Cuộc đời ly kỳ của bà, sức hút cá tính độc đáo cũng như sự đảm lược hơn người của bà, khiến cho bất kể là ai, dù ganh ghét hay yêu thích, đều không thể không công nhân bà là người có khí chất đặc biệt được bồi đắp bởi một dân tộc đặc biệt.
Lựa chọn phi thường
Còn học tiểu học nhưng cô bé Meir đã phải trông coi cửa hàng tạp hoá của mẹ, nên thường xuyên đi học muộn, thường xuyên vừa khóc vừa chạy đến trường. Khi chị gái ốm, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai của Meir càng lớn hơn. Cô phải vừa học vừa làm thuê để kiếm tiền. Tốt nghiệp tiểu học, dù thành tích học tập rất tốt nhưng bố mẹ Meir cương quyết bắt cô đi làm và lấy chồng. Khi tranh cãi và nước mắt không thể thay đổi suy nghĩ của bố mẹ, Meir nhờ bạn bè thu xếp để đến Denver, Colorado, nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng một người chị họ để vào học trung học. Tuy vậy, chỉ một năm sau khi ra ở một mình, Meir nhận được thư của bố mẹ và lại trở về nơi ở cũ. Tốt nghiệp trung học, Meir theo học một trường sư phạm tư, vừa học tập vừa dạy thêm, sau đó chuyển đến Chicago làm nhân viên quản lý thư viện. Nhờ những hoạt động và tiếp xúc chính trị trong suốt quá trình từ trung học cho tới lúc này, bà đã trở thành một nhân vật trong hội đoàn chủ nghĩa phục quốc Do Thái ở Mỹ.
Có thể nói, phong trào chủ nghĩa phục quốc Do Thái Mỹ đã đặt cơ sở tư tưởng vững chắc cho Meir. Meir đã từng có sáu đêm liền diễn thuyết về chủ đề này từ khi ngồi trên ghế trường trung học. Gia đình Meir khi đó có những thay đổi lớn do bố mẹ cô đã cuốn sâu vào các hoạt động chính trị của người Do Thái tại thành phố. Moshe (ông bố) đã vào Hội cứu tế còn bà mẹ tham gia hoạt động từ thiện. Giai đoạn Chiến tranh thế giới lần thứ I, nhà Moshe trở thành cơ quan hoạt động chính trị của người Do Thái. Meir, nhờ vậy, đã quen biết và kết bạn với nhiều nhà hoạt động chính trị người Do Thái nổi tiếng nước Mỹ thời đó. Chính nhờ ảnh hưởng của những ngưòi bạn mới này, Meir ngày càng có nhiều hoạt động chính trị, đi đến nhiều nơi diễn thuyết quyên tiền, tham gia tổ chức diễu hành…
Golda Meir (3/5/1898-8/12/1978), tên khai sinh là Golda Mabovich, là một giáo viên, chính trị gia người Israel. sinh ra trong một gia đình người Do Thái tại Nga di dân sang Mỹ, Bà giữ chức Thủ tướng Israel năm 1969, sau khi giữ chức Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Ngoại giao. Bà là người phụ nữ đầu tiên của Israrel và người phụ nữ thứ ba trên thế giới giữ chức vụ này. Bà được miêu tả là "Người đàn bà thép" trên chính trường Israel từ lâu trước khi tên hiệu này được gán cho Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Năm 1974, sau cuộc chiến tranh Yom Kippur, Meir từ chức Thủ tướng. Bà mất năm 1978 vì bệnh bạch cầu. |
Morris là người Do Thái Mỹ từ Latvia di cư tới, xuất thân nghèo khổ là con mồ côi nhưng đã tự học thành tài, tri thức uyên bác, tính tình hoà nhã. Tại nhà người chị ở Denver, Meir và Morris quen biết và có tình cảm, sau đó, bất chấp sự phản đối của bố mẹ để đến với nhau. Dù yêu nhau nhưng tư tưởng hai người không hoàn toàn thống nhất. Morris từng gửi thư cho Meir: “Anh không biết đến với em, một người theo chủ nghĩa dân tộc vô cùng nhiệt thành, thì nên phấn khởi hay không. Anh vô cùng bị động trước sự việc đó mặc dù hoàn toàn tán thành mọi hoạt động của em và anh sẽ hết sức tham gia vào việc giúp đỡ những người dân tộc chịu nạn”. Do vậy, khi Meir bày tỏ muốn kết hôn và quyết tâm cùng anh tới Palestine thì Morris đã do dự. May mắn thay, không lâu sau, nước Anh đưa ra Tuyên bố Balfour: “đồng ý xây dựng một cộng đồng Do Thái tại Palestine” và Morris cũng hạ quyết tâm cùng Meir đến Palestine định cư.
Việc Meir sớm trở thành một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã khiến cả người chị gái của cô bị thuyết phục. Người chị, vốn lo lắng việc này sẽ ảnh hưởng đến gia đình và tình cảm vợ chồng của Meir, đã mang theo cả hai con, cùng với Meir và Morris đi theo con đường của chủ nghĩa dân tộc đến Palestine, rồi sau đó định cư ở Jerusalem. Còn với Meir: “Tôi chọn Palestine” khi đó là sự lựa chọn phi thường. Không có bước đi đó sẽ không có nữ ngoại trưởng và sau này là nữ Thủ tướng Israel đáng nể trong lịch sử.
