Tiến trình đàm phán hoà bình Syria diễn ra ở Geneva trong những ngày vừa qua đã được khởi động với kỳ vọng lớn nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên hai cường quốc tham gia sâu nhất vào cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông là Nga và Mỹ tìm được tiếng nói chung với nhau và thể hiện quyết tâm rất cao trong việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Syria.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Nga và Mỹ, vòng đàm phán hoà bình Syria lần này tiếp tục đi vào vết xe đổ của những vòng đàm phán trước đó. Lại là sự thất bại – một thất bại kép từ chiến trường đến bàn đàm phán.
Vụ không kích vào khu chợ ở thành phố Maaret al-Numan ngày 9/1 vừa qua. (Nguồn: AFP) |
Cùng "phá" thỏa thuận ngừng bắn
Giới lãnh đạo phe đối lập Syria đã bắt đầu lần lượt rời khỏi bàn đàm phán ở Geneva sau khi xảy ra cuộc không kích nhằm vào các khu chợ ở phía Tây Nam nước này, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng. Phe đối lập Syria tuyên bố, họ không thể tiếp tục tham gia tiến trình đàm phán hoà bình khi mỗi ngày đều có dân thường thiệt mạng.
Trong cuộc đụng độ được đánh giá là đẫm máu nhất kể từ khi thoả thuận ngừng bắn hồi tháng 2/2016, một cuộc không kích chưa rõ từ lực lượng nào đã nhằm vào một khu chợ ở thành phố Maaret al-Numan, cướp đi sinh mạng của ít nhất 37 dân thường. Tiếp đó, một chợ cá ở thành phố lân cận Kafranbel cũng đã phải hứng chịu một cuộc không kích khác, khiến 7 dân thường mất mạng.
Các cuộc tấn công nói trên diễn ra ở tỉnh Idlib – nơi đang nằm trong sự kiểm soát của nhóm Mặt trận Al-Nusra có liên quan đến tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Giống như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Nusra không tham gia thoả thuận ngừng bắn và quân chính phủ cũng như phe nổi dậy Syria tiếp tục thực hiện chiến dịch tấn công vào những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các tổ chức khủng bố này.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra cuộc không kích vào khu chợ ở Maaret al-Numan, phe đối lập chính của Syria – Uỷ ban Đàm phán Cấp cao đã lên án đây là “một vụ thảm sát” và là một sự vi phạm trắng trợn thoả thuận ngừng bắn. Vụ việc này được xem là “giọt nước làm tràn ly”, thúc đẩy phe đối lập Syria quyết định ngừng tham gia tiến trình hoà bình và rời Geneva. Trước đó, hôm 18/2, phe đối lập Syria đã tuyên bố hoãn tham gia vào các cuộc đối thoại gián tiếp với đại diện của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad để phản đối tình hình bạo lực leo thang trong nước và những hạn chế về tiếp cận nhân đạo đối với các khu vực bị bao vây.
Thoả thuận ngừng bắn, nói chính xác hơn là thoả thuận “chấm dứt các hoạt động thù địch” ở Syria, do Nga và Mỹ đạt được, từng giúp giảm tình trạng bạo lực, giao tranh giữa các phe phái xuống một mức độ đầy bất ngờ sau khi nó chính thức có hiệu lực từ ngày 27/2. Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng sau, lệnh ngừng bắn lại rơi vào tình trạng mong manh khi mà bạo lực gia tăng từng ngày. Diễn biến này báo hiệu một cuộc khủng hoảng mới lại bắt đầu.
Từ tuần đầu tiên của tháng Tư, quân đội của chính quyền Tổng thống Assad đã oanh tạc những khu vực phía Nam Aleppo. Những cuộc tấn công này không bị phản đối bởi nó diễn ra ở những khu vực thuộc quyền kiểm soát của nhóm nổi dậy Mặt trận Al-Nusra. Tuy nhiên, những cuộc không kích gần đây của quân chính phủ đã gây ảnh hưởng cả đến những khu vực dân thường, gây thương vong cho dân thường.
