📞

Những câu chuyện vui về Hội nghị Paris

Trịnh Ngọc Thái* 14:34 | 08/01/2023
Có mặt tại Paris với tư cách thành viên Đoàn Việt Nam DCCH từ những ngày đầu phái đoàn đặt chân lên đất Pháp cho đến khi các bên đặt bút ký vào thỏa thuận lịch sử, với ông Trịnh Ngọc Thái – hành trình mang tên Hòa đàm Paris 1973 có nhiều chuyện không thể nào quên.
Trưởng đoàn đàm phán Xuân Thủy (giữa) trong một cuộc họp nội bộ. * Ảnh do ông Trịnh Ngọc Thái (người ngồi đầu tiên bên trái) cung cấp.

Ở miền Nam, trong kháng chiến chống Pháp có Tiểu đoàn 307 và người dân Việt Nam đa số đều thuộc bài hát tôn vinh Tiểu đoàn này. Trong Hội nghị Paris cũng có một đoàn 37, nhưng đoàn này không chiến đấu trên chiến trường mà trên mặt trận ngoại giao.

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), xuất phát từ Hà Nội đầu tháng 5/1968 sang Paris dự Hội nghị Paris về Việt Nam gồm 37 người nên cũng được gọi là Đoàn 37, do ông Xuân Thủy làm Trưởng đoàn.

5 sao và không sao

Khi rời Hà Nội còn bom đạn để đi Paris, không ai biết cụ thể là Hội nghị kéo dài bao lâu, chỉ biết lên đường đến Paris cho kịp họp phiên đầu tiên vào ngày 13/5/1968. May là thời gian chuẩn bị lên đường rất gấp, mà lại đi vào mùa hè nên chỉ cần có nhất bộ complet, không cần chuẩn bị quần áo ấm.

Lúc đó ở Paris, Việt Nam có Tổng đại diện là cơ quan đại diện cao nhất cho Nhà nước, đứng đầu là ông Mai Văn Bộ. Đón một đoàn quan trọng nhất từ trước đến nay sang dự một Hội nghị có tính chất quyết định đối với vận mệnh của đất nước, ông Bộ muốn bố trí cho Đoàn ở một nơi đàng hoàng, sang trọng để cho người ta biết “Mình là ai?”. Ông Bộ nghĩ mãi và quyết định thuê cho Đoàn ở tại khách sạn Lutétia, khách sạn loại sang, 5 sao, ở số 45 trên Đại lộ trung tâm Raspail. Thậm chí, ông Mai Văn Bộ còn yêu cầu khách sạn treo cờ đỏ sao vàng trước cửa để đón Đoàn. Khi Đoàn xuống sân bay và về khách sạn, truyền thông các nước đã chờ sẵn để quay phim chụp ảnh lóa cả mắt. Kiều bào Việt Nam tại đây thì hãnh diện tập trung rất đông ở sân bay rồi hộ tống Đoàn về khách sạn, tay cầm cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu hoan nghênh...

Sau vài ngày, Khách sạn đưa cho Trưởng đoàn lễ tân của Đoàn là bà Vũ Thị Đạt cái “phắc – tuya” (hóa đơn). Nhìn thấy số tiền ghi trong hóa đơn, bà Đạt suýt ngất, bèn báo cáo với Trưởng đoàn. Sau khi bàn bạc, Đoàn quyết định phải chuyển chỗ ở, không cần 5 sao, thậm chí không có sao nào - miễn là có chỗ ăn ngủ và tiện làm việc là được… Trưởng đoàn Xuân Thủy giao cho ông Mai Văn Bộ đi nhờ Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ.

Ngay sau đó, phía Đảng Cộng sản Pháp bố trí cho Đoàn tới ăn ở tại Trường đào tạo cán bộ Đảng của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (còn gọi là Trường Đảng Maurice Thorez). Ngôi trường này nằm ở Choisy-le-Roi - thành phố ngoại ô Paris do Đảng cộng sản Pháp nắm chính quyền và đồng chí Fermand Dupuis làm Thị trưởng. Lúc đó, các học viên của Trường đang nghỉ hè nên có thể cho Đoàn Việt Nam ở tạm một thời gian. Trường Đảng Maurice Thorez thật lý tưởng vì có đầy đủ phương tiện cho đoàn ăn ở và làm việc.

Thấm thoắt, thời gian nghỉ hè của Trường Đảng Maurice Thorez đã trôi qua mà Hội nghị thì chưa đi đến đâu cả và cũng không ai nói trước được là còn kéo dài đến bao giờ. Đoàn Việt Nam hết sức bối rối, còn phía Đảng Cộng sản Pháp thì cũng chưa biết giải quyết thế nào. Trước mắt, phía bạn hoãn ngày tựu trường và cuối cùng thì chuyển trường Đảng tới một địa điểm khác ở xa Paris để tiếp tục chương trình giảng dạy. Còn Đoàn Việt Nam thì đành “xem của bạn cũng là của ta” và ở Choisy-le-Roi mãi 1 năm, 2 năm, 3 năm, rồi 4 năm,…

Nghễnh ngãng

Hội nghị Paris về Việt Nam gồm hai cuộc hội nghị kế tiếp nhau. Hội nghị hai bên giữa VNDCCH và Mỹ từ 13/5/1968 đến 1/11/1968. Hội nghị 4 bên giữa VNDCCH, Mỹ, Đoàn Mặt trận và Việt Nam Cộng hòa (tức chính quyền Sài Gòn) từ 25/1/1969 đến 27/1/1973.