Thành công với ngoại giao châu Phi
Sau khi nước Israel thành lập, Meir đã lần lượt giữ các chức vụ Công sứ tại Liên Xô, Bộ trưởng Lao Công, Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng thư ký Công đảng Israel, Thủ tướng lâm thời và Thủ tướng, đến 75 tuổi mới không tham gia chính trị nữa. Sự quyết đoán trong công việc và đời sống của Meir, thể hiện rõ lòng tin, sự theo đuổi, mong muốn, trí tuệ và hùng tâm của bà.
Meir đã trở thành nhà ngoại giao được chú ý, một trong số không nhiều nhà đàm phán tài giỏi của thế giới. Bà thẳng thắn đến thành thực, ngoan cường đến mức gần như cố chấp, mưu mô hơn người nhưng không xảo quyệt. Khi gặp vấn đề bà thường không thoái lui. Đối mặt với thất bại, bà không nản chí, đã từ chối thì không bao giờ hối hận, nhưng một khi nổi giận thì chẳng giữ lời. Bà khiến người ta khâm phục nhưng cũng cảm thấy đáng sợ.
Trong cuộc sống ngoại giao của Meir, lần đáng nhớ nhất là cuộc đàm phán phát sinh năm 1956 sau “chiến dịch Sinai”. Israel bị các nước chỉ trích. Meir xuất hiện tại Diễn đàn Liên hợp quốc với thái độ theo đuổi hoà bình, với đau khổ của nhiều thế hệ người Do Thái và khả năng buộc các nước Ả Rập phải ký hiệp định hoà bình với Israel. Bài nói của bà nhiệt huyết, cuốn hút người nghe nhưng không thể thay đổi lập trường của các nước. Trở về chỗ ngồi, chỉ có đại biểu Hà Lan vỗ tay. Bà đã từng chia sẻ cảm giác trống rỗng đáng sợ khi ấy. Israel bị cô lập. Tại các nước châu Phi, đi đến đâu Israel cũng “đụng đầu vào tường”. Quan hệ với Mỹ căng thẳng; với Liên Xô xấu đi. Thủ tướng Israel là người không được hoan nghênh.
Nhưng bà đã không khuất phục. Sau hội nghị, bà triển khai ngay chương trình đi thăm nhiều nước và cuối cùng đã tìm ra phương án. Meir đã nhìn thấy châu Phi và hành trình chinh phục các nước Phi châu bắt đầu. Với bà, những cuộc đàm phán trong chuyến đi này được cho là tâm đắc nhất.
Bà gặp Tổng thống Lybia, gặp Tổng thống Ghana, rồi tham dự Đại hội nhân dân Phi châu khoá I, hội kiến 60 nhân vật quan trọng khác. Với lời lẽ chân thật và thuyết phục, bà đã giành được sự tin cậy của họ. Một lần, khi đại biểu Algeria lạnh lùng đưa ra vấn đề mang tính khiêu khích: bà giải thích thế nào khi bà và kẻ thù số một của nhân dân Phi châu là nước Pháp có mối quan hệ chặt chẽ? Meir nhìn thẳng vào người đó và nói:
“Khi nhiều nước muốn huỷ diệt chúng tôi, nước duy nhất trên thế giới đồng ý bán vũ khí cho chúng tôi là Pháp. Các bạn thù hận Degaulle, tôi thì không. Dù các bạn thích hay không, và nếu Degaulle là ma quỷ, chúng tôi vẫn phải chơi. Ở vị trí chúng tôi, các bạn sẽ làm như thế nào?”
Câu nói thẳng và thành thực của Meir khiến không khí căng thẳng được hóa giải. Hẳn vì lời nói thực bao giờ cũng khiến người khác tin tưởng và nể phục.
Chính sách ngoại giao Phi châu của nguyên Thủ tướng Israel Meir được cho là rất thành công, dù chưa thể hoàn thành mục tiêu liên kết thành tập đoàn chính trị nhưng đã tăng cường sự giao thiệp, hợp tác và hiểu biết giữa Israel với các nước châu Phi. Đó là lý do vì sao trong nhiều phát biểu tại Liên hợp quốc, bà Meir nhiều lần đề cập tới châu Phi và dùng từ “chúng tôi” chứ không phải “họ”.
Nhờ lời nói và hành động của mình, bà Meir đã thu phục được nhân tâm. Năm 1964, khi tham gia lễ độc lập của Zambia, bà đã cùng các vị khách nước này đến tham quan một thác nước. Do phải qua biên giới Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe), cảnh sát chỉ cho phép người da trắng đi vào, bà Meir giận dữ nói: “Nếu vậy, tôi cũng không vào Nam Rhodesia nữa”. Cuối cùng, cả đoàn không đi xem được thác nước nhưng Meir lại có rất nhiều bạn bè da màu. Khi xe trở về tới thủ đô Zambia, Tổng thống nước này đã đích thân ra đón và hoan nghênh tinh thần đấu tranh với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của bà.
Lần khác, khi bà Meir đang ngồi dưới gốc cây chải đầu, bỗng có hơn chục cô bé châu Phi từ đâu chạy tới. Ngạc nhiên trước mái tóc dài của bà, một cô bé tiến đến gần đưa tay ra sờ vào mái tóc. Bà tươi cười chủ động nhờ cô bé chải tóc cho mình. Và các cô bé đã ngồi chải tóc cho bà đến hơn nửa giờ khiến nhiều người khác cũng tới xem. Người ta tự hỏi đó là thiên tính của phụ nữ hay là mánh khoé ngoại giao của một chính khách như bà?
(Còn tiếp)
Dương Danh Dy