Giám đốc Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại Nhà Trắng. |
Mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang có nguy cơ bùng phát thành xung đột sau khi Israel biết tin chính quyền của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cung cấp cho Iran tài liệu chi tiết về danh tính của toàn bộ nhóm điệp viên nằm vùng của Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) ở Iran.
Hành động bất ngờ
Theo tiết lộ trên tờ Washington Post, chính quyền của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi đầu năm 2012 đã gỡ bỏ vỏ bọc của ít nhất 10 điệp viên Israel tại Iran, những người thường đến Thổ Nhĩ Kỳ để gặp gỡ các điệp viên Mossad hoạt động nằm vùng ở Iran. Chưa hết, tờ Washington Post thậm chí còn đưa thông tin rằng, Giám đốc Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan là người thường xuyên cung cấp thông tin nhạy cảm của Israel cho Iran.
Nhớ lại thời điểm đó, Đài truyền hình nhà nước Iran IRIB sau đó đưa tin, nước này đã triệt phá "mạng lưới khủng bố" - tóm gọn một ổ gián điệp Israel và bắt giữ 15 nghi phạm - được cơ quan tình báo Mossad của Israel hậu thuẫn, vốn đang lên kế hoạch phá hoại cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Iran. IRIB dẫn tuyên bố của Bộ Tình báo và An ninh Iran cho hay: "Bộ Tình báo và An ninh Iran đã xác minh và bắt giữ các thành viên của mạng lưới khủng bố này, đồng thời tịch thu vũ khí của chúng". Tuy nhiên, Iran không công bố quốc tịch hay danh tính những người này mà chỉ tiết lộ thủ lĩnh của nhóm đến từ "một nước Ả-rập trong khu vực".
Tất nhiên, dư luận sẽ có nhiều thắc mắc. Chẳng hạn, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại biết chuyện này mà tiết lộ? Theo bài báo, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiết lộ vì Israel từng điều hành mạng lưới gián điệp người Iran và cho phép cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ giám sát hoạt động của nhóm này. Bài báo này còn dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng, Israel tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phản bội họ sau nhiều năm thân thiết...
Trong bài báo, tác giả David Ignatius viết rằng, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Israel tiếp tục xấu đi sau vụ Israel tấn công tàu cứu trợ Mavi Marmara hồi tháng 5/2010 khi đang trên đường tới Dải Gaza, làm 9 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Trước đây, quan hệ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Israel được thiết lập vào tháng 3/1949 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia đông người Hồi giáo đầu tiên công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel. Từ đó, Tel Aviv trở thành nơi cung cấp vũ khí chính cho Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ quân sự và ngoại giao luôn được chính phủ hai nước này ưu tiên. Thậm chí, hai bên còn thường xuyên chia sẻ, trao đổi các mối quan tâm tới tình trạng bất ổn trong khu vực Trung Đông… Nhưng những ngày tháng êm đẹp của mối quan hệ song phương này bắt đầu xấu đi và ngày càng trở nên căng thẳng sau cuộc chiến giữa Israel với phái Hamas (2008-2009).
Thêm vào đó, tác giả còn cho biết, năm 2010 các sỹ quan tình báo Israel từng phàn nàn với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) rằng, Giám đốc Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan thực chất là người đứng đầu MOIS (Bộ Tình báo và An ninh Iran) tại Ankara...
Phản ứng trước bài viết của tờ Washington Post, các quan chức Ankara chỉ trích mục đích bài báo là nhằm bôi nhọ uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ do một số thế lực không hài lòng vì sự gia tăng ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông. Reuters dẫn lời một quan chức của đảng cầm quyền AK tại Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng: "Thổ nhĩ Kỳ là một cường quốc trong khu vực, nên có một số người khác không hài lòng vì điều này. Những bài báo như vậy là một phần trong chiến dịch có tính toán. Mục tiêu rõ ràng của âm mưu này là nhằm phá vỡ bầu không khí chính trị ôn hòa từ sau khi ông Rouhani đắc cử Tổng thống Iran và nhằm trung hòa vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, dù chúng ta đã góp phần giải quyết những bất ổn trong khu vực và có quan hệ với Iran". Tuy nhiên, sự nổi tiếng của tác giả bài báo David Ignatius, một cây bút kỳ cựu và nghiêm túc của Washington Post về Trung Đông đã trở thành lời bảo đảm cho những thông tin mà ông tiết lộ bất chấp sự phủ nhận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay, vẫn chưa có phản ứng chính thức từ chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhưng tờ Jerusalem Post khẳng định, nếu nội dung bài báo của Washington Post được chứng thực thì "đây là sự phản bội chưa từng có của Thổ Nhĩ Kỳ với Israel". Sau sự việc lần này, mối quan hệ băng giá suốt 3 năm qua giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ càng khó êm ấm trở lại.
Rò rỉ câu chuyện do... Mỹ
Đúng là hồi tháng 4/2012, Iran từng tuyên bố "tóm gọn một ổ gián điệp và bắt giữ 15 nghi phạm", tuy nhiên nước này không hề công khai nguồn tin.
Được tiết lộ chỉ một ngày sau khi diễn ra hội nghị tại Geneva giữa nhóm P5+1 và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran, với việc các cường quốc phương Tây hoan nghênh hội nghị này là "thực chất và có triển vọng", thông tin về vụ bán đứng tình báo Israel gửi đi nhiều thông điệp từ Mỹ. Mạng tin Debkafile của Israel dẫn các nguồn tin tình báo đã chỉ ra 5 điểm đáng chú ý:
Một là, tiết lộ của Mỹ chứng tỏ Mỹ chưa từng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ về những thỏa hiệp có tính toán của nước này đối với mạng lưới tình báo Israel, vì Tổng thống Barack Obama muốn giữ tình cảm với Thủ tướng Erdogan như một đồng minh Hồi giáo chủ chốt.
Hai là, Mỹ không chắc chắn về động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một giả thuyết, ông Erdogan đang trả thù vụ đột kích của các binh sỹ Israel lên tàu Mavis Marmama của Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2010 khi con tàu này đang trên đường tới Gaza cùng các nhà hoạt động ủng hộ Palestine làm 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Ba là, lời xin lỗi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với Thổ Nhĩ Kỳ về sự kiện tàu Marmama hồi tháng 3 vừa qua là do Tổng thống Obama thúc ép và cũng không làm giảm mối quan hệ căng thẳng với Ankara.
Bốn là, giới chức Mỹ tiếp tục làm việc với ông Hakan Fidan trong những vấn đề nhạy cảm, bất chấp sự phối hợp đáng ngờ giữa ông Fidan với Tehran. Tờ Washington Post giải thích: "Thói quen tách các vấn đề tình báo khỏi việc đưa ra quyết sách lớn hơn được cho là một hướng đi lâu nay của Mỹ".
Năm là, trước những thay đổi khó lường ở Trung Đông, những nước như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ả-rập Xê-út và Ai Cập đang tìm kiếm những liên minh trong một Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng.
Tóm lại, vụ việc trên được xem là lời cảnh báo của Mỹ đối với đồng minh Israel của mình. Theo bài báo, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải hạ bớt "giọng điệu đơn độc" khi kiên quyết nghi ngờ khả năng Iran từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, tờ báo Washington Post cho rằng ông Netanyahu phải tỉnh táo và thích nghi với một Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng, trong đó có việc Mỹ và Iran đang bắt đầu quá trình hòa giải. Nếu ông Netanyahu nhất quyết có thái độ thách thức, tình báo Israel có thể phải đối mặt với nhiều thất bại hơn. Thông điệp tương tự cũng được gửi đến Ả-rập Xê-út và Ai Cập - hai nước thách thức mạnh mẽ đường lối của Tổng thống Obama đối với khu vực này.
Tờ Washington Post của Mỹ ngày 17/10 tiết lộ rằng chính phủ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã "bán đứng" một nhóm gián điệp Israel cho Iran. Theo mạng tin tức Debkafile của Israel, động thái này nhằm cảnh báo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Nếu ông Netanyahu nhất quyết có thái độ thách thức, tình báo Israel có thể phải đối mặt với nhiều thất bại hơn nữa. |
Viên Hòa