📞

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iran nhận định kết quả bầu cử Iran: Bảo thủ lên ngôi, Mỹ - Iran thêm rối

Minh Vương 16:08 | 24/02/2020
TGVN. Chia sẻ với Thế giới & Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch nhận định chiến thắng của phe bảo thủ ở bầu cử Quốc hội Iran có thể khiến quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng hơn, song không tác động nhiều tới Việt Nam.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch.

Cuộc bầu cử Quốc hội tại Iran ngày 23/2 chứng kiến tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ đạt 42%, thấp nhất kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo Iran thành lập năm 1979. Kết quả là phe bảo thủ giành chiến thắng áp đảo với 219/290 ghế tại Quốc hội.

Giới chức Iran khẳng định thực trạng này là do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) khiến người dân hạn chế tới nơi công cộng. Song mặt khác, nó phản ánh người Iran ít quan tâm tới câu chuyện thời sự chính trị hơn trước.

Bảo thủ thắng dễ

Theo ông Nguyễn Hồng Thạch, đây là lợi thế dành cho phe bảo thủ. Dù thận trọng trước Covid-19 và không còn mặn mà với câu chuyện thời sự chính trị, người dân Iran vẫn tham gia các buổi cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo. Đây là cơ hội để phe bảo thủ, thông qua lực lượng giáo sỹ, vận động tranh cử cho các chính sách cứng rắn.

Quan trọng hơn, trong cuộc bỏ phiếu trước, phe cải cách đã chiến thắng. Song từ đó đến nay, tình hình đang xấu đi. Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đảo ngược nhiều cam kết của người tiền nhiệm, đặc biệt là trong vấn đề Iran khi rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015. Thiếu vắng nhân tố chủ chốt, JCPOA mất sức nặng cần thiết, bất chấp nỗ lực của phe cải cách ở Tehran và Liên minh châu Âu (EU).

Nền kinh tế Iran tiếp tục phải đối phó với cấm vận; quan hệ Mỹ - Iran trở lại quỹ đạo căng thẳng, đối đầu. Thành tựu đối ngoại quan trọng bị hủy bỏ khiến người dân đã không còn hào hứng với chính sách đến từ phe cải cách.

Với nhiều lợi thế như vậy, chiến thắng áp đảo của phe bảo thủ tại Quốc hội khi giành 219/290 ghế là không quá bất ngờ.

Người dân Iran thực hiện quyền công dân tại các địa điểm bỏ phiếu ngày 21/2. (Nguồn: Independent UK)

Quan ngại Mỹ - Iran

Quan trọng hơn, kết quả bầu cử này sẽ tác động lớn tới chính sách đối ngoại của Iran, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ. Với đa số tại Quốc hội, phe bảo thủ có thể duy trì lập trường cứng rắn mà không gặp lực cản khi xử lý vấn đề Washington - Tehran. Quan hệ Iran – Mỹ vì thế sẽ căng thẳng hơn trước khi rơi vào thế “hai con dê qua cầu”.

Tương tự là quan hệ Iran – EU. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, phe cấp tiến tại Iran, đặc biệt là Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, đã nhiều lần “đánh tiếng” với EU rằng Iran sẵn sàng ở lại JCPOA nếu khối này có một số nhượng bộ nhất định trong lĩnh vực kinh tế. Vắng bóng chính sách ngoại giao mềm mỏng của phe cấp tiến, việc đàm phán cứu vãn JCPOA sẽ khó khăn hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, khả năng xung đột cục bộ giữa Mỹ và Iran là thấp. Hậu duệ người Ba Tư luôn giữ tỉnh táo dù gặp nhiều khó khăn: Sau khi Thiếu tướng Qassem Soleimani của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị Mỹ sát hại ngày 3/1, Iran đã bí mật cảnh báo cho Iraq, trước khi tấn công đáp trả vào hai căn cứ quân sự Mỹ gần thủ đô Baghdad, tránh gây thương vong cho lính Mỹ và hạn chế leo thang căng thẳng.

Chiến tranh chỉ có kẻ thua, không có người thắng; cả Washington lẫn Tehran nhận thức rõ điều này. Tuy nhiên, khi hai bên tiếp tục cứng rắn, căng thẳng có thể kéo dài và không loại trừ khả năng các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” sẽ còn diễn ra. Những chiến dịch như vậy sẽ khiến Trung Đông tiếp tục bất ổn, bất định thời gian tới.

Iran tấn công vào căn cứ Mỹ nhằm trả đũa cho cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani. (Nguồn: New York Times)

Việt Nam – Iran vững bước

Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch, kết quả bầu cử lần này sẽ không tác động nhiều tới quan hệ Việt Nam - Iran vì hai lý do chính.

Thứ nhất, trong suốt hơn 40 năm hình thành và phát triển, quan hệ hữu nghị song phương tiếp tục phát triển, song chưa thực sự đi vào chiều sâu. Cuối năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Iran vẫn chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD, mức còn thấp so với tiềm năng của hai nước. Do đó, thay đổi trong chính sách đối ngoại của Iran sẽ không tác động nhiều tới Việt Nam.

Thứ hai, cả phe bảo thủ lẫn cấp tiến tại Iran đều coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Với phe bảo thủ, họ ngưỡng mộ hình ảnh Việt Nam kiên cường, bất khuất qua hai cuộc kháng chiến, giành độc lập dân tộc. Với phe cấp tiến, họ nể phục cách Việt Nam khép lại quá khứ, tiến tới tương lai, cải thiện quan hệ với cả quốc gia từng ở bên kia chiến tuyến, trong đó có Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và phát triển tốt quan hệ hữu nghị với Iran. Quan hệ Việt Nam - Iran chủ yếu phát triển trong lĩnh vực kinh tế và giao lưu nhân dân, không vi phạm nghị quyết cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Qua đó, Việt Nam thể hiện thiện chí, sẵn sàng “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, tuân thủ triệt để đường lối đối ngoại đã đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ XII.