Ngoại giao số - hơn cả một công cụ?
Trong nhiều năm trở lại đây, các tài liệu nghiên cứu về ngoại giao số dần được hệ thống hóa, mang tính tổng hợp cao hơn. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những đánh giá cho rằng với triển vọng phát triển không giới hạn của công nghệ, ngoại giao số sẽ đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong tổng thể chính sách đối ngoại của các nước trong tương lai.
Trong cuốn sách “Quá trình số hóa của ngoại giao công chúng” xuất bản năm 2019, tác giả Ihan Manor cho rằng, tất cả những khái niệm trước đây như “ngoại giao số” (digital diplomacy), “ngoại giao không gian mạng” (cyber-diplomacy), “ngoại giao Twitter” (Twiplomacy)… hoặc còn quá mơ hồ, hoặc chỉ tập trung vào một nền tảng, một công cụ triển khai chính sách cụ thể, chưa phản ánh đầy đủ sự giao thoa, tương tác giữa công nghệ số và ngoại giao.
Do đó, Manor giới thiệu khái niệm mới mang tên “số hóa ngoại giao” (digitalization of diplomacy) với ba đặc điểm chính. Thứ nhất, số hóa trong ngoại giao là một quá trình, không phải một trạng thái tĩnh. Thứ hai, công nghệ số không chỉ mang lại những công cụ mới, mà còn thúc đẩy những chuẩn mực hành vi mới trong công tác đối ngoại. Thứ ba, công nghệ số có tác động tới nhiều khía cạnh của ngoại giao, bao gồm đối tượng tiếp nhận (audience), thể chế (institution), chủ thể triển khai (practitioner) và hình thức triển khai (practice).
Theo Manor, với tầm ảnh hưởng lớn như vậy và triển vọng phát triển không giới hạn trong tương lai, công nghệ thông tin không thể chỉ được coi như một công cụ hỗ trợ triển khai chính sách đối ngoại như đánh giá của những nghiên cứu trước đây.
Tương tự như Manor, một số nghiên cứu khác cũng cho rằng, ngoại giao số mang nhiều ý nghĩa hơn là một công cụ triển khai đối ngoại đơn thuần. Học giả Tyler Owen trong bài viết “Nhà nước kết nối và sự chấm dứt của ngoại giao thế kỷ XX” cho rằng, triển khai ngoại giao số có thể mở rộng thành chiến lược, tạo điều kiện để các nước có thể điều chỉnh thông điệp chính sách đối ngoại và quảng bá hình ảnh tùy theo đặc trưng văn hóa, giá trị và lịch sử của đối tượng tiếp nhận; đồng thời tạo ra nền tảng thúc đẩy trao đổi hai chiều, tạo điều kiện để các nhà ngoại giao và cơ quan phụ trách đối ngoại các nước có thể chủ động lắng nghe và có phản ứng phù hợp, nhanh chóng với những thay đổi trong hệ thống quốc tế.
Còn theo học giả Craig Hayden, ngoại giao số có tiềm năng định nghĩa lại và mở rộng bản chất của ngoại giao, thông qua việc tạo ra những phương thức mới để tạo lợi thế đòn bẩy trong các cuộc đàm phán phức tạp, cũng như thiết lập những kênh trao đổi bổ sung để qua đó thúc đẩy lợi ích ngoại giao.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nước bứt phá, phát triển mạnh mẽ nếu biết tận dụng, thích ứng thành công. Trong đó, cách mạng thông tin và cách mạng số mở ra phương thức Ngoại giao số như một lĩnh vực ngoại giao chuyên biệt đang trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều nước trong khu vực, trên thế giới.
Với vị thế của một quốc gia tầm trung đang vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam tuy có xuất phát điểm thấp và muộn hơn nhưng được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh về công nghệ thông tin, công nghệ số. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước (thuê bao di động đạt 125,6 triệu năm 2018), trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đang được thử nghiệm và đưa ra thị trường từ năm 2020.
Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh và ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; Việt Nam hiện xếp thứ ba trong ASEAN về quy mô nền kinh tế số. Công nghệ số ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Mô hình chính phủ điện tử, chính phủ số, thành phố thông minh đang được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực; chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia trên thế giới. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp thứ 42/129 quốc gia/nền kinh tế, xếp thứ 4 trong ASEAN.
Với khát vọng và tầm nhìn vươn lên những thứ bậc cao hơn về công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặt ra những nhiệm vụ mới đòi hỏi Ngoại giao Việt Nam phải có những điều chỉnh, thích ứng, đồng hành cùng các bộ ngành và cả hệ thống chính trị cùng đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cụ thể một số nội dung đáng chú ý:
Mục tiêu tổng quát: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết 52
Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức. Chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.
