Bài viết sau đây sẽ giải thích về cơ chế mà Philippines sử dụng để khởi kiện Trung Quốc, những nội dung đang được Tòa xét xử, ý nghĩa cũng như những hạn chế của vụ kiện do Philippines khởi xướng đối với tranh chấp Biển Đông.
Cơ sở pháp lý của Tòa
Cơ quan tài phán Philippines sử dụng trong vụ kiện này có tên là “Tòa Trọng tài tổ chức theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)” (PCA).
UNCLOS là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất về Luật Biển với 166 nước thành viên, bao gồm tất cả các bên trong tranh chấp Biển Đông. UNCLOS quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc sử dụng đại dương, thiết lập cơ sở cho các hoạt động quản lý tài nguyên, giao thương trên biển và bảo vệ môi trường. Phần XV của UNCLOS quy định về cơ chế giải quyết cho các tranh chấp liên quan đến “áp dụng và giải thích các điều khoản của Công ước”, trong đó bao gồm các biện pháp giải quyết tranh chấp qua toà án và trọng tài.
Có bốn cơ quan tài phán mà các bên có thể lựa chọn sử dụng là: Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa Trọng tài tổ chức theo Phụ lục VII và Tòa Trọng tài theo Phụ lục VIII. Phán quyết của các Tòa này là chung thẩm và có giá trị bắt buộc với các bên trong tranh chấp.
Cơ chế Tòa trọng tài theo Phụ lục VII là cơ chế duy nhất cho phép một bên trong tranh chấp được đơn phương khởi kiện bên còn lại ra Tòa. Việc một bên vắng mặt không làm cản trở hoạt động của Tòa và phán quyết vẫn có giá trị ràng buộc với các bên. Hai cơ chế khác là ICJ và ITLOS chỉ có quyền xét xử tranh chấp khi các bên trong tranh chấp cùng đồng ý ra tòa. Ví dụ, năm 2011, Bangladesh và Myanmar cùng ký thỏa thuận đưa việc phân định biên giới biển giữa hai nước này ra ITLOS.
Do cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên UNCLOS, Trung Quốc lại không đồng ý cùng Philippines ra Tòa nên sau khi xét thấy đã đáp ứng được các điều kiện tiền đề về thủ tục và nội dung, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài tổ chức theo Phụ lục VII, UNCLOS.
Nội dung khởi kiện
Là cơ chế của UNCLOS nên Tòa Trọng tài Phụ lục VII chỉ xử lý những vấn đề liên quan đến các điều khoản của UNCLOS. Do UNCLOS không có điều khoản giúp xác định, giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các đảo nên Tòa Trọng tài mà Philippines sử dụng không thể giải quyết vấn đề chủ quyền với các đảo.
Bên cạnh đó, UNCLOS cho phép một số loại tranh chấp có thể bị loại trừ khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp bằng toà án và trọng tài. Thứ nhất là các loại tranh chấp đương nhiên Tòa không có thẩm quyền xét xử (Điều 297), bao gồm các tranh chấp liên quan đến việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và tranh chấp liên quan đến các hoạt động đánh bắt cá trong EEZ. Thứ hai là các loại tranh chấp mà các quốc gia được quyền lựa chọn tuyên bố loại trừ ra khỏi thẩm quyền tài phán của tòa án và trọng tài (Điều 298).
Tòa Trọng tài thường trực của Liên hợp quốc (PCA) tại The Hague, Hà Lan - nơi thực hiện xét xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. (Nguồn: EPA). |
Dựa vào Điều 298, năm 2006, Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ thẩm quyền của Tòa đối với các tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử và các danh nghĩa lịch sử; tranh chấp liên quan đến phân định biển và tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự và các hoạt động của lực lượng chấp pháp trong lĩnh vực đánh cá và nghiên cứu khoa học biển. Vì bị giới hạn trong nội dung khởi kiện, Philippines đã phải tìm cách tránh những vấn đề trên. Cụ thể, Philippines kiện Trung Quốc 15 điểm, chia thành 3 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, Philippines yêu cầu Toà phủ nhận giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Thứ hai, Philippines yêu cầu Tòa làm rõ quy chế pháp lý của 9 thực thể mà Trung Quốc thường xuyên có hành động sách nhiễu xung quanh, là các “bãi cạn lúc nổi lúc chìm” (không có khả năng tạo ra vùng biển), hoặc “đảo đá” (chỉ có 12 hải lý lãnh hải, khác với “đảo” có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý). Thứ ba, Philippines yêu cầu Tòa quyết định một số hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là vi phạm UNCLOS cũng như luật quốc tế nói chung về an toàn hàng hải, vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển và xâm phạm quyền lợi chính đáng của Philippines trên Biển Cả - tài sản chung của nhân loại, nơi tất cả các quốc gia đều có quyền đánh cá và tự do hàng hải và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tháng 10/2015, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết đầu tiên về vấn đề thẩm quyền, kết luận Philippines không khởi kiện về vấn đề chủ quyền. Cả 15 đệ trình đều là các “tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các điều khoản của UNCLOS”. Tòa đã phán quyết có thẩm quyền với 7/15 vấn đề (chủ yếu thuộc nhóm thứ 2), thẩm quyền đối với 8 vấn đề còn lại (bao gồm “đường lưỡi bò”) sẽ được quyết định trong phán quyết cuối cùng cùng với các kết luận về mặt nội dung.
