Tuần qua, Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương và Trung tâm Nghiên cứu Giao lưu Nhân dân Trung - Mỹ, Đại học Nhân dân Trung Quốc tổ chức diễn đàn về chủ đề “Quan hệ Trung - Mỹ trước ngã rẽ lịch sử”. Đánh giá của giới học giả Trung Quốc về mối quan hệ Mỹ-Trung thể hiện một góc nhìn riêng từ phía Trung Quốc, rất đáng chú ý.
Trung Quốc đang đứng trước “ngã rẽ lịch sử”
Nhận định này được đưa ra xuất phát từ đánh giá: cục diện thế giới đang diễn ra những thay đổi lớn lao chưa từng có trong 100 năm qua; bản thân Trung Quốc cũng đang từng bước tiến vào thời đại mới, có những thay đổi mạnh mẽ kể từ Đại hội 18 đến nay; sự phát triển của khoa học công nghệ đang làm thay đổi phương thức sản xuất và sinh hoạt của toàn nhân loại; đại dịch Covid-19 trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng thúc đẩy những thay đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Thời đại đã thay đổi, chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc cũng đã thay đổi. Vì vậy, chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ cũng cần phải thay đổi.
Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn 1, từ năm 1949 - 1972: Mỹ thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Biểu hiện cơ bản nhất là, giữa hai nước không có giao lưu, trao đổi; không có quan hệ thương mại. Về chính trị, Mỹ không thừa nhận nước Trung Quốc mới.
Giai đoạn 2, từ năm 1972 - 1979: Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon, xuất phát từ nhu cầu của Chiến tranh lạnh, Mỹ thực hiện chiến lược quân sự đối với Trung Quốc, hình thành tam giác Trung - Mỹ - Xô.
Giai đoạn 3, từ năm 1979: Mỹ thực hiện chiến lược “can dự là chính” đối với Trung Quốc. Kể từ sau năm 1978, giữa Trung Quốc và Mỹ hình thành thời cơ chiến lược “can dự - hội nhập”. Sau năm 1978, Mỹ hy vọng thông qua quan hệ với Trung Quốc để lôi kéo Trung Quốc vào hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn dắt. Mỹ cho rằng, thông qua chiến lược này có thể đạt được lợi ích kinh tế và chiến lược, đồng thời, tác động tới phương hướng phát triển của Trung Quốc trong tương lai, đây là mục đích chính của Mỹ.
Quan hệ Trung - Mỹ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. |
Mỹ muốn gì ở Trung Quốc?
Chiến lược can dự của Mỹ vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tố tiêu cực. Yếu tố tích cực là không đối đầu. Nhờ tham gia sâu vào hệ thống quốc tế, Trung Quốc có thể phát triển. Đây là mặt có lợi đối với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng nhận ra, Mỹ luôn muốn gây ảnh hưởng lên Trung Quốc, muốn thay đổi Trung Quốc.
Sau năm 1978, Trung Quốc đã hình thành chiến lược tương đối ổn định đối với Mỹ. Trung Quốc muốn thông qua quan hệ với Mỹ để: lôi kéo Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập hệ thống quốc tế; thực hiện hiện đại hóa kinh tế - xã hội; duy trì bản sắc của mình. Điểm thống nhất tương đối lớn về phương hướng, chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ là Mỹ muốn kéo và Trung Quốc cũng muốn ngả theo Mỹ. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nước chính là Mỹ muốn thay đổi Trung Quốc, nhưng Trung Quốc kiên quyết không thay đổi con đường đặc sắc của mình.
Sau khủng hoảng kinh tế, tại Mỹ đã nhiều lần xuất hiện tranh cãi về chiến lược đối với Trung Quốc, nổi bật nhất là hai lần: (i) từ 2009-2010, sau khủng hoảng tiền tệ, tại Mỹ nổi lên “thuyết Trung Quốc ngạo mạn”, sau đó chuyển sang “thuyết Trung Quốc cứng đầu”; (ii) năm 2015, một năm trước khi diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống giữa bà Clinton và ông Donald Trump.
