Thủ tướng Australia Tony Abbott. |
Gần một năm trước đây khi Australia tiếp nhận vai trò là nước chủ nhà của G20, tôi nói rằng thế giới này cần nói ít hơn và hành động nhiều hơn.
Việc các nhà lãnh đạo tới Brisbane vào cuối tuần này sẽ là dấu mốc đỉnh cao của một năm hành động. Hội nghị cấp cao Brisbane sẽ là cơ hội để chúng ta hoàn tất các cam kết thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, tạo công ăn việc làm và đem lại thịnh vượng cho hàng tỷ người.
Với sự ảnh hưởng đáng kể cả về chính trị và kinh tế, các quốc gia G20 của chúng ta có một vị thế lý tưởng để hành động. Hội nghị các nhà lãnh đạo này là một cơ hội kinh tế chỉ mở ra có một lần trong năm.
Ngay từ hồi đầu năm của nước chủ nhà của Australia, các quốc gia G20 đã đưa ra một mục tiêu tham vọng: gia tăng GDP chung ít nhất thêm 2% trong vòng 5 năm tới đây, thông qua kết hợp các hành động quốc gia và các cam kết toàn cầu chung. Sự gia tăng này sẽ bổ sung thêm hơn 2 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm mới trên thế giới. Chỉ riêng hành động đặt ra mục tiêu này – điều mà chưa có tiền lệ trong G20 – đã khích lệ mạnh mẽ các thành viên đưa ra hành động.
Trong vòng vài tháng, các quốc gia G20 đã đưa ra gần 1.000 biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp này bao gồm đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại, thay đổi chính sách cạnh tranh và các sáng kiến cải thiện tỉ lệ tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ và thanh niên. Trọng tâm tập thể đó đã có kết quả. Vào tháng 9 vừa qua, chỉ sau bảy tháng nỗ lực, IMF và OECD đã đánh giá rằng các chiến lược chúng ta đã xây dựng đóng góp đến 90% thành công cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng của chúng ta.
Từ đó, các thành viên G20 tiếp tục xác định các hành động mới và Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ xác nhận chúng ta đã làm được những gì để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2% này.
2% này là dấu hiệu cho một tương lai kinh tế tươi sáng cho tất cả người dân của chúng ta và thể hiện rằng một giá trị thực sự có thể đến từ một diễn đàn như G20. Việc thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu là trung tâm của các nỗ lực của G20 trong năm nay, vì một lý do đơn giản rằng sự tăng trưởng là chìa khóa để giải quyết cho hầu hết các vấn đề toàn cầu – các vấn đề mà nó sẽ tước bỏ cơ hội cho người dân, dập tắt tham vọng của khối tư nhân và hạn chế chất lượng sống.
Là các nhà lãnh đạo, chúng ta có trách nhiệm giải quyết những vấn đề đó. Đó là công việc của mỗi cá nhân và tập thể chúng ta.
Các quyết định mà các nhà lãnh đạo được yêu cầu đưa ra vào ngày 15 và 16/11 bao trùm nhiều chủ đề - công ăn việc làm, cơ sở hạ tầng, thuế, thương mại, cạnh tranh, tham nhũng, phát triển và cải cách hệ thống tài chính. Những chủ đề này đều liên quan đến nhau. Tất cả đều được đưa ra bàn thảo bởi chúng góp phần giải quyết một thách thức lớn: Làm thế nào chúng ta có thể phục hồi niềm tin vào kinh tế toàn cầu hiện nay và trong tương lai? Một niềm tin lớn hơn sẽ đem đến các quyết định đầu tư làm tăng trưởng kinh tế - điều sẽ đem lại công ăn việc làm, cơ hội và tiêu chuẩn sống cao hơn cho tất cả mọi người. Xây dựng niềm tin đòi hỏi nhiều hơn việc thay đổi một số thể chế chính sách về tài chính và tiền tệ. Nó đòi hỏi những cải cách mang tính cấu trúc để cải thiện tính hiệu quả của từng nền kinh tế, và qua đó, cải thiện kinh tế toàn cầu.
Trong suốt năm 2014, thông qua thuyết phục, tập thể các quốc gia G20 đã đạt được những gì mà nếu hành động đơn lẻ thì mỗi nước không thể đạt được. Đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu thông qua cải cách cơ cấu quốc gia mạnh mẽ - sự hợp tác ở mức độ này là chưa có tiền lệ.
Chúng ta cũng đã đạt được khá nhiều thành công trong một số lĩnh vực ưu tiên khác. Chúng ta đang tiến hành những bước đúng đắn để đạt được những kết quả đầu tiên trong cải cách thuế, chống lại sự suy giảm cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận, để đảm bảo rằng các công ty thực hiện đúng nghĩa vụ thuế tại các quốc gia nơi mà họ có lợi nhuận.
Chúng ta cũng đã đồng thuận trong một chính sách lớn, kéo dài nhiều năm đối với việc thúc đẩy đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng để tạo ra năng suất như: đường sá, cảng, đường sắt và trạm điện. Cho đến năm 2030, toàn cầu sẽ cần đầu tư thêm tới 70 nghìn tỷ USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ có các chính phủ không thôi thì sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu này.
Năm nay là một năm của hành động và nó vẫn chưa kết thúc. Tại Brisbane, các lãnh đạo có thể chứng minh cho thế giới thấy rằng một diễn đàn đã tích cực giải quyết vấn đề trong những ngày đen tối của khủng hoảng toàn cầu nay sẽ thể hiện tiếp sự tích cực đó; lần này là giúp định hình một tương lai kinh tế. Chúng ta có thể tiếp tục tiến hành những cải cách về quy định tài chính để đảm bảo rằng những tiền đề dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ không bao giờ tái diễn và chúng ta cũng được chuẩn bị tốt hơn để xử lý những khủng hoảng trong tương lai. Chúng ta có thể đảm bảo rằng những người nộp thuế sẽ không bao giờ còn phải chịu đựng những chi phí cứu trợ cho những tổ chức được coi là “quá lớn để đổ vỡ” và chúng ta có cơ hội để mang đến sự minh bạch hơn cho thế giới của những giao dịch ngân hàng tối tăm và cải cách hoạt động giao dịch phái sinh OTC. Chúng ta có thể tạo ra một mục tiêu toàn cầu để giảm khoảng cách giữa nam và nữ tham gia lực lượng lao động tại mỗi nước xuống 25% vào năm 2025. Quan trọng nhất, khi mà chúng ta gần với việc hoàn thành chương trình nghị sự hậu Khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng ta giờ đây có thể tập trung vào những gì mà nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi trong những năm tiếp theo.
Tôi mong chờ được chào đón các nhà lãnh đạo G20 đến Brisbane. Các cuộc thảo luận chắc chắn sẽ rất sôi nổi – vì chúng sẽ cần là như vậy - nhưng cũng sẽ dựa trên những gì mà chúng ta đã đạt được cho đến nay. Tôi tin rằng, cùng nhau, chúng ta sẽ có thể đưa ra những hành động mạnh mẽ đối với các vấn đề kinh tế mà cả thế giới đang quan tâm ngày nay.
Nguồn: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam