📞

 ‘Nóng’ chuyện sức khỏe lãnh đạo thế giới thời Covid-19

Minh Vương 19:45 | 22/04/2020
TGVN. Sức khỏe lãnh đạo quốc gia là mối quan tâm đặc biệt của người dân và giới truyền thông quốc tế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: KCNA/Reuters)

Từ Bình Nhưỡng…

Ngày 20/4, CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức trực tiếp chia sẻ và có quan hệ gần gũi với giới tình báo, cho rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phải theo dõi sức khỏe đặc biệt sau một ca phẫu thuật tim mạch. Thông tin này được đưa ra sau khi ông Kim vắng mặt trong lễ kỷ niệm sinh nhật ông nội Kim Nhật Thành ngày 15/4, làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông.

Đáng chú ý, trước đó 4 ngày, ông vẫn xuất hiện trong một cuộc họp của Chính phủ. Một quan chức Mỹ khác nói rằng lo ngại về sức khẻo của ông Kim là có thể tin được, song mức độ nghiệm trọng rất khó xác định.

Tờ Daily NK, có trụ sở tại Hàn Quốc chuyên về các vấn đề Triều Tiên dẫn nguồn tin giấu tên từ Triều Tiên cho biết ông Kim đã trải qua phẫu thuật tim mạch hôm 12/4, do biến chứng từ “thói quen hút thuốc, thừa cân và làm việc quá sức” và hiện đang nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang, thuộc huyện Hyangsan, bờ biển miền Đông.

Trong khi đó, trang Yonhap dẫn nguồn tin của các quan chức Chính phủ cho biết không có dấu hiệu bất thường liên quan tới sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết: “Không có dấu hiệu bất thường nào xuất hiện ở Triều Tiên. Chúng tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì liên quan tới sức khỏe của Chủ tịch Kim”.

Như vậy, xét đến thời điểm hiện tại, các tin đồn xung quanh sức khỏe của ông Kim không có nhiều cơ sở, Tuy nhiên, không vì thế mà vấn đề này giảm bớt sức nóng; bên cạnh diễn biến đại dịch Covid-19, hay giá dầu, từ khóa “Kim Jong-un” đã được rất nhiều người tìm kiếm.

Tới London

Câu chuyện về sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson thời gian qua cũng tiêu tốn giấy mực của giới truyền thông quốc tế. Khác với ông Kim Jong-un, vấn đề của ông Boris Johnson là dịch Covid-19.

Ngày 27/3, sau thời gian cách ly tại nhà, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo ông Johnson đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Ngày 5/4, khi các triệu chứng không thuyên giảm, ông đã được đưa vào bệnh viện St. Thomas ở London để kiểm tra. Ngày sau đó, tình trạng bệnh của ông chuyển nặng và được chuyển vào phòng Điều trị tích cực. Ngoại trưởng Dominic Raab được bổ nhiệm đảm trách công việc của Thủ tướng trong thời gian này.

May mắn thay, ngày 9/4, sức khỏe của ông đã chuyển biến tích cực và nhà lãnh đạo Anh đã rời bệnh viện ba ngày sau đó, nghỉ ngơi và bình phục tại Khu Nghỉ dưỡng riêng của Thủ tướng Anh tại Chequers tại Buckinghamshire.

Ngày 21/4, ông đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định rằng ông đã “cảm thấy tốt hơn nhiều và đang trong quá trình bình phục”, đồng thời sẽ tiếp tục liên lạc với Nữ hoàng Anh qua điện thoại.

Tuy nhiên, Người phát ngôn của ông khẳng định Thủ tướng sẽ không bắt tay vào giải quyết các công việc chính thức và Ngoại trưởng Dominic Raab sẽ tạm thời tiếp quản trách nhiệm trong giai đoạn này.

Trong thời gian ông Johnson mắc bệnh, người dân Anh nín thở chờ đợi diễn biến về bệnh tình của Thủ tướng. Các trang báo lớn của Anh và quốc tế như BBC, The Guardian, The Independent, CNN, New York Times hay Washington Post thường xuyên theo dõi sát diễn biến, cập nhật thông tin và bình luận xung quanh sức khỏe của ông Johnson.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu sau khi rời Bệnh viện St. Thomas ngày 12/4. (Nguồn: Reuters)

Biểu tượng và chính trị

Điều gì khiến diễn biến sức khỏe của ông Kim Jong-un và ông Johnson được người dân, truyền thông sở tại và quốc tế theo dõi sát sao đến như vậy? Có hai nguyên nhân chính sau.

Thứ nhất, cả hai đều là người đứng Chính phủ, với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đồng thời là nguyên thủ quốc gia, đóng vai trò biểu tượng quan trọng. Khi họ gặp vấn đề về sức khỏe hay tương tự, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh, tiếng nói của quốc gia, dân tộc đó. Bởi vậy, sức khỏe của họ luôn là tâm điểm của người dân, giới truyền thông sở tại nói chung và cộng đồng quốc tế nói riêng.

Thứ hai, họ đều là mắt xích quan trọng trong vận hành hệ thống chính trị quốc gia. Tại Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un nắm quyền lực tuyệt đối, với vai trò không thể thay thế trong điều hành đất nước. Quan trọng hơn, ông Kim là người đứng đầu quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và Triều Tiên đang đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ, do đó tình hình sức khỏe của ông Kim được phía Washington theo dõi sát sao.

Vai trò của ông Boris Johnson cũng quan trọng không kém, khi Thủ tướng Anh là “Tổng tư lệnh” trong chiến dịch kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Việc người đứng đầu gặp nguy hiểm trước dịch Covid-19 sẽ tạo hiệu ứng xấu lên công tác phòng chống dịch.

Thêm vào đó, ngày 22/4, số liệu từ Văn phòng Số liệu Quốc gia Anh (ONS) cho thấy số ca tử vong tại Anh đạt 13.121 người trong tháng Tư, cao hơn tới 40% so với công bố của Chính phủ là 9.288 người. Ngoại trưởng Dominic Raab chỉ đóng vai trò tạm quyền và ông Johnson cần sớm bình phục, lãnh đạo Chính phủ phòng chống dịch, khi tình hình Covid-19 tại đây tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa hạ nhiệt.

Chừng nào dịch Covid-19 toàn cầu chưa thực sự bị đánh bại, mối quan tâm về sức khỏe các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ tiếp tục “nóng” trong thời gian tới.