📞

Người Nga, kiều bào và an ninh Á - Âu (Kỳ cuối)

22:59 | 01/12/2016
Giờ đây, khi mà "Thế giới Nga" đang dần hiện hữu thì Điện Kremlin lại phải đương đầu với những khó khăn mới tới từ những người hàng xóm.

Chính sách tìm kiếm đồng bào và khái niệm về "Thế giới Nga" đã được hình thành như là công cụ cho phép Moscow tôn vinh biên giới Hậu Soviet, đồng thời giải quyết các mối quan tâm của những người không nhận thức được mình là người Nga hợp pháp. Thế giới Nga đã giúp Nga có cách tiếp cận mới trong các vấn đề khu vực. Khái niệm về "Thế giới Nga" cho phép Moscow giữ ranh giới của mình trong tình trạng mơ hồ, vô hình chung tạo ra một cục diện khó đoán đối với an ninh khu vực Á - Âu. 

Thay đổi bước ngoặt tạo thách thức mới

Sự hiện diện và can dự mạnh mẽ của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ukraine vào cuối năm 2013 đầu 2014 được Nga xem như là một “cuộc đảo chính” mà đứng sau là phương Tây trên lãnh thổ của "Thế giới Nga". Lúc đó, Tổng thống Putin tuyên bố rằng: “Cùng với Ukraine, các đồng minh phương Tây của Nga đã vượt quá giới hạn… Sau tất cả, họ đã đều nhận thức được rằng có hàng triệu người dân Nga đang sống tại Ukraine và Crimea”. 

Gấu Misha - Biểu tượng của nước Nga. (Nguồn: You Tube)

Vào ngày 7/3/2014, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov khi đưa ra ý kiến về sự kiện tại Crimea rằng "ông Putin chính là người bảo đảm an ninh cho 'Thế giới Nga'". Khẳng định này đã phản ánh những thay đổi căn bản trong giới lãnh đạo của Điện Kremlin liên quan đến vấn đề vị thế và nghĩa vụ quốc tế của Nga – sự thay đổi từ việc tuyên bố nhà nước độc lập thành một thực thể lớn hơn với ranh giới chưa rõ ràng. Điện Kremlin cũng đã bắt đầu ủng hộ tích cực những cộng đồng người Nga tự nhận là một thực thể chính trị của "Thế giới Nga" và luôn hướng tới Moscow để nhận sự chỉ dẫn.

Cùng với sự thay đổi này, lần đầu tiên kể từ sự sụp đổ của Liên Xô, bộ máy tuyên truyền của Điện Kremlin tuyên bố lợi ích của người Nga ngoài biên giới nước Nga sẽ được Moscow bảo vệ quyết liệt và hiệu quả. Vào tháng 11/2015, Tổng thống Putin tuyên bố tại Đại hội người Nga ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ năm rằng sự thống nhất của Crimea và Sevastopol với Nga đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc củng cố cộng đồng người Nga sống tại nước ngoài và toàn bộ "Thế giới Nga".

Thực tế thì nước Nga đang ngày càng suy yếu. (Nguồn: Squire)

Nhưng những thành công lớn gần đây của bộ máy tuyên truyền về "Thế giới Nga" không thể khỏa lấp thực trạng suy yếu vị thế chiến lược của Moscow tại khu vực Á – Âu. Ngày nay, "Thế giới Nga" được chính phủ các quốc gia láng giềng đón nhận với sự nghi ngờ hoặc thù ghét vì nó được cho là một công cụ để nâng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga và – trong trường hợp xấu nhất – được xem như một cuộc xâm lược của Nga như những gì đang diễn ra tại miền Đông Ukraine. Dự án về văn hóa của "Thế giới Nga", với trọng tâm là thúc đẩy sự phát triển của tiếng Nga, đã bị mất uy tín trong mắt của chính phủ và công chúng các nước láng giềng.

Tại những quốc gia láng giềng, cộng đồng người Nga cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới. Tại Latvia và Estonia, các thủ tục nhập tịch, hành chính hay giáo dục đã trở nên khó khăn hơn nhiều đối với cộng đồng người Nga, so với giai đoạn trước năm 2014. Người nói tiếng Nga đã trở thành mục tiêu của những chiến dịch tuyên truyền và luôn bị theo dõi sát sao bởi cơ quan tình báo của những quốc gia láng giềng.

Sự hiệu quả của "Thế giới Nga" đã bị giảm sút trong năm 2015 và đầu năm 2016, và hiện Moscow đang cố gắng để khôi phục chính sách đồng bào như giai đoạn trước năm 2014. Chính phủ Nga đã thông qua Chương trình Làm việc ôn hòa với đồng bào trong giai đoạn 2015 - 2017. Bộ Ngoại giao, Cơ quan Liên bang Nga về công tác của Cộng đồng các quốc gia độc lập, kiều bào ở nước ngoài và hợp tác nhân đạo quốc tế (Rossotrudnichestvo) và những tổ chức phi chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm đến thế giới Nga và ủng hộ đồng bào như một nỗ lực hợp pháp nhằm gia tăng “sức mạnh mềm”, ngoại giao công chúng, nhân quyền và văn hóa của Moscow. Chiến lược “Thế giới Nga” được quan tâm và tài trợ trực tiếp bởi Moscow đã trở nên phổ biến, đặc biệt tại Tây Âu và các quốc gia vùng Baltic.

