Nhỏ Bình thường Lớn

Số phận những đứa trẻ ở biên giới nước Mỹ

Một đoạn video ghi hình trẻ em bị cách ly trong lồng sắt tại một cơ sở trông giữ ở Texas, một đoạn ghi âm tiếng khóc trẻ thơ, những dòng tít báo 2.300 trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới Mỹ-Mexico, Những người mẹ không ngừng khóc ở biên giới… xuất hiện khắp các phương tiện truyền thông nước Mỹ trước khi Tổng thống Donald Trump đặt bút ký sắc lệnh mới. Tất cả chỉ nhằm phản đối chính sách nhập cư “không dung thứ” của ông Trump. Nhưng tại sao lại tách trẻ em khỏi cha mẹ chúng? 
TIN LIÊN QUAN
so phan nhung dua tre o bien gioi nuoc my Khủng hoảng di cư: Một vấn đề, nhiều thách thức
so phan nhung dua tre o bien gioi nuoc my Bên trong trại tị nạn lớn nhất thế giới

Ngày 20/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ ký sắc lệnh yêu cầu các nhà chức trách bảo đảm gia đình người nhập cư phải bị tạm giữ cùng nhau khi họ bị bắt tại biên giới vì tìm cách nhập cảnh vào Mỹ bất hợp pháp trong khi chờ vụ việc được đưa ra xét xử, dù là bao lâu đi nữa.

Một số người cho rằng hành động trên thể hiện sự cầu thị, lắng nghe công chúng của Tổng thống. Nhưng phần đông đều nghĩ áp lực dư luận mới là điều khiến ông Trump thay đổi bởi trước đó chính sách chia rẽ gia đình người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới Mỹ-Mexico của ông đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại buổi ký thông qua sắc lệnh mới, ông vẫn cương quyết: “Việc này là để giữ các gia đình cùng nhau trong khi vẫn đảm bảo biên giới chúng ta vững chắc”.

so phan nhung dua tre o bien gioi nuoc my
Một trong những cơ sở trông giữ trẻ của Văn phòng Tái định cư người tị nạn. (Ảnh Getty Images)

Số phận những đứa trẻ bị chia tách

Tại sao trẻ em bị tách khỏi gia đình?

Tháng 4/2018, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã công bố chính sách “không dung thứ”, theo đó bất kỳ ai vượt biên bất hợp pháp sẽ bị truy tố. Do trẻ em không thể bị giam giữ trong các trại giam người lớn, nên trẻ em bị tách khỏi cha mẹ. Hơn 200 nhóm bảo trợ trẻ em, trong đó có Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và LHQ, đã lên tiếng phản đối chính sách này.

Điều gì xảy ra với những đứa trẻ bị chia tách?

Sau khi bị tách khỏi cha mẹ, những đứa trẻ bị đưa đến các cơ sở xử lý “trẻ em nước ngoài không có người lớn đi cùng” thuộc cơ quan biên phòng mà ban đầu được dựng lên để trông giữ những trẻ em tự vượt biên một mình mà không có cha mẹ hay người giám hộ đi cùng. Tuy nhiên, hệ thống đã được mở rộng này trở nên hỗn loạn và lúng túng với hàng loạt đứa trẻ vừa bị ảnh hưởng do chính sách nhập cư mới của Tổng thống Trump.

Theo quy trình, những đứa trẻ này sẽ bị đưa đến các cơ sở trông giữ trẻ thuộc Văn phòng Tái định cư người tị nạn (ORR) trong vòng 72 giờ sau khi cha mẹ bị cơ quan chức năng ở biên giới bắt giữ và tách những đứa con. Những đứa trẻ phải ở lại ORR hàng tháng trong khi các cơ quan chức năng tìm kiếm họ hàng hay những người nhận chúng làm con nuôi. Một đại diện ORR cho biết, trung bình trẻ em thường ở lại trong các cơ sở của họ dưới 57 ngày, nhưng cũng có những đứa phải ở đó lâu hơn nhiều.

Nhiều người đã rớt nước mắt trước cảnh ngộ của những đứa trẻ. Những cơ sở này từng bị chỉ trích về điều kiện sinh hoạt kém và có khả năng xảy ra lạm dụng. Hiện có hơn 10.000 trẻ em nhập cư, bao gồm những em tự vượt biên một mình, đang được trông giữ tại khoảng 100 cơ sở của ORR do các tổ chức phi lợi nhuận điều hành. Hãng tin AP đã mô tả: “Trong một khu nhà kho cũ ở miền Nam Texas, hàng trăm đứa trẻ chờ đợi trong những chiếc lồng rào bằng thép. Mỗi lồng có 20 đứa trẻ”. Đợt này, ngoài các cơ sở ORR, Chính phủ Mỹ còn đưa những trẻ em này tới các khu lều tạm. Hiện có một cơ sở tạm thời vừa được dựng lên tại Tornillo, bang Texas và Chính phủ đã lên kế hoạch mở rộng nơi này để trông giữ tới 4.000 đứa trẻ như thế.

