Cùng có lợi
Chuyến thăm của ông Putin không nằm ngoài mục tiêu cải thiện thêm quan hệ ngoại giao trong bối cảnh thời gian qua có nhiều dấu hiệu nồng ấm trong quan hệ hai nước. Quan hệ giữa Nga - Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ 21 đã hoàn toàn thay đổi. Đã qua rồi cái thời Mátxcơva với nền công nghiệp cao và vũ khí tối tân xem Trung Quốc là một đồng minh chậm tiến. Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ ba thế giới trong khi kinh tế Nga ở trong tình trạng suy yếu với lạm phát, thất nghiệp và dân số giảm. Thông điệp của giới lãnh đạo Nga nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nước CHND Trung Hoa cũng đã gián tiếp thừa nhận thế vượt trội của Trung Quốc khi Tổng thống Nga D.Medvedev ca ngợi "sự thành công của Trung Quốc trên con đường cải cách và hiện đại hóa" đưa nước này trở thành một quốc gia "có ảnh hưởng lớn đóng góp vào sự ổn định trên thế giới".
Lợi ích của hai bên đã "gặp nhau" khi Nga đang cần Trung Quốc tài trợ để phát triển thêm khu vực năng lượng của họ và muốn bán thêm dầu và khí đốt cho Trung Quốc để bù đắp nhu cầu năng lượng sút giảm của châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc cũng muốn đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu cho nền kinh tế phát triển nhanh của họ bằng cách nhập cảng dầu và khí đốt của Nga. Đầu năm nay, hai bên đã ký một thỏa thuận xây dựng ống dẫn dầu từ vùng Siberia đến Trung Quốc, một khi hoàn thành sẽ cung ứng cho Bắc Kinh mỗi năm 15 triệu tấn dầu trong vòng 10 năm. Đổi lại, Trung Quốc sẽ cấp một số tiền tín dụng khổng lồ 25 tỷ USD cho các công ty Nga. Trong 6 năm qua, trao đổi thương mại tăng từ 10 tỷ USD lên 50 tỷ USD/năm, phần lớn là nhờ dầu khí Nga bán cho Trung Quốc.
Năng lượng không phải lĩnh vực thành công duy nhất của Trung Quốc trong quan hệ với Nga. Theo đánh giá của Mỹ, Nga cung cấp cho Trung Quốc 95% vũ khí hạng nặng bao gồm cả tàu ngầm lớp Kilo và tàu khu trục lớp Sovremenny. Cho đến nay, các quan chức Nga không xem việc Trung Quốc trang bị hải quân là mối đe dọa trực tiếp, mà chỉ thấy mối nguy hiểm tiềm tàng từ Nhật Bản và Mỹ.
Quan hệ hai nước càng phát triển hơn sau khi tháng 6/2005, cả hai phê chuẩn hiệp ước giải quyết xung đột dọc đường biên giới chung hơn 4.000km. Hoạt động kinh doanh và du lịch xuyên biên giới từ đó rất phát đạt.
“Không tương xứng"
Dù mặn nồng như vậy nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng mối quan hệ Nga - Trung không có sự bình đẳng. Xét về bề ngoài, có vẻ như Trung Quốc đang nắm giữ nhiều ưu thế hơn.
Nga và Trung Quốc vẫn nói về việc là đối tác chiến lược, nhưng không bên nào thực sự nằm trong trọng tâm chú ý của bên kia. Đối tác không thể thiếu được của Trung Quốc là Mỹ, và của Nga là châu Âu, cụ thể là Đức. Năm 2007, trao đổi thương mại Nga - Trung đạt 48 tỷ USD, tăng từ 5,7 tỷ USD năm 1999, biến Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga sau EU. Nhưng hiện trao đổi thương mại Nga - EU vượt 250 tỷ USD - phần lớn là giữa Nga và Đức, và trao đổi thương mại Trung Quốc - Mỹ vượt 400 tỷ USD.
Một biểu hiện khác là tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Lâu nay, Trung Quốc vẫn liên tục phản đối việc Mátxcơva vận động xây dựng SCO thành một liên minh bán quân sự đối trọng với NATO. Còn SCO thì không công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga tại Gruzia tháng 8/2008 trong khi Trung Quốc dường như không muốn quan tâm tới tranh chấp ở Kapkaz. Đồng thời, với nỗ lực tận dụng đầu tư, thương mại trong khối SCO, Trung Quốc đã xâm nhập được vào Trung Á, một khu vực Nga vốn coi là "sân sau" của mình. Các công ty Trung Quốc liên tục đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, năng lượng và các ngành công nghiệp khác ở Trung Á.
Sự khôn khéo của Trung Quốc nằm trong tổng thể của học thuyết "trỗi dậy hòa bình" dường như đã làm không ít chính trị gia đối lập của Nga khó chịu. Họ cho rằng Chính phủ Nga đang cho Trung Quốc quá nhiều ưu đãi. Thế nhưng sự thực thì những lo ngại đó có vẻ chỉ chạm đến bề ngoài của mối quan hệ này. Không thể phủ nhận sự lấn lướt của Trung Quốc trong lĩnh vực "sức mạnh mềm" trước Nga song bất kỳ ai cũng hoàn toàn đồng ý rằng "sức mạnh cứng" của Nga vẫn vượt trội hơn nước láng giềng khổng lồ. Và trong vòng vài chục năm tới thì "sức mạnh cứng" vẫn sẽ giữ vai trò quyết định những tranh chấp không thể giải quyết được bằng những con đường phi bạo lực. Còn về lĩnh vực kinh tế, có thể Nga đang chịu thiệt nhưng lâu dài rõ ràng họ đã đa dạng hóa được nguồn khách hàng đối với mặt hàng chủ lực là dầu khí và vũ khí. Bởi với một giá bán rẻ và cạnh tranh hơn thì sau Trung Quốc, các công ty của Nga sẽ có thêm nhiều bạn hàng lớn để giảm bớt phụ thuộc vào châu Âu trong lĩnh vực thương mại.
Cả Nga và Trung Quốc đều theo đuổi những lợi ích riêng rẽ nhưng những quan tâm chung sẽ kéo họ đi đến sự hợp tác. Và điều đó quan trọng hơn nhiều so với những chỉ trích, ái ngại về sự thua thiệt của bên này hay bên kia.
Kim Đình