📞

Ngoại giao văn hóa Trung Quốc: Hiệu ứng hai mặt

15:00 | 22/05/2016
Từ khi cải cách mở cửa, Trung Quốc đã tiến hành tuần tự các bước chuyển đổi phương thức ngoại giao văn hóa. Tuy nhiên, không phải lúc nào những hiệu ứng ngoại giao văn hóa cũng giống như kì vọng của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng biến ngoại giao văn hóa thành “các kênh tác động chiến lược” góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, giảm thiểu phản ứng lo ngại quốc tế về “mối đe dọa Trung Quốc” và tái thiết lại “vành đai văn hóa” mới tại khu vực Đông Á.

Chuyển đổi mạnh mẽ

Từ đơn nhất hóa sang đa nguyên hóa chủ thể.

Trong một thời gian dài, ngoại giao văn hóa của Trung Quốc hoàn toàn do Chính phủ quyết định. Sau cải cách mở cửa, nhất là sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã đổi mới hoạt động ngoại giao thông qua việc triển khai chính sách đa nguyên hóa chủ thể ngoại giao nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức quần chúng, đoàn thể xã hội, các cá nhân vào các hoạt động giao lưu văn hóa. Thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác văn hóa với hầu hết các nước trên thế giới, Trung Quốc đã hình thành cơ chế hợp tác nhân văn song phương và đa phương. Trung Quốc cũng  tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa lớn như “Năm quốc gia”, “Năm văn hóa”, “Năm ngôn ngữ”, “Tết văn hóa”,...

Xét từ nhiều phương diện, sáng tạo văn hóa, truyền bá văn hóa thông qua con đường ngoại giao nhân dân chính là thước đo khách quan nhất về hiệu quả của hoạt động ngoại giao văn hóa. Chính vì vậy, gần đây, Trung Quốc đã tích cực khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động giao lưu dân gian với các nước. Phạm vi giao lưu văn hóa dân gian của Trung Quốc rất rộng, trong đó, Hiệp hội Hữu hảo đối ngoại nhân dân Trung Quốc, Hội Ngoại giao nhân dân Trung Quốc, các cơ quan giáo dục văn hóa, đoàn thể nghệ thuật văn hóa và đông đảo kiều dân ở nước ngoài... đều có vai trò tích cực trong giao lưu văn hóa dân gian.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành hợp tác giáo dục với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm mở rộng phạm vi triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa.

Trong quá trình triển khai các bước chuyển đổi này, Trung Quốc xác định, khu vực Đông Á là địa bàn quan trọng để tiến hành các hoạt động tái thiết “Vành đai văn hóa Đông Á”, từ đó mở rộng phạm vi ảnh hưởng văn hóa ra thế giới. Tại Việt Nam, thông qua con đường chính thức, Trung Quốc đã ký với Việt Nam nhiều hiệp định hợp tác văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và hợp tác giáo dục. Theo đó, hằng năm, 130 lưu học sinh Việt Nam được hưởng học bổng của Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, thanh niên Việt Nam đã sang Trung Quốc du học tự túc và không ít trong số đó đã nhận được các học bổng của các trường đại học do có thành tích học tập tốt. Trung Quốc còn sử dụng các kênh hợp tác văn hóa với các địa phương, nhất là đối với các tỉnh biên giới, các trường đại học, viện nghiên cứu,… để tăng cường các hiệu ứng ngoại giao văn hóa tại Việt Nam.

Kết hợp giao lưu văn hóa với thương mại văn hóa.

Hoạt động giao lưu văn hóa thường được các quốc gia kết hợp triển khai với hoạt động hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm tăng cường hiểu biết văn hóa và khai thác lợi ích thương mại song phương. Về cơ bản, chính sách này được Trung Quốc tập trung vào ở bốn nhóm chính sách cơ bản là hỗ trợ có trọng điểm đối với các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động trao đổi thương mại văn hóa đối ngoại trên cơ sở tuân thủ pháp luật Nhà nước Trung Quốc; hỗ trợ thuế; đẩy mạnh dịch vụ tài chính; và kiện toàn thủ tục hải quan.

Điều chỉnh phương thức triển khai Học viện Khổng Tử.

Ngay sau Đại hội XVIII, Trung Quốc đã tiến hành một số điều chỉnh chính sách đối với việc triển khai Học viện Khổng Tử như: 1) Hỗ trợ thiết thực hơn đối với đại học nước sở tại và người tham gia; 2) Giảm thiểu sắc thái chính trị trong các hoạt động truyền bá văn hóa, ngôn ngữ;  3) Gỡ bỏ nhiệm vụ tuân thủ theo chính sách “Một Trung Quốc” trên trang web và các văn bản của Học viện Khổng Tử. Đây là ví dụ sinh động cho thấy Trung Quốc đã điều chỉnh bằng hành động cụ thể để làm mờ sắc thái chính trị trong “công tác tuyên truyền” các quyết sách ngoại giao.

Những năm gần đây, người dân một số nước trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng nhu cầu tìm hiểu văn hoá và ngôn ngữ Trung Quốc. Ngày nay, việc học tiếng Trung đã trở thành trào lưu phổ biến ở Thái Lan, thậm chí vượt qua tiếng Anh, trở thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Thái.

