📞

Quan hệ Mỹ - Trung - Nga thời hậu Obama

06:00 | 04/11/2016
Cuộc chạy đua vào Nhà trắng tại Mỹ đang chuẩn bị tới hồi kết. Một trong những quan tâm hiện nay là chính sách của Mỹ với Trung Quốc và Nga sẽ có điều chỉnh gì trong thời gian tới.

Dưới đây là bài bình luận của nhà nghiên cứu Lưu Doanh thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc nhằm dự báo về chính sách đối với Trung Quốc và Nga của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ. Báo TG&VN xin được lược dịch.

Khác biệt trong chính sách với Trung Quốc và Nga

Với mối quan hệ với Trung Quốc, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có chung một số nhận thức cơ bản. Thứ nhất, Trung Quốc và Mỹ là hai siêu cường lớn tại hai khu vực khác nhau, có mức độ tùy thuộc kinh tế khá lớn với nhau. Thứ hai, Trung Quốc là một trong số không nhiều nước có ảnh hưởng đối với nhiều vấn đề quốc tế gai góc, bao gồm cả vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù hai đảng này thường xuyên bất đồng về chính sách thương mại và ngoại giao với Trung Quốc, nhưng chính quyền Mỹ chưa từng đối đầu thực chất với Trung Quốc do lo ngại điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Bất kể bà Clinton hay ông Trump thắng cử, quan hệ Mỹ - Trung - Nga đều sẽ chuyển sang một chương mới. (Nguồn: FT)

Về mặt cá nhân, bà Clinton có quan điểm thận trọng hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Bà Clinton từng công khai tuyên bố, “rất khó phân định rạch ròi Trung Quốc là bạn hay là thù” và “Mỹ không muốn kiềm chế Trung Quốc”, song không mấy lạc quan về triển vọng quan hệ hai nước. Trong cuốn “Lựa chọn khó khăn” (Hard Choices), bà Clinton từng viết “xử lý mối quan hệ Mỹ - Trung cần dùng giải pháp thời gian, tuy quan hệ Mỹ - Trung đầy thách thức nhưng hai nước có thể xây dựng mối quan hệ chính diện, hợp tác, toàn diện”.

Trong khi đó, tỷ phú Trump luôn có phát biểu thẳng thừng, cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề kinh tế. Ông Trump từng nhiều lần công khai chỉ trích Trung Quốc “phá hoại công ăn việc làm của người Mỹ”. Đáng chú ý, nhằm ngăn chặn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Trump từng đưa ra đề xuất Mỹ cần tăng cường triển khai quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu khác biệt giữa bà Clinton và ông Trump về Trung Quốc chỉ là cứng và mềm trong cách thức xử lý, thì trong quan hệ với Nga, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ có quan điểm gần như đối lập. Trong khi cựu Ngoại trưởng Mỹ từng nhiều lần bày tỏ không mấy thiện cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và có thái độ bi quan về triển vọng quan hệ Mỹ - Nga thì ngược lại, ông Trump không có lập trường nhất quán và thường xuyên có phát biểu mang màu sắc cảm tính với Nga. Tuy mạnh miệng chỉ trích Nga trong vấn đề Ukraine nhưng ông Trump có lúc lại công khai khen ngợi ông Putin lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Thậm chí, vị tỷ phú “lắm chiêu” này còn bày tỏ chủ trương bắt tay với Nga để trở thành “đồng minh mới” nhằm đối phó với các vấn đề quốc tế như khủng hoảng ở Syria.

Khác biệt trong quan hệ "tay ba"

Có thể thấy rõ ràng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nền tảng cơ bản trong chính sách đối ngoại của vị cựu Ngoại trưởng Mỹ. Trong bối cảnh chính sách ngoại giao tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đang gặp nhiều trở ngại, nếu đắc cử, bà Clinton rất có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực này. Điều này chắc chắn sẽ khiến “va chạm” ngoại giao Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi.

Dưới sức ép của các thế lực cánh tả trong nước, hiện cả hai ứng cử viên đều tỏ ý kiến phản đối nhất định với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, là một trong những “kiến trúc sư” của chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, thái độ của bà Clinton đối với TPP sẽ có phần mềm mỏng hơn.

Hiện nay, nhiều chuyên gia Mỹ còn tin tưởng rằng, TPP cuối cùng sẽ được thông qua tại Quốc hội Mỹ dưới sự ủng hộ của bà Clinton. Và kết quả này sẽ tác động sâu sắc đến quan hệ Mỹ - Trung, thậm chí là cả quan hệ Mỹ - Nga.

Với Nga, từ khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã ra sức thay đổi chính sách cứng rắn, đối đầu thời Chiến tranh Lạnh, dẫn dắt tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga. Do vậy, nếu thắng cử, bà Clinton có thể sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao trước đây nhưng cách thức có thể có thay đổi lớn. Thậm chí, nhiều học giả theo trường phái tân bảo thủ của Mỹ còn cho rằng nếu bà thắng cử, mối quan hệ Trung - Mỹ và Trung – Nga rất có thể sẽ xung đột sâu sắc do “chủ nghĩa độc tôn” kiểu Mỹ, “chủ nghĩa cường quyền” kiểu Nga và va chạm về địa vị, lợi ích với Trung Quốc. Nhìn chung, trong chừng mực nhất định, chính quyền bà Clinton sẽ đại diện và tiếp nối cho chính sách với Trung Quốc và Nga của chính quyền Mỹ theo một cách cứng rắn hơn.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, Tổng thống Nga Putin và ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. (Nguồn: BIN)

Ngược lại, nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa thắng cử, quan hệ Mỹ - Nga - Trung rất có thể chuyển sang một hướng khác. Mặc dù ông Trump không có nhiều kinh nghiệm chinh chiến ngoại giao như bà Clinton nhưng vị tỷ phú này lại rất coi trọng vai trò lãnh đạo cá nhân. Nếu đắc cử, ông Trump có thể tranh thủ các mối quan hệ cá nhân để cải thiện cục diện quan hệ Mỹ - Trung và Mỹ - Nga. Đối với một người khó đoán như ông Trump, điều gì cũng có thể xảy ra, bao gồm cả mối quan hệ với cựu thù Chiến tranh Lạnh và đối thủ kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Tóm lại, bất kể bà Clinton hay ông Trump thắng cử, quan hệ Mỹ - Trung - Nga đều sẽ chuyển sang một chương mới. 

(theo Global Times)