Người biểu tình Iran phản đối vụ tấn công vào tòa nhà lãnh sự của nước này tại Syria. (Nguồn: Al Jazeera) |
Ngày 6/4, lực lượng an ninh Ecuador đột nhập Đại sứ quán Mexico tại Quito và bắt giữ cựu Phó Tổng thống nước này. Trước đó, hôm 1/4, Israel đã tấn công tên lửa vào tòa nhà lãnh sự Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus, Syria khiến 7 người thiệt mạng. Những vụ đột nhập, tấn công này đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan ngoại giao theo Công ước Vienna 1961, đe dọa phá vỡ sự ổn định và hòa bình giữa các quốc gia.
Trong quá khứ, những cuộc xâm nhập, tấn công vào cơ quan ngoại giao gây ra nhiều cuộc khủng hoảng trong quan hệ các nước không phải chuyện hiếm.
Tehran, năm 1979
Vào tháng 2/1979, cuộc cách mạng Hồi giáo diễn ra ở Iran, kết quả là chính quyền của ông Shah Mohammad Reza Pahlavi - người đứng đầu Iran từ năm 1941 bị lật đổ và chính quyền mới do Giáo chủ Ayatollah Khomeini đứng đầu lên nắm quyền.
Ngày 4/11/1979, các sinh viên Hồi giáo cực đoan với lý do coi phái bộ ngoại giao Mỹ ở Tehran là “hang ổ gián điệp, chống lại Iran”, đã xông vào tòa nhà Đại sứ quán Mỹ, tước vũ khí của lính canh và bắt giữ con tin, theo ước tính khác nhau từ 66 đến 90 người. Sau khi thả phụ nữ, người da màu và không phải công dân Mỹ, vẫn còn 52 người bị giữ làm con tin và các sinh viên này đã yêu cầu Mỹ không cấp quy chế tị nạn và giao lại ông Pahlavi để xét xử.
Để đáp trả, Tổng thống Mỹ James Carter ra lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Iran tại các ngân hàng Mỹ. Bất chấp khủng hoảng năng lượng, lệnh cấm vận dầu mỏ của Iran vẫn được tiến hành. Quan hệ hai nước bị cắt đứt và tất cả nhà ngoại giao Iran được yêu cầu rời khỏi Mỹ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Thất bại trong cuộc đàm phán với Tehran về việc thả con tin đã khiến Tổng thống Carter phải dùng đến biện pháp mạnh. Ngày 24/4/1980, Mỹ tiến hành chiến dịch giải cứu con tin mang tên “Móng vuốt đại bàng”. Tám chiếc trực thăng cất cánh từ tàu sân bay Nimitz ở Biển Arab, chở lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ đổ bộ xuống sa mạc cách Tehran 80 km và di chuyển bằng xe tải đến thủ đô Iran. Đồng thời, các đặc vụ CIA được cho là đã kích động bạo loạn trong thành phố. Theo kế hoạch, lực lượng đặc nhiệm Mỹ xông vào các tòa nhà, giải thoát con tin và chuyển họ lên các máy bay vận tải đang chờ sẵn. Tuy nhiên, chiến dịch vì nhiều lý do đã thất bại. Để ngăn chặn, Iran giam giữ con tin tại các địa điểm khác nhau.
Vào cuối năm 1980, các cuộc đàm phán về thả con tin đã diễn ra liên tục và chủ yếu xoay quanh vấn đề tài chính. Lúc đầu, Iran yêu cầu 20 tỷ USD để thả con tin, cuối cùng hai bên đồng ý ở mức 8 tỷ USD. Số tiền này được trả không phải từ ngân sách của Mỹ mà lấy từ những tài sản bị đóng băng của Iran. Ngoài ra, Mỹ cam kết không truy tố những cá nhân liên quan đến vụ tấn công.
