Thúc đẩy quan hệ với Mỹ là một trong những yếu tố làm Nga cứng rắn hơn với Iran về vấn đề hạt nhân |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gần đây đã cảnh báo rằng Iran sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu Tehran vẫn giữ lập trường cứng rắn về vấn đề hạt nhân. Đồng thời, Nga cũng khẳng định nước này không ủng hộ văn kiện của Hội nghị giải trừ hạt nhân quốc tế được tổ chức gần đây tại Tehran. Đây được coi là thông điệp mạnh mẽ nhất của Nga từ trước đến nay đối với vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Vậy tại sao quan hệ Nga-Iran lại đổi chiều đột ngột như vậy và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Vì sao “cứng” với Iran
Theo các nhà phân tích, có 3 lý do có thể lý giải tại sao lập trường của Nga đối với vấn đề hạt nhân của Iran ngày càng trở nên cứng rắn: Thứ nhất, Nga muốn duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên cầm quyền năm 2009, Nga và Mỹ đã nỗ lực cải thiện quan hệ song phương dựa trên các lợi ích chiến lược của mỗi bên. Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang ấm dần lên, Nga không muốn vấn đề hạt nhân của Iran làm tổn hại đến việc hợp tác với Mỹ, do đó Mátxcơva đã bày tỏ quan điểm cứng rắn với Iran.
Thứ hai, bản thân Nga thấy cần thiết phải giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Việc Iran từ chối đề xuất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về buôn bán nhiên liệu hạt nhân và tiến hành làm giàu uranium ở mức xấp xỉ 20%, khiến cho quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, Nga không muốn đứng hẳn về phe Mỹ và các nước phương Tây để áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Iran. Vì vậy, bằng cách tạo áp lực nhiều hơn và buộc Iran nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân, Nga có thể tránh được thế lưỡng nan: phải chọn lựa hoặc là đối đầu với Mỹ và các nước phương Tây, hoặc phá vỡ mối quan hệ với Iran.
Bên cạnh đó, quan hệ Nga-Iran cũng tồn tại những vấn đề cố hữu. Iran không hài lòng với lập trường dao động của Nga trong giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này; hơn nữa hai nước cũng có bất đồng về một số vấn đề như: Nga không giúp hoàn tất xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho Iran và trì hoãn cung cấp tên lửa phòng không S-300.
Iran sẽ thỏa hiệp?
Iran luôn coi Nga là một tấm lá chắn quan trọng bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Do đó, tuyên bố mới của Nga chắc chắn sẽ gây thêm nhiều áp lực đối với Iran. Tuy nhiên, Iran coi việc phát triển công nghệ hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình là một chiến lược quan trọng, là niềm tự hào quốc gia và góp phần tạo dựng vị thế của nước này trong khu vực. Vì thế Iran sẽ không dễ dàng khuất phục trước áp lực từ phía Nga. Hơn nữa, ngay cả khi phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng từ phía Mỹ, Iran cũng không thay đổi quan điểm của mình về vấn đề hạt nhân. Do đó, Mátxcơva sẽ khó có thể buộc Tehran thay đổi hoàn toàn tiến trình hạt nhân.
Quan hệ Nga - Iran về đâu?
Liệu những bất đồng giữa Nga và Iran về vấn đề hạt nhân có gây ra căng thẳng và phá vỡ mối quan hệ truyền thống giữa hai nước? Các nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, Nga không thay đổi quan điểm cơ bản về vấn đề hạt nhân Iran và vẫn tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận "bất đồng và hợp tác".
Nga thừa nhận quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran, nhưng khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này phải được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng quốc tế. Nói cách khác, chương trình hạt nhân của Iran chỉ được sử dụng để sản xuất năng lượng hạt nhân dân sự chứ không được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo các nhà phân tích, vì lợi ích của riêng mình và nhu cầu hợp tác với Mỹ để giải quyết các vấn đề toàn cầu, có thể Nga sẽ duy trì lập trường cứng rắn đối với Iran trừ khi Tehran điều chỉnh quan điểm về vấn đề hạt nhân và bày tỏ thiện chí hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lập trường cứng rắn của Nga sẽ không thể phá vỡ hoàn toàn quan hệ song phương Nga - Iran bởi điều này sẽ không có lợi cho Mátxcơva, đồng thời khẳng định tuyên bố cứng rắn đối với Iran "nói dễ hơn làm". Nếu quan hệ với Iran - một cường quốc chủ chốt trong khu vực - kém mặn nồng, vị thế của Nga tại Trung Đông sẽ bị suy giảm. Hơn nữa, nếu từ bỏ một đồng minh truyền thống như Iran thì Nga sẽ mang tiếng là "thiếu tín nhiệm" và hình ảnh của Nga với vị thế là một cường quốc thế giới sẽ bị ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó, bất kỳ diễn biến xấu nào trong quan hệ song phương cũng sẽ gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của Nga. Do đó, Mátxcơva sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược nước đôi nhằm không phá vỡ quan hệ với Tehran, đồng thời không làm phật lòng Mỹ.
Công Vĩnh