Hạn chế của phán quyết
Mục đích chính của Philippines trong vụ kiện này, theo như nhiều nhà phân tích và chính các luật sư của nước này là thu hẹp vùng tranh chấp ở Biển Đông. Theo luật quốc tế, một quốc gia có chủ quyền đối với một đảo, đảo đá thì sẽ có quyền đối với vùng biển tính từ các đảo, đảo đá đó (nguyên tắc đất thống trị biển). Nhiều quốc gia cùng yêu sách chủ quyền với các thực thể ở Biển Đông cũng tự cho mình có quyền với các vùng nước xung quanh. Điều này tạo nên những vùng biển có yêu sách chồng lấn, đặc biệt là khi các quốc gia cho rằng các thực thể mình yêu sách là “đảo”, có quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Nếu 9 thực thể kể trên là các “đảo đá” hoặc “bãi cạn lúc nổi lúc chìm”, thì bất kể chủ quyền có thuộc về nước nào, cho dù là Trung Quốc thì phạm vi thẩm quyền của quốc gia đó cũng chỉ là 12 hải lý hoặc thậm chí không có quyền gì (nếu là bãi cạn lúc nổi lúc chìm). Phần biển bên ngoài ranh giới 12 hải lý đó hoặc là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, hoặc là Biển Cả.
Tuy nhiên, vụ kiện do Philippines khởi xướng không thể giải quyết rốt ráo vấn đề Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp chủ quyền của các đảo. Ngay cả khi Philippines thành công, vụ kiện cũng sẽ không thể bắt Trung Quốc hay các nước khác dừng các hoạt động bên trong phạm vi 12 hải lý của 9 thực thể đó (vì không giải quyết được vấn đề chủ quyền nên trong phạm vi 12 hải lý của các thực thể này vẫn là vùng biển tranh chấp).
Vụ kiện cũng không thể thu hẹp được toàn bộ tranh chấp Biển Đông mà chỉ áp dụng được cho các vùng nước quanh 9 thực thể. Theo Tòa, có khoảng 50 thực thể đáng được chú ý ở Biển Đông, trong số đó có thực thể có thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, khi đó vẫn sẽ tạo nên vùng chồng lấn rộng lớn, đan xen các loại yêu sách khác nhau của các quốc gia trong tranh chấp Biển Đông.
Phần đệ trình về “đường lưỡi bò” cũng sẽ có rủi ro nhất định cho Philippines. Nếu yêu sách “đường lưỡi bò” là loại yêu sách “danh nghĩa lịch sử” thì Tòa sẽ không có thẩm quyền xét xử. Hoặc Tòa có thể sẽ kết luận vấn đề “danh nghĩa lịch sử”, “quyền lịch sử”, “vịnh lịch sử”… chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong luật quốc tế nên Tòa không thể xem xét theo yêu cầu của Philippines.
Kết quả khó đoán
Tóm lại, vụ kiện của Philippines nếu thành công sẽ đem lại một số lợi ích nhất định cho nước này và các bên tranh chấp Biển Đông. Thứ nhất, nếu Tòa phán quyết “đường lưỡi bò” là vô giá trị thì đây là chiến thắng chung của tất cả các bên bị tổn hại bởi Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Thứ hai, vụ kiện cũng có thể sẽ giúp làm rõ hơn phạm vi những khu vực “được phép” tranh chấp, giải phóng những vùng biển bên ngoài ranh giới này là vùng biển của các quốc gia ven biển, không có tranh chấp, hoặc vùng biển chung của nhân loại. Thứ ba, vụ kiện sẽ là đòn giáng vào các hoạt động gây mất an toàn hàng hải và làm tổn hại đến môi trường của Trung Quốc ở Biển Đông (đây là những nghĩa vụ chung, áp dụng trên mọi vùng biển, bất kể thuộc quốc gia nào).
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Philippines vẫn chưa thể nắm chắc hoàn toàn phần thắng trong vụ kiện này và bản thân vụ kiện có nhiều điểm hạn chế, không thể giúp giải quyết tận gốc vấn đề tranh chấp Biển Đông. Bên cạnh đó, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ không tự giác thi hành phán quyết của Tòa trong khi hiện vẫn chưa có một cơ chế thực thi phán quyết của các Tòa án, trọng tài quốc tế mà chủ yếu dựa vào thiện chí của các bên và dư luận tiến bộ trên thế giới.