Những đứa trẻ này có thể đoàn tụ với cha mẹ không?

Nếu là dưới thời Tổng thống B.Obama, một số gia đình đã được đoàn tụ. Các giới chức cho biết, khi cha mẹ hoàn tất thụ án do xâm nhập trái phép lãnh thổ, họ có thể được tái đoàn tụ với con cái tại các trung tâm nhập cư trong lúc làm thủ tục xin tị nạn. Nhưng với chính sách mới của ông Trump, các luật sư cảnh báo không có quy định rõ ràng nào về tái đoàn tụ gia đình. Nếu cha mẹ bị trục xuất, không ai đảm bảo rằng con trẻ được trục xuất cùng cha mẹ. Những đứa trẻ sẽ ở lại ORR cho tới khi may mắn tìm được người nhận nuôi hoặc họ hàng đang sinh sống hợp pháp tại Mỹ.

Tuy nhiên, với sắc lệnh mới mà Tổng thống Trump vừa ký thông qua hôm 20/6, người ta hy vọng cuộc đời những đứa trẻ có thể sẽ khác.

Điều gì đã xảy ra với các gia đình trước đây?

Năm 2014, chính quyền của Tổng thống Obama đã bắt giữ một loạt gia đình đến từ một đất nước Trung Mỹ do xâm nhập biên giới nước Mỹ bất hợp pháp. Điều này đã bị chỉ trích gay gắt và tòa án liên bang năm 2015 đã ra phán quyết ngăn chặn việc chính phủ giam giữ các gia đình này hàng tháng mà không có lý do. Theo đó, họ đã được trả tự do trong khi chờ ngày ra tòa về trường hợp nhập cư của họ. Có điều không phải tất cả những người nhập cư trái phép này đều quay lại tòa theo lịch hẹn, dẫn tới việc chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách thời ông Obama mà ông Trump gọi là “bắt và thả”. Thực tế, theo thống kê năm 2017, nước Mỹ đã ra 100.000 lệnh trục xuất chính thức tới tất cả người nhập cư trái phép. Nhưng chỉ 60% số người có mặt tại tòa án để nghe phán quyết; số còn lại chưa bao giờ đến tòa.

(theo The Guardian)

Chính sách “không dung thứ” là gì?

Từ tháng 5, chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định triển khai chính sách “không dung thứ” (Zero-tolerance) nhằm ngăn chặn hàng nghìn gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mỗi tháng rồi xin tị nạn. Theo đó, những người bị bắt giữ vì tội nhập cư trái phép vào Mỹ sẽ bị truy tố trong khi con cái họ sẽ bị đưa tới Văn phòng tái định cư người tị nạn (ORR).

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions giải thích: “Nếu bạn bước qua biên giới bất hợp pháp, chúng tôi sẽ truy tố bạn. Đơn giản thôi. Nếu bạn đang buôn lậu trẻ em, chúng tôi sẽ truy tố bạn và đứa trẻ sẽ bị tách khỏi bạn theo luật pháp. Nếu bạn không thích điều đó thì đừng buôn lậu trẻ em qua biên giới chúng tôi”.

Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đã có hơn 2.000 trẻ em nhập cư bị tách khỏi cha mẹ hoặc người giám hộ và bị đưa tới các cơ sở trông giữ từ 19/4-31/5 theo chính sách mới này. 

Nhà Trắng thừa nhận, theo chính sách mới, họ sẽ chia tách tất cả các gia đình xâm nhập qua biên giới và chính sách này lần đầu tiên được áp dụng tại Mỹ chỉ dưới thời Tổng thống Trump.

