📞

Thể chế chính trị Bỉ bên bờ vực tan vỡ

15:02 | 29/03/2016
“Nước Bỉ nhỏ bé đang đối diện với một kịch bản tương tự như Nam Tư trước đây”, theo nhà văn Jean-Baptiste Baronian viết trên tờ L’Express.
Thể
Bản sao bức tượng nổi tiếng Manneken Pis được người dân Brussels dùng để tưởng nhớ nạn nhân trong vụ tấn công hôm 22/3. (Nguồn: Reuters)

Chính giới đổ lỗi cho nhau

Bất chấp việc chính phủ và người dân Bỉ luôn tỏ ra lạc quan, hậu quả của vụ tấn công khủng bố đẫm máu tuần trước khiến hơn 30 người chết và gần 100 người đang phải điều trị tại bệnh viện, đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh Bỉ, đồng thời giáng đòn mạnh vào sự thống nhất và ổn định chính trị của đất nước này.

Bốn tháng trước, sau khi những kẻ cực đoan tấn công Paris (Pháp), Chính phủ Bỉ đã nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp nhằm đối phó với sự đe dọa từ các cá nhân Hồi giáo là thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại châu Âu. Các quan chức Bỉ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cứng rắn hơn, chẳng hạn như tăng cường theo dõi sát sao các đối tượng tình nghi.

Dù vậy, sau vụ tấn công hôm 22/3 ở Brussels, giới chức Bỉ vẫn bị chỉ trích nặng nề do những sai lầm của các cơ quan an ninh và tình báo. Những nhượng bộ nhằm gắn kết đất nước trong vài thập kỷ qua đã góp phần khiến cho chính quyền trung ương Bỉ khó điều hành các lực lượng bảo an, qua đó giúp các phần tử cực đoan dễ dàng hoạt động. Đáng chú ý, theo giới quan sát, việc gay gắt đổ lỗi cho nhau giữa những nhóm chính khách thuộc vùng nói tiếng Hà Lan và vùng nói tiếng Pháp đang đe dọa đến sự tồn vong của thể chế chính trị Bỉ.

Bất đồng sớm muộn xảy ra

Chủ Nhật tuần trước (27/3), hàng trăm người theo xu hướng cực hữu ở vùng Flanders (nói tiếng Hà Lan) đã tổ chức diễu hành tại quảng trường Bourse ở trung tâm Brussels – nơi vẫn được cho là biểu tượng của cộng đồng người nói tiếng Pháp tại Bỉ. Thị trưởng Brussels Yvan Mayeur đã bày tỏ sự tức giận của mình không chỉ với những cá nhân kể trên mà với cộng đồng người Flemish nói chung.

“Sự kiện ngày Chủ nhật không phải là hình ảnh vốn có của Brussels. Chính những người vùng Flanders đã làm xấu đi hình ảnh của Brussels bằng sự quá khích của họ”, ông Mayeur nói. Bên cạnh đó, ông Mayeur còn cáo buộc đảng dân tộc Flemish N-VA – đảng cầm quyền tại vùng nói tiếng Hà Lan – đã ngầm thúc đẩy tình trạng bất hòa giữa các khu vực.

Ngược lại, ông Bart de Wever, lãnh đạo đảng N-VA kiêm Thị trưởng thành phố Antwerp, đổ lỗi các nhà lãnh đạo cánh tả tại Brussels đã phạm nhiều sai lầm, khiến cho giới trẻ Hồi giáo tại Bỉ ngày càng đi theo xu hướng khủng bố cực đoan. Ông Wever nói trên tờ L’Express rằng: “Rõ ràng là họ đã quá mềm mỏng... Bên cạnh đó, những nhà lãnh đạo Brussels cũng đều muốn tranh thủ số phiếu bầu của những người nhập cư”.

Giáo sư Jean-Marie Klinkenberg tại Đại học Liège nhận định vụ tấn công khủng bố Brussels tuần trước đã làm nhanh hơn “sự tan rã của nhà nước Bỉ”. Phát biểu trên tờ Thời báo Chủ nhật (Le Journal de Dimanche) của Pháp, ông Klinkenberg đề cập đến chia rẽ chính trị và chính sách an ninh của vùng Flanders (nói tiếng Hà Lan) và vùng Wallonia (nói tiếng Pháp). “Giữa những người Flanders dân túy và người Wallonia có tư tưởng dân chủ xã hội, bất đồng sớm muộn sẽ xảy ra, đặc biệt là vấn đề an ninh”.

(tổng hợp)