Ngày 20/1/1981, vài phút sau khi Tổng thống Ronald Reagan chính thức nhậm chức, các con tin bị giam giữ suốt 444 ngày đã được giao cho phía Mỹ, kết thúc vụ khủng hoảng bắt giữ con tin ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay.
Vào năm 1980, lực lượng an ninh bên ngoài sứ quán Iran tại London trải qua 6 ngày căng thẳng tột đỉnh để giải cứu 26 con tin bị 6 tên khủng bố bắt giữ cố thủ trong tòa nhà. (Nguồn: The Sun) |
London, năm 1980
Cuộc bao vây Đại sứ quán Iran ở London (30/4-5/5/1980) là một sự cố nghiêm trọng xảy ra sau khi một nhóm 6 người có vũ trang xông vào Đại sứ quán Iran ở London. Các thành viên của Mặt trận cách mạng dân chủ giải phóng Arab (DRFA), chủ trương thành lập một quốc gia Arab độc lập ở tỉnh Khuzestan của Iran, đã bắt 26 người làm con tin, hầu hết là nhân viên Đại sứ quán. Họ yêu cầu thả các tù nhân Arab khỏi các nhà tù ở Khuzestan và được rời khỏi Anh một cách an toàn.
Hầu hết những người trong Đại sứ quán đều bị bắt, chỉ có 3 người trốn thoát qua Đại sứ quán Ethiopia ở gần đó. Đa số con tin là công dân Iran, còn có 4 người Anh, trong số đó có 1 nhân viên làm việc tại Đại sứ quán và 3 nhà báo đang đến phỏng vấn xin thị thực đến Iran.
Để xử lý tình hình, chính phủ Anh quyết định đưa lực lượng đặc nhiệm bao vây Đại sứ quán và mở cuộc tấn công với mật danh “Nimrod”. Các chuyên gia đàm phán của cảnh sát Anh đưa ra chiến thuật thả 5 con tin để đổi lấy nhượng bộ nhỏ, chẳng hạn như phát sóng yêu cầu của những kẻ bắt giữ trên truyền hình Anh. Sau đó, trong cuộc đột kích kéo dài 17 phút, lính biệt kích Anh đã giải cứu tất cả, trừ một con tin bị bắn chết trước đó và tiêu diệt 5 trong số 6 kẻ khủng bố. Kẻ khủng bố duy nhất còn sống sót bị bắt và sau đó bị xét xử và kết án chung thân, nhưng đủ điều kiện để được tha vào năm 2008.
Tòa nhà Đại sứ quán bị hư hại nặng nề do hỏa hoạn. 10 năm sau, chính phủ Anh và Iran đã đạt được thỏa thuận, trong đó Anh bồi hoàn toàn bộ thiệt hại cho Đại sứ quán ở London và Iran trả tiền sửa chữa Đại sứ quán Anh ở Tehran, nơi bị hư hại trong Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Vào tháng 12/1993, các nhà ngoại giao Iran bắt đầu làm việc trở lại trong tòa nhà.
Nam Tư, năm 1999
Năm 1999, lực lượng NATO thực hiện chiến dịch ném bom vào Cộng hòa Liên bang Nam Tư (khi đó bao gồm Serbia và Montenegro) với lý do chính quyền Nam Tư đã tiến hành thanh lọc sắc tộc chống lại người Albania ở vùng tự trị Kosovo và gây ra thảm họa nhân đạo ở đó. Chiến dịch không có sự cho phép của Liên hợp quốc và bị Trung Quốc và Nga phản đối quyết liệt. Các cuộc không kích của NATO kéo dài từ ngày 24/3-10/6/1999, khiến hơn 2.500 người thiệt mạng, trong đó có 87 trẻ em.
Trong các vụ ném bom đó, ngày 7/5/1999, Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade bị trúng bom, khiến ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Giám đốc CIA George Tenet ngay sau đó chính thức giải thích vụ đánh bom là “sai sót trong bản đồ trụ sở” của lực lượng không quân đồng minh. Quan chức Mỹ cho biết mục tiêu thực sự là trụ sở Cục Cung ứng và mua sắm Nam Tư (FDSP) - cơ quan nhà nước nhập khẩu và xuất khẩu thiết bị quốc phòng, còn địa chỉ của Đại sứ quán Trung Quốc là vị trí khác, nơi các nhà ngoại giao rời đi từ năm 1996.
