📞

NATO 70 năm: Thay đổi để tồn tại

Duy Quang 15:11 | 12/04/2019
Liên minh quân sự được lập ra từ thời Chiến tranh Lạnh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ bên trong lẫn bên ngoài, nhưng khối vẫn đang cố gắng từng ngày để duy trì hoạt động và sự can dự với thế giới.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kỷ niệm “sinh nhật” 70 năm khá trọng thể tại thủ đô Washington, Mỹ vào ngày 4/4 vừa qua. Buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập có sự góp mặt đầy đủ của Ngoại trưởng 29 nước thành viên, diễn ra trong chính căn phòng mà các Bộ trưởng Ngoại giao của 12 nước đồng minh gặp nhau để ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vào ngày 4/4/1949.

Tuy vậy, khía cạnh sâu sắc nhất trong lễ kỷ niệm này là sự căng thẳng biểu lộ rõ trên những gương mặt quen thuộc của Ngoại trưởng các nước phương Tây. Họ gặp nhau không đơn thuần là để tổ chức một buổi lễ vui vẻ trong không khí thoải mái, mà còn bàn về thách thức của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này trong thời kỳ mới.

Binh lính Đức trong một nhiệm vụ của NATO. (Nguồn: DPA)

Trên thực tế, từ những thách thức bên ngoài, tới những lời chỉ trích bên trong gây lục đục nội bộ, dường như ai cũng nhìn ra vai trò và năng lực của NATO thời gian gần đây luôn là một dấu chấm hỏi lớn. Phải chăng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, NATO đã quá già và lỗi thời, không theo kịp một thế giới đang biến động không ngừng?

Nhìn lại 70 năm lịch sử

Cách đây 70 năm, ngày 4/4/1949, 12 nước, trong đó có 10 nước châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Italy, Iceland, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Bồ Đào Nha) cùng Canada và Mỹ đã ký tại Washington Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đây được xem là ngày thành lập NATO, liên minh quân sự chính do Mỹ dẫn đầu.

Mục đích thành lập của NATO là để ngăn chặn ảnh hưởng của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở châu Âu. Việc thành lập NATO dẫn đến việc các nước xã hội chủ nghĩa ở Động Âu thành lập khối Warsaw để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang giữa hai khối quân sự đối địch này là tâm điểm của Chiến tranh Lạnh trong nửa sau thế kỷ XX.

Các thành viên tham gia Hiệp ước cam kết rằng bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào chống lại một trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên còn lại trong khối. Do đó, họ thỏa thuận với nhau rằng, nếu một cuộc tấn công xảy ra, tất cả thành viên còn lại sẽ có trách nhiệm giúp đỡ thành viên bị tấn công, bao gồm cả việc sử dụng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương. Nguyên tắc này được quy định trong Điều khoản số 5 của Hiệp ước Washington 1949.

Khi mà đối trọng Liên Xô sụp đổ, NATO bắt đầu thi hành chính sách Đông tiến, kết nạp các thành viên cũ trong khối Xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết, bắt đầu từ Ba Lan, Hungary và Czech. Tổ chức này sau đó tăng lên 26 nước năm 2004, 28 vào năm 2009 và con số hiện nay đã là 29. Bắc Macedonia đang trên đường trở thành thành viên thứ 30. Về cơ bản, NATO mở rộng về phía Đông đã tái khẳng định địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, không gian an ninh của Nga dần bị thu hẹp, bố cục an ninh địa chính trị của châu Âu thay đổi đáng kể.

Chính sách Đông tiến đã xâm phạm đến "sân sau" của Nga và đe dọa đến lợi ích chiến lược cốt lõi của nước này, một điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh và lặp lại nhiều lần. Nga lên án là hành động vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu (CFE) khi Hiệp ước này nghiêm cấm các thành viên cũ trong khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết gia nhập NATO.

NATO và D. Trump

Tổng thống Trump còn nhiều lần cáo buộc các đồng minh NATO, đặc biệt là Đức vì đã dựa quá nhiều vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Đích thân ông đã gọi NATO là một tổ chức đã lỗi thời và không ít lần tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi liên minh quân sự này. Thậm chí, cho đến buổi “sinh nhật 70 năm”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vẫn lên tiếng chỉ trích hai quốc gia thành viên. Trong khi Đức bị chỉ trích vì mức đóng góp chưa thỏa đáng thì Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích vì mua hệ thống phòng không của Nga bất chấp cảnh báo của Washington.

Có thể nói, trong 7 thập kỷ qua, NATO đã trải qua 3 thời kỳ chính với nhiều khẩu hiệu hành động khác nhau. Những năm đầu sau Chiến tranh Lạnh, khẩu hiệu đầu tiên là “NATO toàn cầu”. Thời kỳ tiếp theo với NATO là thể hiện sức mạnh để ổn định toàn cầu, với các chiến dịch quân sự tại Kosovo, Afghanistan, Lybia… để thử nghiệm các học thuyết can dự mới. Thời kỳ thứ 3, mở ra năm 2014, là lúc NATO đột nhiên tìm lại được động lực tồn tại của mình qua cuộc khủng hoảng Ukraine và căng thẳng gia tăng với Nga.