Thực vậy, ngày 18/6, chỉ hai ngày trước khi ký thông qua sắc lệnh mới, trong cuộc họp ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump còn tuyên bố: "Nước Mỹ không phải là trại cho người nhập cư hay trung tâm chứa người tị nạn và sẽ không bao giờ trở thành như vậy". Cùng ngày, ông cũng đăng trên Twitter: “Đây là lỗi của phe Dân chủ vì quá nương nhẹ đối với tội phạm và an ninh biên giới. Sao họ không nghĩ về những người đã bị hủy hoại bởi tội ác đến từ hành động nhập cư bất hợp pháp!”. Ông còn lập luận: “Trẻ em đang bị những tội phạm nguy hiểm nhất hành tinh sử dụng như là phương tiện để xâm nhập đất nước chúng ta... Chuyện đó sẽ không xảy ra trên nước Mỹ”. Và thậm chí chỉ vài tiếng trước khi ký, trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn nhấn mạnh  ông không muốn thấy những gì đang diễn ra ở châu Âu trong vấn đề nhập cư sẽ xảy ra ở nước Mỹ.

Mọi tầng lớp phản đối

Dù thắng cử năm 2016 một phần nhờ chính sách cứng rắn với người nhập cư, nhưng chính sách mới của ông lại gây nên làn sóng phản đối gay gắt ở Mỹ.

Thực tế, những bài báo, đoạn video trên truyền thông cho thấy trẻ em bị giam giữ trong "lồng sắt" và tiếng khóc thét của chúng khiến nhiều người cảm thấy bất nhẫn, buộc phải lên tiếng, trong đó có cả Giáo hoàng Francis.

Một cuộc khảo sát của đài CBS cho thấy 67% người Mỹ được hỏi hoàn toàn phản đối chính sách của ông Trump. Các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đều chung quan điểm. Phát biểu trên kênh CBS, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins nhấn mạnh chính sách này nhằm gửi đi thông điệp cứng rắn tới những người di cư trái phép, nhưng đồng thời gây tổn thương những đứa trẻ vô tội và đi ngược những giá trị Mỹ. Hạ nghị sĩ Dân chủ David Cicilline cho rằng chính sách mới của Nhà Trắng đang làm xói mòn các giá trị nền tảng của nước Mỹ.

Theo UPI, các thống đốc bang ở Mỹ cũng đồng loạt khẳng định sẽ không điều binh sỹ tới hỗ trợ các quan chức nhập cư trong việc ngăn chặn những người vượt biên trái phép và người tị nạn. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo khẳng định: “New York sẽ không tham gia vào việc đối xử vô nhân đạo với các gia đình nhập cư”. Thống đốc bang Colorado John Hickenlooper thì ký hẳn sắc lệnh cấm sử dụng lực lượng Vệ binh quốc gia tiểu bang vào mục đích chia cắt trẻ em khỏi cha mẹ nếu chỉ dựa vào tình trạng nhập cư.

Ngay cả Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng lên truyền hình thể hiện sự không đồng tình với chủ trương của chồng.

Mặc dù đã ký sắc lệnh ngừng chính sách chia cắt gia đình gây tranh cãi, song theo các nhà bình luận, ông Trump vẫn tỏ ra không khoan nhượng khi tiếp tục giam giữ trẻ em cùng với cha mẹ trong suốt quá trình tố tụng. Theo Reuters, sắc lệnh mới ký có thể tạo ra rắc rối pháp lý khác cho chính quyền của ông Trump về việc trẻ em có thể bị giam giữ bao lâu trong nhà giam cùng bố mẹ trừ khi Quốc hội Mỹ can thiệp. Liệu Chính phủ sẽ cho các gia đình nhập cư đoàn tụ ra sao khi hồ sơ của họ không được lưu trữ kỹ hay những đứa trẻ bị tách khỏi gia đình có được gặp lại cha mẹ nếu họ bị kết tội hình sự?

Ông Anthony Romero, Giám đốc Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ, tuyên bố: "Trẻ em không thuộc về nhà tù, ngay cả là cùng cha mẹ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu Tổng thống nghĩ rằng việc đặt gia đình vào tù vô thời hạn là những gì mọi người đã yêu cầu, ông ấy đã hoàn toàn sai".

so phan nhung dua tre o bien gioi nuoc my Canada đau đầu với làn sóng di cư qua biên giới

Chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau đang dần từ chối đơn xin tị nạn do sự “đổ bộ” ồ ạt của những người di ...

so phan nhung dua tre o bien gioi nuoc my ​Mỹ gia hạn quy chế bảo vệ đặc biệt 7.000 người Syria

Ngày 31/1, Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, nước này đã gia hạn quy chế bảo vệ đặc biệt cho người dân Syria, ...

so phan nhung dua tre o bien gioi nuoc my Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm người tị nạn từ những nước có "nguy cơ cao"

Ngày 29/1, Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm người tị nạn từ 11 quốc gia có "nguy cơ cao", song khẳng định những ...

Hoàng Minh