📞

Quá trình ‘Đông tiến’ của NATO

Đức Trí 05:58 | 15/04/2023
Chưa đầy một năm sau khi cùng Thụy Điển nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, ngày 4/4, Phần Lan chính thức là thành viên 31 của NATO, một mốc mới trong quá trình liên tục mở rộng của liên minh quân sự này.
Biên giới giữa NATO và Nga dài gấp đôi sau khi Phần Lan gia nhập NATO (Nguồn: Business Insider)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời ngày 4/4/1949 với 12 thành viên sáng lập, bao gồm Mỹ, Canada và 10 nước châu Âu là Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hà Lan, Iceland, Luxembourg, Na Uy và Italy. Mục đích của NATO khi ra đời là nhằm ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của Liên Xô.

Sau khi khối Warsaw thành lập năm 1955, sự kình địch và chạy đua vũ trang giữa hai khối quân sự đối địch này là một trong các nguyên nhân chính đẩy Chiến tranh Lạnh lên một nấc thang mới. Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, khối Warsaw tan rã, NATO không còn đối trọng nhưng không giải tán mà tiếp tục mở rộng và tham gia vào các cuộc chiến tranh, chẳng hạn tại Nam Tư…

Sau sự kiện 11/9/2001, NATO chuyển hướng tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, điển hình là các chiến dịch can thiệp quân sự tại Afghanistan, Iraq và Libya.

Quá trình mở rộng

“Chính sách mở cửa” của NATO quy định, bất kỳ quốc gia châu Âu nào có khả năng thúc đẩy các nguyên tắc của Hiệp ước và đóng góp vào an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương đều có thể gia nhập.

Từ khi ra đời, NATO đã có chín lần mở rộng vào các năm 1952, 1955, 1982, 1999, 2004, 2009, 2017, 2020 và 2023. Trong Chiến tranh Lạnh, NATO có thêm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ (1952), Tây Đức (1955) và Tây Ban Nha (1982).

Sau Chiến tranh Lạnh, Czech, Hungary và Ba Lan gia nhập NATO năm 1999. Năm 2004, NATO có thêm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia và Slovenia. Tháng 4/2009, NATO kết nạp Albania và Croatia. Montenegro gia nhập NATO tháng 6/2017, Cộng hòa Bắc Macedonia tháng 3/2020 và mới nhất là Phần Lan (4/4/2023).

Ngoài 31 thành viên chính thức, 22 quốc gia khác tham gia NATO với tư cách đối tác quan hệ trong chương trình Hòa bình và 15 quốc gia khác tham gia vào các chương trình đối thoại thể chế hóa.

Hiện Gruzia, Ukraine, Bosnia-Herzegovina và Thụy Điển đang tiếp tục quá trình gia nhập NATO. Thụy Điển đệ đơn cùng Phần Lan nhưng chưa được Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chấp thuận. Ankara cho rằng, Stockholm hành động chưa đủ mạnh đối với nhóm người Kurd bị coi là khủng bố còn Hungary lại sử dụng quyền phủ quyết để yêu cầu EU nhượng bộ về vấn đề khác. Ukraine chính thức nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 9/2022 nhưng từ năm 2008, các thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ từng tuyên bố có thể kết nạp Ukraine “vào một thời điểm nào đó”. Tuy nhiên, quá trình gia nhập NATO của Kiev không tiến triển do các nước như Pháp và Đức cho rằng động thái này sẽ khiêu khích Nga.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO tiến hành ba đợt “Đông tiến”. Ngay trong lần mở rộng đầu tiên, biên giới NATO đã được mở về phía Đông thêm 900 km, quân số tăng thêm 13 sư đoàn, tiếp nhận toàn bộ vũ khí-khí tài của các thành viên mới và Đông Đức. Điều này khiến cho cán cân Nga-NATO mất cân bằng nghiêm trọng.

Một cột cờ bên ngoài trụ sở NATO ở Brussels chưa được kéo cờ lên để chờ lễ gia nhập chính thức của Phần Lan. (Nguồn: The Hill)

Thành viên mới, nỗi lo cũ

Việc Phần Lan chính thức gia nhập NATO cho thấy chủ trương “Phần Lan hóa” mà Helsinki theo đuổi nhiều thập kỷ đã kết thúc. Sau Thế chiến II, Helsinki tuyên bố sẽ không gia nhập NATO để tránh bị Liên Xô tấn công. Thế nhưng, sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra đầu năm 2022, Helsinki đã thay đổi quan điểm và đẩy nhanh quá trình gia nhập và mục tiêu này có được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận trong nước.

Phát biểu tại lễ kết nạp ngày 4/4, Tổng thống Phần Lan hân hoan tuyên bố: “Hôm nay, Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO, chấm dứt kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử Phần Lan và một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Mỗi quốc gia phải đảm bảo tối đa an ninh của mình và Phần Lan cũng vậy. Việc trở thành thành viên NATO củng cố vị thế quốc tế của Phần Lan và tạo cơ hội cho các hành động. Là một đối tác, từ lâu Phần Lan tích cực tham gia các hoạt động của NATO. Trong tương lai, Phần Lan sẽ đóng góp vào khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO”.