Thế nhưng, giai đoạn đột phá này cũng nhanh chóng khép lại do trong 2 năm qua, khối quân sự này là một tập hợp của những tranh cãi gay gắt liên quan đến chia sẻ gánh nặng tài chính, đe doạ và căng thẳng. Sự đi xuống và bất đồng trong NATO phần lớn là do sự xuất hiện của một chính trị gia phi truyền thống – Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong lần đầu ra mắt của mình, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 5/2017, ông Trump đã để lại một ấn tượng khó quên với nhà lãnh đạo Canada và các nước châu Âu. Ông đã công khai chỉ trích các quốc gia NATO vì đã chi tiêu cho quốc phòng dưới mức 2% sản lượng quốc gia như đã cam kết, Tổng thống Trump còn cho rằng một số nước thành viên còn nợ Mỹ và NATO một khoản tiền lớn mặc dù việc đóng góp là tự nguyện. Tuy có khắt khe, nhưng ông cũng đang làm giống những gì mà người tiền nhiệm của mình - Tổng thống Barack Obama từng thể hiện khi còn đương chức.

Ông Trump được coi là một người thực dụng, nhất là với chính sách “nước Mỹ trên hết” của mình. Nước Mỹ của ông đang nhìn châu Âu dưới 2 cấp độ: trước hết là khách hàng, tiếp đến mới là đồng minh. Mỹ sẽ cung cấp “dịch vụ” quân sự để bảo vệ châu Âu đổi lại là những lợi ích về kinh tế. Thái độ của ông Trump được chú ý đặc biệt bởi vì bản chất của NATO là cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu và bảo vệ các đồng minh châu Âu. Nếu châu Âu mất niềm tin vào cam kết này, liên minh được xem như sẽ tan rã.

Tương lai sẽ ra sao?

Đó là một câu hỏi mà hiện tại vẫn có nhiều phương án trả lời: Tiếp tục tồn tại như hiện tại, duy trì các hoạt động răn đe hạn chế và phải luôn làm mới mình; hoặc sẽ có một NATO lớn mạnh, mở rộng và kết nạp thêm nhiều thành viên nữa, tích cực tham gia vào các hoạt động quân sự trên thế giới; và khả năng thấp nhất là NATO giải tán..?

Sau khi Mỹ phải chịu đựng vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, các nước đồng minh NATO, tuy không phải là mục tiêu, đã ngay lập tức dẫn Điều 5 và sử dụng quân đội và tài nguyên, sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống lại al Qaeda và Taliban. Đây cũng là lần duy nhất NATO sử dụng Điều 5.

Nói thế nào chăng nữa, NATO sinh ra để phục vụ cho những mục đích và lợi ích cho các nước phương Tây và Mỹ là chính. Dù khối quân sự này luôn tự nhận mình là người bảo vệ cho nền hòa bình và an ninh khu vực và thế giới, nhưng cứ nhìn hệ quả của các cuộc can thiệp quân sự vào Lybia hay Iraq và thực hiện học thuyết của NATO tại các khu vực này... sẽ cho người ta một cái nhìn khác về hiệu quả mà họ đem lại.

NATO chắc chắn sẽ phải xây dựng và định hình lại chính mình để có thể duy trì sự liên quan với cục diện thế giới ngày nay. Có khá nhiều thứ sẽ phải làm nếu khối liên minh này thực sự muốn nhìn thấy sinh nhật thứ 80, thậm chí là 100. Đầu tiên và quan trọng nhất, NATO cần phải tìm lại được sự đồng thuận giữa các thành viên của mình. Đây được coi là điểm yếu lớn nhất của khối liên minh quân sự này.

Ngoài ra, các thành viên cũng cần phải có một cam kết nào đó nếu muốn tiếp tục duy trì “sự sống” cho NATO, đó có thể là chấp nhận tăng ngân sách quốc phòng như những gì Mỹ đã làm, giảm bớt gánh nặng quốc phòng của Mỹ tại châu Âu hoặc bất cứ cách nào để Mỹ còn hứng thú bảo vệ châu lục này.

Thực tế cho thấy nếu NATO mà không có Mỹ, thì riêng các nước châu Âu hiện tại với tiềm lực hạn chế, khó khả năng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo và răn đe an ninh tại khu vực. Như vậy, một NATO có Mỹ vẫn và sẽ tiếp tục tồn tại và khó có thể giải tán, cho dù châu Âu (dẫn đầu bởi Đức và Pháp) vẫn đang nuôi mong muốn xây dựng một quân đội riêng để “tự chủ chiến lược” về quốc phòng và an ninh.