📞

‘Tam giác chiến lược’ Mỹ-Trung-Nga dưới thời ông Joe Biden

Mỹ Linh 20:00 | 26/10/2022
Tầm ảnh hưởng suy giảm của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc và nỗ lực tìm lại vị thế của Nga khiến tương tác giữa ba nước này ngày càng phức tạp, tác động sâu sắc đến các mối quan hệ quốc tế.
Tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga đã có một số thay đổi dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AP/Nikkei)

Khái niệm cũ, bối cảnh mới

Trên thực tế, tam giác chiến lược, hay sự tương tác đặc biệt trong quan hệ giữa ba cường quốc Mỹ, Liên Xô (sau này là Nga) và Trung Quốc đã tồn tại trong Chiến tranh lạnh, song đã dần bị quên lãng sau khi giai đoạn này khép lại. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc, nỗ lực lấy lại vị thế của Nga với tầm ảnh hưởng suy giảm của Mỹ sau các nỗ lực can dự tại Trung Đông đã “hồi sinh” khái niệm tưởng chừng đã lỗi thời này.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy Washington đã ít nhiều “chậm nhịp” trong tìm hiểu và đánh giá sự xuất hiện trở lại của khái niệm này. Thách thức đến từ nỗ lực xây dựng liên minh liên minh Trung-Nga tại Moscow và Bắc Kinh đã không được Washington và giới hoạch định chính sách Mỹ thực sự công nhận. Mặc dù gọi Trung Quốc và Nga là “các cường quốc xét lại”, song Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ tháng 12/2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng đây là hai mối đe dọa riêng biệt và không thừa nhận liên kết giữa Bắc Kinh và Moscow là vấn đề nghiêm trọng với Washington.

Tại sao lại có câu chuyện này? Sự “thờ ơ” trước đây của Mỹ bắt nguồn từ việc nước này đánh giá thấp năng lực của Moscow và độ bền của hợp tác chiến lược Trung-Nga. Theo giới hoạch định chính sách của Mỹ, Nga không phải là một cường quốc hợp pháp và mối quan hệ hợp tác của Bắc Kinh và Moscow chỉ là “cuộc hôn nhân thuận tiện”. Do đó, thay đổi trong quan hệ Trung-Nga không phải là mối quan tâm đáng kể với Mỹ.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ năm 2021. Ông coi Trung Quốc và Nga là “mối đe dọa” đang tìm cách lật đổ trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ, đồng thời cho rằng Washington cần ngăn chặn kịch bản này. Do đó, thời gian qua, Washington đã triển khai một số điều chỉnh nhằm dịch chuyển tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga theo hướng có lợi cho mình.

Tuy nhiên, liệu những thay đổi này đã mang đến kết quả chính quyền ông Joe Biden mong muốn?

Tổng thống Joe Biden coi Trung Quốc và Nga là “mối đe dọa” đang tìm cách lật đổ trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ, đồng thời cho rằng Washington cần ngăn chặn kịch bản này.

Gần gũi trong thận trọng

Trước hết, cần hiểu rõ điểm nổi bật của liên kết Trung-Nga trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga hiện đại.

Đầu tiên, liên kết Trung-Nga đang hồi sinh mạnh mẽ sau Chiến tranh lạnh dựa trên sự phản kháng chung đối với trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ và đồng minh.

Cuối Chiến tranh lạnh, liên kết Trung-Xô trở nên căng thẳng và rạn nứt do xung đột lợi ích, cũng như chiến lược của Mỹ trong xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ, mọi chuyện đã khác.

Trước sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trừng phạt của phương Tây với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn và Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Moscow và Bắc Kinh đã coi nhau là đối tác quan trọng để chống lại ảnh hưởng của Washington.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt và đối đầu Mỹ-Nga thêm nóng, quan hệ Trung-Nga đang phát triển mạnh mẽ 10 năm trở lại đây và hiện “nồng ấm chưa từng có”. Cả hai cho rằng hệ giá trị của Mỹ đang thách thức nghiêm trọng đối với khái niệm chủ quyền. Để thay thế một trật tự có lợi cho Mỹ, Trung Quốc và Nga đã nhiệt tình thúc đẩy lý tưởng về một thế giới đa cực, nơi hai quốc gia này có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Thứ hai, mặc dù đang có sự phát triển mạnh mẽ, song Trung Quốc và Nga vẫn tồn tại một số khác biệt cơ bản về trật tự quốc tế, cũng như quan điểm trong đối xử với Mỹ.

Là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất của trật tự quốc tế đa cực, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu vươn lên trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu bằng cách thiết lập và điều chỉnh lại một số quy tắc phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.

