Nhỏ Bình thường Lớn

Phần Lan - “người ốm yếu” mới của châu Âu

Phần Lan là một trong những nước châu Âu chỉ trích Hi Lạp mạnh mẽ nhất khi xứ sở của các vị thần lâm vào khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, hiện quốc gia Bắc Âu này đang chật vật đưa nền kinh tế vượt qua suy thoái trong 3 năm liên tiếp, điều khiến Bộ trưởng kinh tế Phần Lan tự nhận nước này là “người ốm yếu” mới của châu Âu.
Người dân Phần Lan biểu tình phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu của Chính phủ. (Nguồn: Today Online)

Những nỗ lực của tân Thủ tướng Juha Sipila để cắt giảm tiền lương, cũng như các ngày lễ đã dẫn đến các cuộc đình công và biểu tình lớn. Trong khi đó, một cuộc cải cách hệ thống chăm sóc y tế lớn cũng gây ra nhiều tranh cãi khiến chính phủ liên minh của ông Sipila bị đẩy đến bờ vực sụp đổ cách đây hai tuần. Thậm chí, trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội, Thủ tướng Sipila đã nêu ý kiến về việc Phần Lan nên rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cho phép phá giá đồng tiền của nước này để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong bối cảnh các quốc gia sử dụng tiền Euro đang khó khăn cắt giảm chi tiêu, Thủ tướng Sipila đang “đi trên dây” khi phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ để tăng khả năng cạnh tranh và khuyến khích tăng trưởng, xoa dịu các hiệp đoàn lao động để tránh đình các cuộc đình công lớn hơn và thực hiện kế hoạch điều chỉnh lương. Đây là một vấn đề không dễ có giải pháp vì mức lương tại Phần Lan rất cao. Hiện mức lương trung bình ở Phần Lan là 37.000 Euro/năm, trong khi mức trung bình của các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 33.000 Euro/năm. Mức lương nước này tăng 20% từ năm 2008, trong khi ở các quốc gia châu Âu khác đều giảm.

Thất nghiệp và nợ công tại Phần Lan đang tăng cao do ảnh hưởng của tiền lương cao, sự suy giảm kinh doanh của công ty điện thoại nổi tiếng Nokia và suy thoái kinh tế ở Nga, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Phần Lan.

Trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng, các nhà kinh tế cho rằng, Phần Lan đang trải qua suy thoái kinh tế dài nhất kể từ Thế chiến II và triển vọng kinh tế ảm đạm. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), dự kiến vào năm 2020, Phần Lan có 35,8 người từ 65 tuổi trở lên/100 người trong độ tuổi lao động, trong khi tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đến mức 10%.

Thảo Vy (theo NBC News)