Nguồn thu nhập dầu lửa - yếu tố gây căng thẳng trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở Sudan hôm 2/11/2010. |
Dự kiến, ngày 9/1/2011, đông đảo người dân miền Nam Sudan sẽ tham gia một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem liệu họ có tách khỏi Cộng hòa Sudan để trở thành một quốc gia độc lập hay không. Từ đầu tháng 7/2010, đảng Đại hội dân tộc (NPC) cầm quyền và Phong trào giải phóng nhân dân Sudan (SPLM) đã bắt đầu vòng thương lượng mới về chiến lược để bảo đảm sự chuyển giao êm đẹp sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho khu vực miền Nam, kể cả vấn đề chia sẻ nguồn thu nhập dầu lửa - yếu tố gây căng thẳng trong quá trình tiến tới cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Cả hai phía đều nói rằng họ muốn có một lộ trình chuyển tiếp tốt đẹp vì đây là một phần trong thỏa thuận hòa bình ký năm 2005 nhằm chấm dứt hai thập kỷ nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam Sudan, đã làm hai triệu người thiệt mạng tại quốc gia rộng lớn nhất lục địa đen này. Đại diện phía NPC Idriss Mohammed Abdel Qadir khẳng định các cuộc thương lượng sẽ đem lại hòa bình không chỉ cho Sudan mà cả khu vực.
Thế nhưng, giới phân tích cảnh báo khả năng phân chia giữa hai miền Nam - Bắc của Sudan có thể là một trở ngại lớn cho việc giữ nguyên hiện trạng các đường biên giới ở châu Phi. Một câu hỏi được đặt ra là liệu việc miền Nam Sudan giàu dầu lửa thành quốc gia độc lập có thể trở thành động lực cho các phong trào ly khai? Theo nhà sử học Conggo Elikia M'Bokolo, "Sudan là một quốc gia hình thành từ việc thực dân hóa với đường biên giới được đẽo gọt một cách thô bạo và sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo sâu sắc giữa các cộng đồng. Có nhiều tình huống tương tự tại châu lục".
Cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Chad Idriss Deby cũng cảnh báo: "Chúng ta đều có một miền Bắc và miền Nam. Nếu chúng ta chấp nhận sự chia cắt của Sudan, hiệu ứng Domino sẽ không thể tránh khỏi và nó sẽ là một thảm họa cho lục địa". Liên minh châu Phi trong khi không phản đối một cuộc trưng cầu dân ý được đảm bảo bởi một thỏa thuận hòa bình, nhưng chưa bao giờ che giấu sự miễn cưỡng nếu Sudan bị phân chia. Các nguyên thủ quốc gia châu Phi ngày càng nhắc nhiều tới "đoàn kết" và "hội nhập khu vực", thay vì "độc lập" hay "ly khai".
Những lo ngại về hiệu ứng Domino như được tăng thêm cơ sở khi tại một số nước châu Phi, chủ nghĩa ly khai đang thức tỉnh. Mới đây, tại Nigeria, các chiến binh của Phong trào giải phóng vùng châu thổ Niger (Mend) đã nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom kép ở Abuja hồi đầu tháng 10, làm 12 người chết. Tại Conggo, chỉ cần quan sát sự phân chia bầu cử giữa Đông và Tây trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2006 có thể đánh giá được mức độ của sự chia rẽ này.
Tuy nhiên, giáo sư lịch sử Boilley Pierre của trường Đại học Paris I cho rằng những ý định ly khai là có, song chỉ là tương đối. Ông không tin vào một sự "Balkan hóa" tại châu lục này. Theo Boilley Pierre, trên thực tế cũng có một số yêu sách gây hiểu lầm. Đến khi xem xét kỹ hơn, những yêu sách của người Tuareg (Mali) mang tính sáp nhập hơn là ly khai, ví dụ đòi có thêm nhiều trường học, đường sá, bệnh viện... Tại Cote D'ivoire, trong năm 2002, những người miền Bắc đã cầm vũ khí để trước hết là đòi hỏi đầy đủ quyền công dân. Điều đó cho thấy, việc quản lý không gian, quyền lực nhà nước và phân phối lại kinh tế tạo thành vấn đề, chứ không phải là đường biên giới. Từ khi các nước châu Phi giành được độc lập, chỉ có ¼ các cuộc xung đột về đường biên giới, còn lại chủ yếu là một cuộc đấu tranh giành quyền lực.
Việt Lan