Ngay sau vụ đánh bom, Mỹ và NATO thông báo rằng đây là một tai nạn. Tuy nhiên, đại diện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc tố cáo đây là “tội ác chiến tranh”. Các cuộc biểu tình chống Mỹ diễn ra khắp Trung Quốc những ngày sau đó. Tổng thống Bill Clinton và Bộ Ngoại giao Mỹ gửi lời xin lỗi đến Bắc Kinh. Lãnh đạo hai quốc gia điện đàm vào ngày 14/7/1999. Trung Quốc nhận được 28 triệu USD bồi thường từ Mỹ nhưng phải trả lại gần 3 triệu USD vì thiệt hại đối với tài sản ngoại giao của Mỹ ở Bắc Kinh và các nơi khác. Mỹ còn bồi thường 4,5 triệu USD cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng và người bị thương.
Các tay súng Hồi giáo phóng hỏa trong khu lãnh sự quán Mỹ, tháng 9/2012. (Nguồn: Reuters) |
Libya, năm 2012
Vào ngày 11/9/2012, một loạt cuộc biểu tình của những người theo đạo Hồi đã diễn ra để đáp trả đoạn giới thiệu của bộ phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” đăng trên YouTube, điều mà nhiều người Hồi giáo coi là báng bổ đạo Hồi và Nhà tiên tri Muhammad. Các cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra ở Cairo (Ai Cập) và Benghazi (Libya), trước khi lan rộng khắp thế giới Hồi giáo.
Tại Cairo, một nhóm đã trèo tường vào Đại sứ quán Mỹ và xé cờ Mỹ, thay thế bằng cờ Hồi giáo. Tại Benghazi, cuộc tập kích vào Tổng lãnh sự quán Mỹ bắt đầu lúc 21h40 ngày 11/9/2012. Tổng lãnh sự quán bị tấn công bằng súng máy, lựu đạn, pháo cối và vũ khí hạng nhẹ, gây hỏa hoạn tòa nhà khiến 14 người thiệt mạng, bao gồm 4 người Mỹ, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens và 10 sĩ quan cảnh sát Libya. Lực lượng an ninh Mỹ và Libya giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn Tổng lãnh sự quán sau hơn bốn tiếng giao tranh.
Báo cáo do Hạ viện Mỹ công bố năm 2013 cho thấy lực lượng hỗ trợ sơ tán nhân viên Lãnh sự quán Mỹ đêm 11/9/2012 không phải của Mỹ hay chính phủ Libya, mà chính là đơn vị bí mật với thành phần gồm các cựu sĩ quan dưới thời cựu Tổng thống Gaddafi, người đã bị quân đội Mỹ lật đổ trước đó không lâu.
Còn cuộc điều tra do chính quyền Libya tiến hành cho thấy cuộc tấn công được lên kế hoạch từ trước, với chủ đích báo thù cho vụ máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt một lãnh đạo cao cấp người Libya trong mạng lưới Al-Qaeda ở Pakistan ba tháng trước đó.
* * *
Còn nhiều cuộc tấn công khác vào cơ quan ngoại giao do các tổ chức khủng bố, nhóm người bất mãn thực hiện. Các vụ việc gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về việc tuân thủ luật pháp quốc tế mà theo Công ước Vienna 1961, quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan đại diện ngoại giao là không có ngoại lệ. Nếu không có hành động quyết liệt, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tòa án quốc tế và của từng quốc gia thì lãnh thổ quốc gia tại nước có trụ sở ngoại giao và các nhân viên ngoại giao, những người xây dựng cầu nối giữa các quốc gia, trở nên không còn an toàn nữa.