Trong khi đó, Nga muốn thúc đẩy một trật tự thế giới theo đó các cường quốc, bao gồm chính nước này, duy trì vị thế trên các phạm vi ảnh hưởng. Tuy nhiên, Moscow chắc chắn sẽ không vui khi thấy một trật tự có lợi cho Washington bị thay thế bởi một trật tự của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin chụp ảnh chung khi bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/9. (Nguồn: AP)

Một ngạn ngữ Trung Quốc từng nói rằng Trung Quốc và Nga chỉ có thể chia sẻ nỗi khổ chứ không thể chia sẻ hạnh phúc. Hơn nữa, khi có cơ hội, cả Nga và Trung Quốc đều ưu tiên giữ gìn quan hệ với Mỹ, hơn là tiếp tục đào sâu vào khác biệt về ý thức hệ.

Ông Quý Chí Nghiệp - cựu Chủ tịch Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR) đã mô tả quan hệ Trung-Nga là “tạm thời, không chắc chắn, dễ bị tổn thương và có thể bị suy yếu nghiêm trọng bởi những thay đổi nhỏ của yếu tố bên ngoài”.

Tam giác “lãng mạn”…

Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có cách tiếp cận hòa hoãn hơn với Moscow để đưa tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga về hướng có lợi cho mình.

Hầu hết ý kiến ở Washington đều coi Bắc Kinh là đối thủ chính. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả Trung Quốc là “quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thách thức nghiêm trọng hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”. Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ ngày 12/10 vừa qua khẳng định Moscow là thách thức ngắn hạn, song Bắc Kinh mới là đối thủ chính và dài hạn của Washington.

Dựa trên quan điểm này, trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga như thúc đẩy gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2 và đối thoại song phương cấp cao về ổn định chiến lược.

Ông Joe Biden đã mô tả tầm nhìn về một quan hệ Mỹ-Nga “ổn định và có thể đoán trước được”, ngụ ý Mỹ muốn giảm căng thẳng với Nga nhằm ngăn chặn Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau. Các động thái của Washington cũng được Moscow hoan nghênh.

Tháng 5/2021, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đều “nhất trí rằng bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga sẽ đóng góp vào lợi ích của cả hai nước, tăng khả năng dự đoán và ổn định toàn cầu”.

Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga như thúc đẩy gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2 và đối thoại song phương cấp cao về ổn định chiến lược.

…nhưng không kém phần năng động và phức tạp

Tam giác xoay quanh cạnh tranh Mỹ-Trung, với “hằng số” Bắc Kinh và Washington cùng “biến số” Moscow được cho là một mô hình lâu dài. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine bùng phát đã tác động đáng kể tới mô hình này khi đẩy quan hệ Nga-phương Tây xuống mức thấp chưa từng có, đồng thời buộc Mỹ phải có những điều chỉnh.

Giờ đây, nước này buộc phải “san sẻ” nguồn lực từ đối đầu với Trung Quốc sang ứng phó với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Thậm chí, có một số ý kiến cho rằng Washington đang quay sang tìm kiếm hỗ trợ của Bắc Kinh để chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, điều này là không dễ dàng khi Mỹ phản đối gay gắt các hoạt động quân sự của Quân đội Giải phóng Trung Quốc tại eo biển Đài Loan. Việc Washington chỉ trích thái độ của Bắc Kinh về xung đột Nga-Ukraine, cùng các chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ khiến cạnh tranh Mỹ-Trung thêm căng thẳng.

Đồng thời, hành động của nước này đang khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn hết. Những sự kiện trên đã khẳng định lại niềm tin của Trung Quốc và Nga rằng phương Tây không bao giờ chấp nhận quyền lợi hợp pháp của họ. Một lần nữa, Mỹ mắc kẹt trong thế “hai chọi một” với cường quốc ngang hàng.

Xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng tại eo biển Đài Loan đã khiến nỗ lực dịch chuyển tam giác chiến lược của Mỹ gặp khó khăn. (Nguồn: AP)

Xét cho cùng, trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông Joe Biden, chính sách của Washington trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga đã phát huy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, sự bùng phát của xung đột Nga-Ukraine và những diễn biến mới đây tại eo biển Đài Loan đã khiến các bước đi của Washington không đạt hiệu quả như mong đợi.

Dù tam giác này vẫn phát triển và về lâu dài, mô hình đặt Nga là trục xoay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế song ở hiện tại, liên kết Trung-Nga chưa thể bị phá vỡ.

Trong bối cảnh hiện nay, khi xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và cạnh tranh với Trung Quốc gay gắt, Mỹ không có nhiều lựa chọn trong tam giác chiến lược. Hành xử ra sao để vừa đảm bảo hệ giá trị và mạng lưới đồng minh, vừa duy trì vị thế cường quốc đứng đầu sẽ là bài toán khó của Washington dưới thời Tổng thống Biden.