Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Weekly Standard (Mỹ), vị quan chức phụ trách về các vấn đề Nga, Ukraine và vùng Á-Âu xác nhận các dữ liệu trong báo cáo hồi tháng Hai của Tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận (RAND) là đúng khi chứng minh rằng, quân đội Nga có thể chiếm thủ đô của các nước Baltic trong thời gian chưa đầy 3 ngày.
Lợi thế địa lý khó duy trì
Theo ý kiến của ông Carpenter, lợi thế chính của Nga là địa lý. Ông nhấn mạnh: "Giả sử Nga nỗ lực xâm lược vũ trang ở các nước vùng Baltic, Nga sẽ có lợi thế rõ ràng về thời gian và khoảng cách. Chúng tôi đang làm việc về vấn đề này. Chúng tôi sẽ triển khai quân đội và thiết bị để ngăn chặn hiệu quả sự xâm lược từ phía Nga".
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Carpenter. (Nguồn: Bộ Nội vụ Ukraine) |
Tuy nhiên, ông Carpenter cũng nhấn mạnh Moscow sẽ khó duy trì lợi thế này sau năm 2017.
"Khả năng phòng thủ của chúng tôi đang được cải thiện đáng kể so với thời điểm bản báo cáo của RAND được đưa ra. Tôi tự tin khi nói rằng chúng tôi có thêm các lữ đoàn chiến đấu bên sườn phía Đông vào cuối năm 2017. Nga sẽ không thể duy trì được ưu thế như vậy", ông Carpenter quả quyết.
Chuyên gia quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nên có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng cho khối để đối phó với các nguy cơ mất an ninh ngày càng cao ở phía Đông và phía Nam khối này.
Tuyên bố của ông Carpenter được đưa ra trong bối cảnh hơn 31.000 binh sĩ từ 24 quốc gia thành viên NATO tiến hành tập trận chung Anaconda 2016 kéo dài 10 ngày bắt đầu từ 6/6 ở Ba Lan. Đây là cuộc tập trận lớn nhất ở Đông Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức vào ngày 8-9/7 tới đây, các thành viên NATO sẽ đưa ra quyết định quan trọng về sự hiện diện của lực lượng NATO ở Đông Âu.
Hội nghị này có kế hoạch giải quyết các vấn đề tăng cường bảo vệ biên giới phía đông của NATO, trong đó có việc triển khai các đơn vị quân đội với số lượng 500.000 binh sĩ.
Trước đó, theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, khoảng 6.000 binh sĩ NATO sẽ được điều động đến gần biên giới nước Nga sau cuộc họp này.
Tiền đồn của cuộc chiến
Các chuyên gia quân sự lấy vùng Baltic, gồm 3 nước Lithuania, Latvia và Estonia với trọng điểm là tỉnh lỵ ngoại biên Kaliningrad - được coi là tiền đồn của Nga ở châu Âu, làm trọng tâm nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các kết luận về một cuộc chiến tranh Nga - NATO. Moscow được đánh giá sẽ có thể xâm chiếm 3 nước đều đã gia nhập NATO này trong vòng hai ngày.
Nếu nước Nga tấn công NATO, ba nước vùng Baltics sẽ trở thành khu vực đầu tiên gánh chịu chiến tranh. (Nguồn: Stratfor) |
Cả ba quốc gia đều không chỉ không chung đường biên giới với bất kỳ đồng minh nào trong khối NATO, mà còn nằm kẹp giữa biển Baltic với Nga, Belarus - nước đồng minh chính của Moscow và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, có tiềm lực quân sự cực mạnh.
Vùng Baltic là một dải đất phẳng và mỏng ven biển, một cuộc tấn công bất ngờ của Nga có thể lan tới bờ biển trong vài giờ. Yếu tố địa lý tiếp giáp sẽ khiến Moscow dễ dàng đưa quân tràn ngập Baltic, trong khi Kaliningrad sẽ trở thành tiền đồn ngăn cản NATO tung quân đến cứu viện.
Ngoài ra, các chuyên gia quân sự cho rằng, việc NATO liên tục giảm bớt sự hiện diện quân sự ở khu vực này, ví dụ như quân đội Mỹ đã rút hai sư đoàn thiết giáp ra khỏi Đức và chỉ duy trì hai đơn vị ở châu Âu ở thời điểm hiện tại, đã khiến cán cân quân sự nghiêng hẳn về phía Moscow.
Với lợi thế này, Nga có thể nhanh chóng hoàn thành cuộc tấn công chinh phục vùng Baltic. Đảo ngược một chiến dịch thành công của Nga như thế là rất khó, thậm chí là bất khả thi. Nếu xảy ra đụng độ quân sự, Nga có thể đánh bại Mỹ và các đồng minh châu Âu trong không quá 36 giờ.