Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ bảy với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. |
Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đều có tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh và là điểm đến đầy hứa hẹn cho những nhà xuất khẩu Nhật Bản trên các lĩnh vực như hệ thống đường sắt, nhà máy điện và cơ sở hạ tầng khác.
Tokyo lên kế hoạch viện trợ khoảng 750 tỷ Yên trong ba năm tới cho các nước Mekong, tiếp nối cam kết hỗ trợ 600 tỷ Yên giai đoạn 2013-2015. Khoản hỗ trợ mới này đã được công bố vào cuối Hội nghị cấp cao tại Tokyo giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo các nước Mekong.
Song song với việc hiện đại hóa quân sự một cách nhanh chóng, Trung Quốc hiện đang xây dựng nhiều đảo nhân tạo tại khu vực Biển Đông, nơi có nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền. Động thái này của Bắc Kinh làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực.
“Hai bên ghi nhận mối quan tâm chung về những diễn biến gần đây tại Biển Đông. Những diễn biến này sẽ làm phức tạp thêm tình hình, xói mòn niềm tin và có thể phá vỡ hòa bình, an ninh cũng như ổn định khu vực”, trích trong thỏa thuận hợp tác Mekong-Nhật Bản.
Vào tháng Năm vừa qua, Nhật Bản đã tiết lộ kế hoạch viện trợ 110 tỷ USD để xây dựng khu vực châu Á chất lượng cao và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường. Điều này đối trọng lại với mục tiêu của AIIB do Trung Quốc dẫn đầu. Washington cho rằng những dự án của AIIB có thể không hoàn toàn bảo vệ môi trường.
Mặc dù quan hệ Trung – Nhật đã có dấu hiệu tan băng kể từ khi Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm ngoái nhưng mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á này vẫn bị cản trở bởi những tranh chấp lãnh thổ và di sản cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản trong quá khứ.
Hằng Phạm (theo Reuters)