📞

Thị trường vũ khí phức tạp, chỉ dấu của chạy đua vũ trang, bất ổn

Vũ Đăng Minh 16:00 | 09/10/2021
Mua bán vũ khí là một tiêu chí quan trọng thể hiện vị thế trong quan hệ đồng minh, đối tác.

Trong 5 năm qua (2016-2020), hoạt động xuất nhập khẩu vũ khí, phương tiện quân sự trên thế giới có dấu hiệu chững lại, sau một thập niên liên tục gia tăng. Tuy nhiên, khối lượng, tổng giá trị các hợp đồng mua bán vũ khí vẫn là con số lớn và tiếp tục tăng ở một số khu vực, quốc gia.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), lượng vũ khí nhập khẩu của các nước Trung Đông tăng 25% so với giai đoạn 2011-2015.

Chạy đua vũ trang thúc đẩy gia tăng lượng mua bán vũ khí trên toàn cầu.

Năm 2020, thế giới đứng trước nhiều thách thức do suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhưng chi tiêu quốc phòng của các nước vẫn tăng 2,6% so với 2019, một phần lớn dành cho chế tạo, mua sắm vũ khí. Gần đây, vẫn xuất hiện những hợp đồng khủng.

Chẳng hạn, thỏa thuận mua 50 máy bay tàng hình F-35, 18 máy bay không người lái (UAV) giữa Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Mỹ trị giá 23 tỷ USD hay thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân lịch sử giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS)…

Diễn biến thị trường xuất nhập khẩu vũ khí có gì đáng chú ý? Đâu là nguyên nhân? Có gì ẩn chứa sau các hợp đồng mua bán vũ khí khủng? Nhiều câu hỏi cần giải đáp. Có thể rút ra một số vấn đề chính sau:

Thứ nhất, xuất khẩu vũ khí mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các cường quốc. Năm 2019, doanh thu của 25 tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới là 361 tỷ USD, tăng 8.5% so với năm trước.

Trong đó, Mỹ có 12 tập đoàn, doanh thu 221,2 tỷ USD; Trung Quốc có 4 tập đoàn, doanh thu 56,7 tỷ USD; Nga có 2 tập đoàn, doanh thu 13,9 tