Ngày 10/4/1971, đội tuyển bóng bàn Mỹ đã có chuyến thăm dài ngày tới Trung Quốc, trở thành nhóm người Mỹ đầu tiên tới quốc gia Đông Bắc Á này trong hơn 20 năm. Chuyến đi của họ đã mở đường cho một cuộc đối thoại mới giữa hai nước, dẫn đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1972.
Bài viết mới đây trên trang history.com nhìn lại vai trò của ngoại giao bóng bàn trong giai đoạn lịch sử này.
Cơ hội chính trị từ... bóng bàn
Nhiều năm liền sau thành công của cuộc cách mạng Trung Quốc do Đảng Cộng sản tiến hành dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông vào năm 1949, quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã bị phủ bóng đen bởi những khác biệt về ý thức hệ trong Chiến tranh Lạnh, cấm vận thương mại và sự im lặng ngoại giao.
Bước sang những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, cục diện quốc tế có nhiều thay đổi. Tam giác quan hệ Mỹ - Xô - Trung dần hình thành. Mỹ muốn tận dụng vai trò của Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô, trong khi Trung Quốc tìm cách “đi” với Mỹ để khẳng định vai trò trên trường quốc tế, làm đối trọng với quan hệ Xô - Trung. Từ năm 1971, cả hai quốc gia bắt đầu tìm cách đối thoại. Liên minh Trung - Xô hình thành và phát triển trong suốt những năm 1950 và 1960 xuất hiện rạn nứt, căng thẳng và dẫn đến một loạt các vụ đụng độ biên giới đẫm máu. Mao Chủ tịch tin rằng mối quan hệ với người Mỹ là một sự răn đe đối với người Nga. Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, trong khi đó, đã thực hiện chính sách kết giao với Trung Quốc như là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền. Ngay từ năm 1967, ông đã hình thành ý tưởng trên khi viết: "Đơn giản là chúng tôi không đủ khả năng để cô lập Trung Quốc mãi mãi bên ngoài cộng đồng các quốc gia”.
Tổng thống Nixon gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông. (Ảnh: Public Domain) |
Hai nước đã mở kênh thông tin liên lạc bí mật. Nhưng đột phá chỉ thực sự bắt đầu sau một cuộc gặp gỡ giữa những vận động viên bóng bàn. Trong giải đấu bóng bàn thế giới năm 1971 tại Nagoya, Nhật Bản, tay vợt Mỹ Glenn Cowan 19 tuổi đã lên chiếc xe buýt chở đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Hầu hết người Trung Quốc đã nhìn người Mỹ này với sự nghi ngờ, nhưng tuyển thủ số một của đội Trung Quốc Zhuang đã tiến đến bắt tay Cowan và nói chuyện với anh ta qua một thông dịch viên. Thậm chí Zhuang còn tặng Cowan bức tranh lụa vẽ núi Hoàng Sơn của Trung Quốc.
Một ngày sau Cowan đã đáp lại cử chỉ trên bằng cách tặng Zhuang chiếc áo T-shirt có in biểu tượng hòa bình và lời bài hát nổi tiếng của ban nhạc The Beatles "Let It Be". Các nhiếp ảnh gia chụp được các khoảnh khắc này và thiện ý bất ngờ giữa hai đội đã nhanh chóng trở thành chủ đề của giải đấu.
Ban đầu, Zhuang và các đồng đội đến giải vô địch bóng bàn năm 1971 với tinh thần “quán triệt” là phải tránh tiếp xúc với người Mỹ. Nhưng sau khi biết được sự kiện trên, với nhãn quan chính trị nhạy bén của mình, Mao Chủ tịch nhận thấy đây là một cơ hội chính trị. "Zhuang không chỉ là một cầu thủ bóng bàn tốt", ông nhận định, "mà còn là một nhà ngoại giao giỏi".
Vài ngày sau, khi đội tuyển Mỹ chuẩn bị rời Nagoya, Mao Chủ tịch đã bất ngờ mời đoàn thăm Trung Quốc. Đội tuyển Mỹ đã nhận lời sau khi xin ý kiến Đại sứ quán Mỹ. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Nixon đã viết "Tôi cũng ngạc nhiên nhưng tôi hài lòng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sáng kiến Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực trong hình thức của một đội bóng bàn".
Chuyến thăm lịch sử bắt đầu vào ngày 10/4/1971, khi 15 tay vợt Mỹ, các quan chức đội bóng và người thân vượt qua một cây cầu từ Hongkong vào Trung Quốc. Khi đến dự giải bóng bàn, họ không nghĩ chỉ một vài ngày sau đó, họ đã vô tình trở thành các nhà ngoại giao Mỹ quan trọng nhất trên hành tinh.
Đoàn bóng bàn Mỹ tham quan Vạn Lý Trường Thành, tháng 4/1971. (Ảnh AFP) |
Đoàn Mỹ đã dành 10 ngày đi tham quan nhiều thắng cảnh du lịch của Trung Quốc như Quảng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải… "Tất cả mọi thứ khác với những gì tôi từng thấy", cầu thủ Tim Boggan sau đó nói với tờ New York Times. Họ đã được đối xử như những quan chức cao cấp, được chăm sóc và thết đãi chu đáo. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về Chiến tranh Lạnh vẫn luôn hiện hữu khi các bức tượng, tranh cổ động, áp phích, loa phóng thanh ầm ĩ, quân nhạc dường như ở khắp mọi nơi. Trong một điểm dừng chân, đội trưởng Graham Steenhoven nhận thấy rằng một áp phích "chào mừng đội bóng Mỹ” được treo trên một bức tường sơn dòng chữ "Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn tay sai!"
Hiệu ứng ngoại giao
Cùng với chuyến thăm Vạn Lý Trường Thành, nghỉ tại Sơn trang nghỉ mát Thừa Đức và xem một vở opera cách mạng, các tay vợt Mỹ cũng tham gia các trận đấu bóng bàn được tổ chức với khẩu hiệu "Tình bạn là trên hết, thi đấu là thứ yếu”. "Tôi biết tôi không chỉ chơi bóng ở đây," Zheng Minzhi, một tay vợt Trung Quốc trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, "mà quan trọng hơn, để đạt được những gì không thể đạt được thông qua các kênh ngoại giao thông thường".
Có nhiều yếu tố thúc đẩy Trung Quốc xem xét lại mối quan hệ với Mỹ. Giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ sẽ giúp cho Trung Quốc tạo nên một thế đối trọng trong mối quan hệ với Nga. Đảng Cộng sản cũng lên tiếng cáo buộc rằng Liên Xô đang dần xa rời tư tưởng Mác xít. Ngoài ra, lợi ích thương mại với Mỹ cũng là một nhân tố thúc đẩy Trung Quốc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. (history.com) |
Hoạt động nổi bật trong chuyến đi là hai đội đã được tiếp kiến Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Đại lễ đường Bắc Kinh. Ông Chu đã chúc mừng các tay vợt đã mở "một chương mới trong quan hệ hai nước".
Ngày 17/4, đội tuyển bóng bàn Mỹ rời Trung Quốc. Đến lúc đó, "bóng bàn vòng quanh thế giới", như tạp chí Time miêu tả, đã mang lại thành quả ngoại giao. Vào ngày 14, cùng ngày mà các tay vợt Mỹ tiếp kiến Thủ tướng Chu Ân Lai, Tổng thống Nixon đã tuyên bố Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm đi lại và cấm vận thương mại đối với Trung Quốc. Chính phủ hai nước sẽ sớm nối lại thông tin liên lạc. Tháng 7 cùng năm đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger đã bí mật tới thăm Bắc Kinh.
Các hiệu ứng gợi về những gì được biết đến như là "ngoại giao bóng bàn" tiếp tục diễn ra năm sau đó. Để đáp lại các chuyến đi của phía Mỹ, Trung Quốc đã cử đội tuyển bóng bàn thực hiện một tour du lịch tới tám thành phố của Mỹ. Các hoạt động đó đã mở ra chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon tháng 2/1972 đến Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Mỹ tới Trung Quốc đại lục. Là một phần trong tám ngày mà Nixon gọi là "tuần lễ thay đổi thế giới", Tổng thống Nixon đã gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Mao Trạch Đông, bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Viết về các sự kiện này, Nixon lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc "đã hứng thú đặc biệt khi nói với tôi rằng cuộc trao đổi của các đội bóng bàn đã bắt đầu bước đột phá trong quan hệ của chúng tôi". “Những quả bóng nhỏ", Nixon nói, "đã xoay chuyển quả bóng lớn".