Về hội nghị hai bên, Trưởng đoàn Việt Nam là ông Xuân Thủy, Trưởng đoàn Mỹ là nhà Ngoại giao kỳ cựu Averell Harriman. Trong suốt hơn 5 tháng Hội nghị 2 bên với nội dung chấm dứt ném bom miền Bắc. Lập trường của phía Việt Nam là yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc rồi mới bàn sang các vấn đề khác. Lập trường của Mỹ là đồng thời bàn về cả hai vấn đề quân sự, chính trị và đòi “có đi có lại”. Phía Việt Nam kiên quyết không thảo luận bất cứ vấn đề nào khác nếu Mỹ còn tiếp tục ném bom trên lãnh thổ VNDCCH.

Nhiều người khen ông Xuân Thủy tài thật. Suốt 5 tháng trời chỉ nhắc đi nhắc một yêu cầu là Mỹ chấm dứt hoàn toàn và vô điều kiện mà thứ Năm tuần nào họp ở Kléber ông cũng đọc một bài dài 4-5 trang chỉ nói một vấn đề nhưng Mỹ vẫn không chịu. Nhà báo thì nói đây là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc”, còn người phát ngôn của Đoàn Việt Nam là ông Nguyễn Thành Lê thì nói “con kiến mà leo cành đào, leo phải cành cụt, leo ra leo vào”...

Đến ngày 30/10/1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam hoàn toàn và vô điều kiện. Hai bên bắt đầu thảo luận về Hội nghị tiếp theo để giải quyết các vấn đề khác ở miền Nam Việt Nam.

Trong một buổi ngồi nói chuyện khi kết thúc hội nghị 2 bên giữa ông Xuân Thủy và Averell Harriman - Trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ, Harriman tâm sự với ông Xuân Thủy rằng: “Tôi già rồi, trên 80 tuổi rồi, nên tai hơi khó nghe”. Ông Xuân Thủy trả lời: “Bây giờ tôi mới biết ông nghễnh ngãng. Thảo nào chỉ có một câu là 'Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc' thôi mà tôi nói suốt gần 6 tháng ông mới nghe ra”.

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: TTXVN)

Bàn vuông, bàn tròn

Từ tháng 1/1969, cuộc đàm phán bước sang giai đoạn mới – đó là giải quyết vấn đề quân sự và chính trị ở miền Nam Việt Nam. Hai bên đều cho rằng, để giải quyết vấn đề này phải có mặt các bên miền Nam Việt Nam. Vì thế, phía Việt Nam đề nghị có đại diện của Mặt trận, còn phía Mỹ đề nghị có Đại diện của Việt Nam Cộng hòa.

Hội nghị 2 bên đã trở thành hội nghị 4 bên nhưng phía Việt Nam DCCH thì không công nhận Việt Nam Cộng hòa, còn phía Mỹ thì không công nhận Mặt trận Giải phóng miền Nam. Từ đó nảy ra vấn đề hình thù cái bàn. Đây không phải câu chuyện hình học mà là vấn đề chính trị. Nhiều người không hiểu được điều đó nên đã gửi cho Đoàn Việt Nam hàng chục bức phác họa hình thù cái bàn đủ hình dạng như hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình oval, hình tròn… Chính phủ Pháp thì yêu cầu quyết định sớm để còn đóng bàn, nếu có quyết định rồi thì chỉ đóng trong một ngày là xong.

Ấy thế nhưng, cuộc tranh cãi về hình thù cái bàn kéo dài đến 2 tháng, từ 1/11/1968 đến 25/1/1969 mới họp được phiên đầu tiên của Hội nghị 4 bên là VNDCCH, Mỹ, Mặt trận và Việt Nam Cộng hòa. Cuối cùng chiếc bàn họp Hội nghị 4 bên có dạng hình tròn và ở hai đầu đường kính có bàn hình chữ nhật. Như vậy, ai muốn hiểu là Hội nghị 2 bên hay 4 bên cũng được.

“Bóng ma” thành “nữ hoàng”

Trước đây, Mỹ tuyên truyền rằng Mặt trận không có thật mà chỉ là bóng ma và chỉ có quân miền Bắc vào “xâm lược” miền Nam Việt Nam. Thế mà nay, Đoàn Mặt trận đã hiên ngang đến Paris trong sự đón tiếp nồng nhiệt của bạn bè Pháp và Việt kiều mang theo khẩu hiệu và cờ của Mặt trận.

Lúc đầu, Đoàn Mặt trận do ông Trần Bửu Kiếm làm Trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Bình là Phó đoàn. Sau ngày 6/6/1969, Chính phủ CMLT được thành lập thì bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao và làm Trưởng đoàn. Trên cương vị này, bà Nguyễn Thị Bình đầy duyên dáng, chững chạc và đàng hoàng đến Paris trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của kiều bào. Hóa ra Việt cộng không phải là “bóng ma” mà là người thật, đại diện cho nhân dân miền Nam Việt Nam anh dũng chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược. Trước vẻ đẹp đầy duyên dáng và lịch lãm của bà Nguyễn Thị Bình, truyền thông phương Tây gọi bà là “Nữ hoàng Việt cộng” (Queen of the Viet Cong).


* Nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Thành viên Đoàn VNDCCH tại Hội nghị Paris - Đại sứ Việt Nam tại Pháp

(Bài viết được đăng tải trong Đặc san "40 năm Hiệp định Paris" của Báo Thế giới & Việt Nam)