Phe đối lập cũng có trách nhiệm trong việc để lệnh ngừng bắn đổ vỡ. Ngày 18/4, một nhóm nổi dậy tuyên bố phát động chiến dịch phản công nhằm đáp trả các cuộc tấn công của quân chính phủ. Chiến dịch này diễn ra ở tỉnh Latakia – thành trì của chính quyền Tổng thống Assad. Kết quả là có ít nhất 16 dân thường thiệt mạng trong các cuộc tấn công của phe đối lập. Không ngạc nhiên khi tình trạng bạo lực leo thang trên chiến trường đã khiến tiến trình đàm phán hoà bình Syria ở Geneva một lần nữa sụp đổ.
Điều phối viên của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao Syria (phe đối lập chính) – ông Riyad Hijab cho biết, ông cùng các thành viên khác trong đoàn đã bắt đầu rời Geneva từ ngày 19/4. Như vậy, vòng đàm phán mới nhất đã chính thức đổ vỡ, xuất phát từ thất bại trong việc thực hiện thoả thuận ngừng bắn ở Syria.
Hòa đàm Syria ở Geneva (Thụy Sĩ) sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi hai lực lượng đối lập ở Syria không thể tìm được tiếng nói chung. (Nguồn: AP) |
Không cùng chủ đề đàm phán
Tuy vậy, tình trạng leo thang bạo lực ở chiến trường Syria không phải là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự đổ vỡ của vòng đàm phán hoà bình. Mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở sự bế tắc luẩn quẩn mà hai bên chưa thể tháo gỡ – đó là tương lai số phận của Tổng thống Assad. Nếu như Mỹ và phe đối lập Syria kiên quyết đòi ông Assad phải ra đi thì Nga và chính quyền Syria khăng khăng đòi bảo vệ ông này.
Trước vòng đàm phán mới nhất, hy vọng được nhen nhóm khi Mỹ và các đồng minh đã nhượng bộ với Nga về số phận của Tổng thống Assad bởi họ muốn tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống IS. Nhưng không phải Nga, Mỹ muốn là được bởi bất chấp sự thoả hiệp giữa họ, phe đối lập Syria và đại diện Chính quyền Assad vẫn không thể tìm được tiếng nói chung.
Phe đối lập tiếp tục khẳng định, sẽ không thể có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria chừng nào ông Assad còn làm Tổng thống. Nhà đàm phán chính của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao – ông Mohammed Alloush cho biết, ông rời Geneva bởi không muốn là một phần của một giải pháp chính trị “ngu xuẩn” - một giải pháp không giúp giải quyết lâu dài tình hình Syria. Giải pháp chính trị mà ông Alloush nhắc đến có liên quan đến đề xuất bầu chọn 3 đại diện từ phe đối lập Syria lên làm Phó Tổng thống cho ông Assad. Theo luật Syria, vị trí Phó Tổng thống không có quyền tác động tới Tổng thống cũng như lực lượng an ninh của riêng Tổng thống.
Về phần chính phủ Syria, ông Bashar Jaafari – Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc và cũng là nhà đàm phán chính của chính quyền Tổng thống Assad, liên tục nhắc lại rằng, số phận của ông Assad không phải là điều được đưa ra bàn trong tiến trình đàm phán ở Geneva. “Vấn đề đó không thuộc thẩm quyền của Geneva…. Đó là công việc của người Syria với người Syria”, ông Jaafari tuyến bố trước báo giới.
Diễn biến trên cho thấy, Mỹ đã không thể gây được sức ép với phe đối lập Syria để buộc lực lượng này chấp nhận sự thoả hiệp về số phận ông Assad như Mỹ đã làm với Nga. Trong lúc này, lực lượng IS lại bắt đầu trỗi dậy, đánh chiếm trở lại một số khu vực lãnh thổ. Quân chính phủ và phe đối lập tiếp tục đấu đá lẫn nhau trong khi vẫn phải chống trả những cuộc tấn công từ IS.
Vòng luẩn quẩn của đàm phán rồi thất bại, ngừng bắn rồi lại giao tranh sẽ còn kéo dài không lối thoát và cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria sẽ còn tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội cũng như đẩy hàng triệu người vào cuộc sống khốn cùng, bế tắc.