NATO cho rằng khi có thêm Phần Lan, việc “phòng thủ tập thể chống Nga của khối sẽ dễ dàng hơn nhờ tiếp cận được lãnh thổ Phần Lan và khả năng hỗ trợ quân sự của Helsinki”. Từ nhiều năm qua, mối lo chính của NATO tại khu vực này là hành lang Suwalki, một dải đất dài 65 km, nối Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm lọt thỏm giữa các nước Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania với Belarus. Nếu Moscow kiểm soát được hành lang Suwalki thì sẽ cắt đứt được sự kết nối giữa ba nước này với Ba Lan và các nước thành viên NATO khác. Thế nhưng, việc có thêm Phần Lan cũng đặt ra những thách thức lớn về phòng thủ cho NATO bởi trước đây, trong NATO chỉ có Estonia, Latvia, Lithuania, Na Uy và Ba Lan có biên giới trực tiếp với Nga dài khoảng 1.300 km. Giờ đây, cộng thêm đường biên giới dài 1.340 km của Phần Lan với Nga kéo dài từ biển Barents ở phía Bắc đến Vịnh Phần Lan ở phía Nam, biên giới giữa NATO với Nga sẽ tăng lên gấp đôi.

Theo Firepower Index, hiện sức mạnh của quân đội Phần Lan được xếp hạng thứ 51 trên thế giới. Ngân sách chi cho quốc phòng hàng năm khoảng 6 tỷ USD, với lực lượng vũ trang thường trực khoảng 23.000 người và 900.000 quân dự bị được huấn luyện thường xuyên. Trong trường hợp cần thiết, Phần Lan có thể mở rộng lực lượng quân đội lên khoảng 280.000 quân.

Quân đội Phần Lan được đánh gia là có kinh nghiệm chiến đấu vì đã từng phục vụ trong liên minh phương Tây ở Afghanistan. Phần Lan có 239 xe tăng chiến đấu, trong đó 179 chiếc luôn sẵn sàng tác chiến. Trong số này có 100 chiếc Leopard 2A4 và Leopard 2A6 do Đức sản xuất. Trong số hàng nghìn xe bọc thép của Phần Lan, có hơn 100 xe chiến đấu bộ binh (IVF) CV-90, được coi là một trong những IFV mạnh nhất trên thế giới do Thụy Điển sản xuất. Phần Lan có hơn 100 khẩu pháo tự hành, trong số đó có 39 khẩu K9 Thunders do Hàn Quốc sản xuất, đây là một trong những loại pháo được quan tâm nhất trên thị trường.

Phần Lan cũng có 29 hệ thống tên lửa phóng loạt M270 dạng pháo kéo, cùng với hệ thống HIMARS có bánh xe và cơ động hơn. Quân đội Phần Lan có đội máy bay gồm 55 chiếc F/A-18 Hornet do Mỹ sản xuất, được trang bị vũ khí tiên tiến của Mỹ như tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder và tên lửa hành trình không đối đất AGM-158 JASSM. Những chiếc F/A-18 của Phần Lan sẽ bắt đầu được thay thế bằng 64 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ từ năm 2026, dự kiến hoàn tất vào năm 2030.

Phần Lan có lực lượng hải quân lớn thứ 12 trên thế giới với các căn cứ trải dài theo bờ biển dài 4.441 km trên Biển Baltic. Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cho rằng, khi Phần Lan trở thành thành viên NATO, Biển Baltic sẽ được coi là “vùng biển của NATO”.

Phản ứng của bên liên quan

Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định, việc kết nạp Phần Lan có lợi cho an ninh của NATO bởi nước này có lực lượng quân đội đông đảo và được trang bị hiện đại. Tổng thống Mỹ Biden hoan nghênh Phần Lan chính thức gia nhập NATO, đánh giá việc này đã giúp NATO trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Helsinki đã “có bước tiến thực chất” trong đối phó với các nhóm mà Ankara coi là “khủng bố” và thay đổi xuất khẩu quốc phòng.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố: “Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng và đây cũng là sự xâm phạm lợi ích của Nga, buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh, cả về mặt chiến thuật và chiến lược”. Ông giải thích, việc gia nhập NATO của Phần Lan khác với Ukraine, tuy nhiên, “không thể không ảnh hưởng đến bản chất của quan hệ song phương. NATO vẫn là một cấu trúc không thân thiện và thù địch với Liên bang Nga”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố tái lập quân khu Moscow và Leningrad. Ông cũng chỉ thị thành lập một quân đoàn mới ở Cộng hòa Karelia như một phần của Lực lượng mặt đất và hai sư đoàn tấn công trên không của Lực lượng dù. Sân bay Levashovo gần St. Petersburg sau khi tái thiết, sẽ trở thành căn cứ cho Hàng không Hải quân của Hạm đội Hải quân Nga. Từ Levashovo, máy bay của Hải quân Nga có thể kiểm soát toàn bộ vùng Baltic, và nếu cần, sẽ được chuyển đến Bán đảo Kola.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình thế giới (SIPRI), Nga có thể đáp trả việc NATO mở rộng bằng cái giá của Phần Lan theo cách bất đối xứng-triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới của mình. Đó là các tên lửa Iskander. Trong trường hợp NATO gây hấn với Nga, Helsinki và các cảng lớn của Phần Lan sẽ trở thành mục tiêu tiềm năng cho các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đây không phải là sự lựa chọn của Moscow mà chỉ là giải pháp bắt buộc.

(tổng hợp)