Hình minh họa. (Nguồn: Dreams Time)

Tác động đến khu vực Á – Âu

Nói về tác động của chiến lược "Thế giới Nga" gây ra đối với cộng đồng người Nga sống tại nước ngoài, cộng đồng ở Ukraine sẽ phải chịu những thách thức lớn nhất. Hiện nay, Ukraine phản đối kịch liệt chính sách "Thế giới Nga". Đối với đa số người dân Ukraine và toàn bộ giới chính trị, khái niệm này đồng nghĩa với chiến tranh. Thêm vào đó, ảnh hưởng của Nga tại Ukraine đã suy giảm đáng kể, một phần vì ứng cử viên thân Nga từ miền Đông Ukraine sẽ khó có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia khi không có sự ủng hộ của người dân Crimea. Nhiều người Nga tại đây đã bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về quốc tịch Ukraine của mình.

Ngoài Ukraine, Belarus và Kazakhstan là những quốc gia trọng điểm nơi sẽ đóng vai trò quan trọng với an ninh, ổn định chính trị, thành công của quá trình quốc hữu hóa và xây dựng quốc gia độc lập tại đây. Hiệu quả của chính sách "Thế giới Nga" trong quan hệ với Belarus cũng đã giảm đáng kể và thậm chí còn đang phản tác dụng. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ trước đến nay luôn là người có quan hệ thân thiết với Nga để giành sự ủng hộ chính trị. Tuy nhiên vào năm 2015, ông đã chuyển hướng và nhiều lần chỉ trích khắc nghiệt tuyên bố “Belarus là một phần của thế giới Nga”. Trong cuộc bầu cử tháng 9/2016, ông Lukashenko đã sàng lọc và ngăn chặn hiệu quả những người ủng hộ thế giới Nga tham gia cuộc tranh cử vào quốc hội. Ông cũng đã kháng cự việc không quân Nga đặt căn cứ tại Belarus và tăng cường hơn nữa ràng buộc kinh tế giữa hai nước.

Tại Kazakhstan, nơi mà cả số lượng và quy mô người Nga tại đây đã giảm đáng kể từ những năm 1990, giới cầm quyền cũng đang triển khai xây dựng và củng cố bản sắc dân tộc mới. Nhận xét của ông Putin về Kazakhstan là “một phần của Thế giới Nga rộng lớn" vào tháng 8/2014 đã không được giới cầm quyền Kazakhstan đón nhận. Việc chuyển đổi từ hệ thống bảng chữ cái Cyrillic sang Latin được công bố tháng 2/2016 là một phần trong những nỗ lực của quốc gia này nhằm thoát khỏi “thế giới Nga”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Telegraph)

Nhìn từ góc độ an ninh châu Âu – Đại Tây Dương, "sự hoài nghi về Thế giới Nga" tại Estonia và Latvia mới là yếu tố tối quan trọng. Sau sự kiện sáp nhập Crimea, bất kỳ nhu cầu chính đáng nào để bảo vệ các quyền văn hóa hay ngôn ngữ của cộng đồng người nói tiếng Nga ở các nước Baltic đều được đáp ứng mà không hề có sự nghi ngờ. Nhiều người Nga tại Latvia và Estonia có xu hướng ủng hộ quan điểm của Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, cơ quan an ninh, tình báo của Estonia và Latvia đã sớm có những biện pháp làm giảm sự hấp dẫn của thế giới Nga.

Bên cạnh đó, sự hiện diện quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tăng cường tại khu vực này cũng làm giảm cơ hội cho bất kỳ loại can thiệp nào của Nga theo kiểu Crimea hoặc kiểu Donbas. Việc NATO triển khai đội quân luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu đến các nước vùng Baltics được coi là sự tăng cường phòng thủ tập thể đáng chú ý nhất thế giới kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, đòn bẩy tiềm năng của Nga ở quốc gia Baltic còn lại - Lithuania, nơi dân số Nga khá ít và phân tán, luôn bị hạn chế nhiều so với ở Estonia hoặc Latvia.

Tính tới thời điểm này, nỗi lo sợ về "Thế giới Nga" đã không còn quan trọng đối với các nước còn lại thuộc Liên Xô cũ. Vị thế và lợi ích của nhân dân Nga và người nói tiếng Nga tại Trung Á và Nam Caucasus về cơ bản là không thay đổi từ năm 2014. Cộng đồng người Nga tại đây tương đối nhỏ, lão hóa, và tiếp tục giảm. Do đó, nước Nga cần công cụ chiến lược khác cho khu vực này.

Cuối cùng, đối với nước Nga hiện nay, có một sự nhất chí từ trên xuống dưới rằng Moscow có trách nhiệm với những người tự nhận mình là người Nga, người nói tiếng Nga và những người sống ở các quốc gia kế thừa của Liên Xô cũ. Và tương lai an ninh khu vực Á - Âu sẽ dựa vào cách mà người Nga thực thi trách nhiệm này.

(lược dịch)