Có 8 nhóm giải pháp, trong đó liên quan đến đối ngoại, hội nhập quốc tế: Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
Theo tinh thần Nghị quyết 52, bài viết đề xuất, gợi mở một số hàm ý chính sách mang tính tham khảo về Ngoại giao số, cụ thể như sau:
Thứ nhất, ngành Ngoại giao cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết 52 thông qua xây dựng Chiến lược/kế hoạch hành động về Ngoại giao số trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đến 2030, tầm nhìn đến 2045, lồng ghép với xây dựng Chiến lược Đối ngoại đến 2030 và triển khai các Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đối ngoại đa phương…
Thứ hai, cần có những điều chỉnh, cập nhật toàn diện về nhận thức, bộ máy, phương thức, nguồn lực, con người cho việc hình thành, triển khai Ngoại giao số. Đặc biệt, cần nhận thức Ngoại giao số là xu thế lớn trong khu vực, trên thế giới, có nhiều tiềm năng, lợi thế, mở ra nhiều cơ hội và sẽ trở thành một phương thức ngoại giao mới, chuyên biệt, tạo động lực, đòn bẩy mới cho Ngoại giao Việt Nam, song về bản chất vẫn mang: Tính bổ trợ cho Ngoại giao truyền thống, không thể thay thế giá trị của Ngoại giao truyền thống (cốt lõi vẫn là thông điệp đối ngoại/câu chuyện Việt Nam, là vai trò then chốt của cán bộ ngoại giao, của nghệ thuật ngoại giao), và Tính đồng hành cùng các phương thức ngoại giao khác phục vụ mục tiêu đối ngoại chung, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thứ ba, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác, học tập kinh nghiệm về Ngoại giao số nói riêng, về hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nói chung với các nước đối tác lớn, quan trọng có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu về công nghệ số, kinh tế số, đổi mới sáng tạo trong CMCN 4.0.
Thứ tư, phối hợp thúc đẩy chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn cầu; chủ trì, đăng cai các sự kiện về Cách mạng 4.0, tích cực đóng góp ý tưởng, sáng kiến về kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng đô thị thông minh, chính phủ điện tử tại các diễn đàn đa phương, khu vực, ASEAN (ví dụ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 tại Hà Nội đã đưa ra các sáng kiến xây dựng các Quy tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu, hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia vào mạng lưới khu vực, kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời trong ASEAN nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0), đóng góp vào xây dựng luật lệ, tiêu chuẩn về kinh tế số.
Thứ năm, ngành Ngoại giao, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Thứ sáu, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ; thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet.
Thứ bảy, phát triển phương thức Ngoại giao số gắn với Ngoại giao công chúng, Ngoại giao văn hóa, Ngoại giao kinh tế, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tăng cường sử dụng truyền thông đa phương tiện, công nghệ số, mạng xã hội (đặc biệt là Twitter) để chuyển tải hiệu quả các thông điệp đối ngoại, xây dựng hình ảnh quốc gia/lãnh đạo, tập hợp, đấu tranh dư luận; tương tác rộng rãi với công chúng, tăng cường sử dụng hình thức hội nghị/hội thảo trực tuyến hoặc diễn đàn/đối thoại định kỳ với công chúng trên nền tảng mạng xã hội…
Thứ tám, chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao đáp ứng yêu cầu của Ngoại giao số, thạo về công nghệ, Internet, vững vàng bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, tinh thông nghiệp vụ; mỗi cán bộ ngoại giao phải là một blogger, một twitter, một facebooker chuyên nghiệp, hiệu quả; nghiên cứu vận dụng mô hình Đại sứ quán ảo, mở rộng hình thức Đại sứ lưu động thực hiện ngoại giao chuyên biệt, tập trung vào một vấn đề/lĩnh vực cụ thể (ví dụ như Đại sứ khoa học công nghệ/đổi mới sáng tạo).
Cuối cùng, cần chú trọng công tác an toàn thông tin, an ninh mạng, xử lý tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội; cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ số, mạng Internet và mạng xã hội để xuyên tạc, kích động, chống phá Việt Nam; có cơ chế phát hiện sớm và xử lý khủng hoảng trên không gian mạng, mạng xã hội.
Bài viết đầy đủ của 2 tác giả Vũ Lê Thái Hoàng và Nguyễn Đức Huy được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, số tháng 6/2020.