Điều này cho thấy, những điều chỉnh chính sách liên quan đến phương thức hoạt động của Học viện Khổng Tử đã mang lại hiệu ứng tích cực tại nước sở tại và qua đó gia tăng lượng học sinh muốn tìm hiểu văn hoá và học tiếng Trung trên toàn cầu.

Không như kỳ vọng

Không tự nguyện tiếp nhận hệ giá trị.

Nếu hệ giá trị phương Tây hiện đại đã định hình nên những giá trị được phần đông cộng đồng thế giới, trong đó có các nước Đông Á đón nhận như “tự do”, “dân chủ”, “dân quyền”, thì dường như hệ giá trị hạt nhân của “Mô hình Bắc Kinh” “giống như một hỗn hợp điện tử, gồm có chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa chuyên chế châu Á, chủ nghĩa Khổng giáo truyền thống”. Sự đặc thù của hệ thống giá trị chưa hoàn thiện này khó có khả năng thuyết phục các quốc gia khác tự nguyện mô phỏng. Đó cũng là một phần lý do vì sao cựu Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher từng nói “Trung Quốc sẽ không trở thành nước lớn trên thế giới, họ xuất khẩu tivi chứ chưa xuất khẩu quan niệm, tư tưởng”. 

Theo thông báo của Hán biện, năm 2015, tổng số các Học viện Khổng Tử trên thế giới trong đó bao gồm cả Lớp học Khổng Tử đã lên đến con số 1.500 (gồm 500 học viện, 1.000 lớp học) tại 134 quốc gia, vùng lãnh thổ và thu hút khoảng 2 triệu học viên.

Thiếu thiện chí.

Từ năm 2012, Bắc Kinh đã tập trung nhiều nguồn lực vào công cuộc “tự thiết kế” lại hình ảnh quốc gia thông qua hoạt động ngoại giao văn hóa, quảng bá truyền thông và tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới. Thế nhưng, việc hành xử “không bao giờ hy sinh lợi ích cốt lõi quốc gia bất chấp hoàn cảnh nào” dù phải xâm phạm chủ quyền lãnh thổ các quốc gia khác đã khiến ngoại giao văn hóa Trung Quốc mất đi hầu hết mọi nỗ lực duy trì hình ảnh một quốc gia trỗi dậy hòa bình, thân thiện trên thế giới nói chung và với các nước láng giềng Đông Á nói riêng.

Năm 2013, một khảo sát được BBC World Service tiến hành tại 17 quốc gia cũng chỉ ra, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc thăm dò tầm ảnh hưởng của các quốc gia bắt đầu vào năm 2005. Các phản ứng của Nhật Bản được coi là tiêu cực nhất. Khi so sánh thái độ của người dân các nước đối với các quốc gia, quan điểm tiêu cực tăng 8 điểm lên 39 điểm, rơi vào tình trạng thấp nhất kể từ cuộc thăm dò năm 2005. Tại các nước Đông Nam Á, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tháng 5/2014 đã làm dấy lên làn sóng phản đối “trò chơi bá quyền”  của Trung Quốc.

Hoài nghi về sự can thiệp.

Các hoạt động “Năm văn hóa”, “Tuần văn hóa”  thường được Chính phủ đầu tư kinh phí rất lớn, kèm theo khẩu hiệu “văn minh Trung Hoa” “trỗi dậy, phục hưng” khiến cho người dân các nước, nhất là các nước láng giềng, nghi ngờ về tính khách quan và sự chân thực của hoạt động ngoại giao văn hóa Trung Quốc.

Mối lo ngại về sự can thiệp từ bàn tay Chính phủ Trung Quốc còn hướng vào các hoạt động của các Học viện Khổng Tử. Hiện nay, có không ít ý kiến cho rằng, Học viện Khổng Tử mang đến nguy cơ “xâm lược văn hóa” của Trung Quốc tại nước sở tại. Đặc biệt, năm 2014 và 2015 ở  Mỹ, Cannada, Australia đã xuất hiện những nỗ lực cảnh báo về nguy cơ mở rộng của Học viện và Lớp học Khổng Tử tại các cơ sở giáo dục kể cả các trường công và trường tư. 

Những chỉ số ấn tượng về tần số dày đặc của các hoạt động giao lưu văn hóa, về cơ bản mới chỉ tạo nên sự thành công ở lớp vỏ bề ngoài của ngoại giao văn hoá Trung Quốc mà chưa đạt được các hiệu ứng thể hiện được chiều sâu, khả năng lan tỏa, tính thuyết phục của hệ giá trị. Những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tại khu vực Đông Á đối với hình ảnh, cách hành xử  của Trung Quốc trong thời gian gần đây như một minh chứng cho thấy, sự hiện diện của ngoại giao văn hoá Trung Quốc đã không mang lại thứ quyền lực như các nhà lãnh đạo nước này mong muốn. Vì vậy, nhiệm vụ hiện thực hoá các mục tiêu đầy tham vọng với thế giới mà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra cho ngoại giao văn hóa vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong tương lai. 

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia