Mỹ và Nga trong chuyện này "lòng vả cũng như lòng sung". Thể hiện ở ba phương diện sau.

Lòng vả cũng như lòng sung

Thứ nhất, cả hai đều chủ ý khoe trương và thể hiện trên thực tế khả năng có thể hiện diện và hoạt động quân sự ở mọi nơi, mọi chỗ vào mọi lúc, mọi thời điểm trên thế giới, không chỉ ở những nơi mà lợi ích chiến lược của hai bên cọ sát nhau và quan điểm chính sách của hai bên bất đồng với nhau mà còn ở cả những nơi mà sự hiện diện và hoạt động quân sự của họ còn có lợi cho đồng minh hay đối tác chiến lược của họ, như trong vụ việc này ở nơi cách xa Mỹ và Nga, Mỹ đối với Nhật Bản và Nga đối với Trung Quốc.

Thứ hai, giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn dai dẳng chuyện Nhật Bản bị Trung Quốc tranh chấp chủ nguyền lãnh thổ. Mỹ hiện diện và hoạt động quân sự ở vùng biển gần Nhật Bản để thể hiện sự hậu thuẫn Nhật Bản còn Nga cũng hành động tương tự để thể hiện sự ủng hộ của Nga dành cho Trung Quốc. Suy rộng ra, đấy còn là cách Nga biểu lộ là Nga đứng về phía Trung Quốc trong những chuyện khúc mắc hiện tại giữa Mỹ với Trung Quốc, về kinh tế và thương mại cũng như về chính trị an ninh khu vực, châu lục và thế giới.

Thứ ba, Nga và Mỹ chỉ định làm cho bên này hiểu rõ không chỉ về quan điểm và lợi ích của bên kia để tôn trọng và không gây tổn hại mà còn về cả những chỉ giới đỏ trong hành xử trên thực tế và thực địa để tránh cả khẩu chiến với nhau trên dư luận lẫn đụng độ nhau trên thực địa.

Cho nên trong chuyện này, bên nào đúng bên nào sai, ai chủ động gây chuyện và ai bị động đối phó đều khó có thể phân định được rạch ròi, nhưng thật ra cũng không cần khi kẻ này tám lạng thì người kia cũng nửa cân.

Những cách thể hiện hay phép thử như thế rồi sẽ còn tiếp tục xảy ra giữa Mỹ và Nga, không ở nơi này thì sẽ ở chỗ khác, không với hình thức này thì sẽ dưới dạng khác.