Lần này, Mỹ nhận định chiến lược can dự với Trung Quốc đã thất bại. Mỹ từng nghĩ lôi kéo Trung Quốc vào hệ Hillary thống quốc tế do Mỹ dẫn dắt thì Trung Quốc sẽ “tự diễn biến”. Trên thực tế, Trung Quốc đã “bị lôi kéo”, đã phát triển và đã có những thay đổi vô cùng to lớn, nhưng theo cách nhìn của Mỹ, những thay đổi này chưa đủ lớn, không theo đúng mong muốn của Mỹ.
Mỹ thay đổi chính sách ra sao?
Những thay đổi trong chiến lược của Chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc xuất phát từ những thay đổi trong cách định vị của Mỹ về Trung Quốc, chủ yếu trên 2 phương diện.
Một là Mỹ nhận định thực lực của Trung Quốc đã khác. Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2017 lần đầu tiên xác định “giấy trắng mực đen” rằng “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ”. Trong chiến lược can dự với Trung Quốc, Mỹ vẫn nhìn nhận có thể hợp tác được với Trung Quốc, dù Mỹ muốn thay đổi Trung Quốc nhưng về tổng thể vẫn muốn kéo Trung Quốc về phía mình. Nhưng hiện nay, Mỹ nhận ra rằng, Mỹ không thể tiếp tục chiến lược can dự này nữa. Hai là Mỹ xác định Trung Quốc là “quốc gia xét lại” - đây là thay đổi hết sức to lớn. Chính điều này đã dẫn đến việc từ năm 2018 đến nay, Mỹ liên tục xung khắc với Trung Quốc, nổi bật nhất chính là “chiến tranh thương mại”.
Tuy nhiên, bản thân cách nhìn nhận trong nội bộ Trung Quốc về Mỹ cũng đã dần thay đổi. Theo đó, Mỹ vẫn rất quan trọng, nhưng tầm quan trọng của Mỹ đối với Trung Quốc đã giảm sút so với trước đây. Mặt khác, nếu như trước đây rất nhiều người Trung Quốc cho rằng Mỹ quản trị nội bộ rất tốt, nhưng gần 10 năm nay, ngày càng nhiều người cảm thấy, nội bộ Mỹ dường như cũng có vấn đề, đặc biệt là kể từ khi xảy ra dịch bệnh, cách thể hiện của Mỹ càng “mất điểm”.
Tất cả những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc Mỹ quyết định kết thúc chiến lược can dự với Trung Quốc. Song, trong nội bộ Mỹ vẫn chưa đạt được nhận thức chung về việc sẽ dùng chiến lược gì để thay thế chiến lược can dự với Trung Quốc.
Mỹ-Trung tách rời
Trong tương lai, khả năng Mỹ-Trung Quốc tách rời (decoupling) ở mức độ nhất định là khó tránh khỏi. Vấn đề là, tách rời trong lĩnh vực gì, tách rời như thế nào.
Cách đây 2 năm, có một số chuyên gia Mỹ từng nói vui rằng, chỉ có một khả năng giúp quan hệ Trung - Mỹ tốt trở lại, đó là xuất hiện người ngoài hành tinh vào Trái đất, khiến Trung - Mỹ buộc phải cùng nhau chống lại kẻ thù chung. Thời điểm đó, ai cũng nghĩ đó chỉ là câu nói đùa, nhưng không ngờ, 2 năm sau, câu nói đùa đó đã trở thành sự thật. “Người ngoài hành tinh” đó chính là virus Covid-19.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là, “người ngoài hành tinh” này khiến quan hệ Trung - Mỹ thêm bất hòa. Rất nhiều người trong chính quyền Tổng thống Trump coi dịch bệnh là thời cơ chiến lược của Mỹ trong việc làm suy yếu Trung Quốc. Chỉ trong vài tháng, Mỹ liên tục công khai chỉ trích Trung Quốc, phát động cuộc chiến dư luận, kêu gọi “thoát Trung” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy, Mỹ không sản xuất được khẩu trang, không sản xuất được máy thở, một số dược phẩm y tế cơ bản nhất cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày càng nhiều chính khách Mỹ kêu gọi chuyển dịch ngành sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm quay về Mỹ. Nhưng khả năng điều chỉnh chuỗi cung ứng trong thời gian ngắn là không cao. Về lâu dài, Trung - Mỹ tách rời là một xu thế, nhưng về ngắn hạn thì chưa thể.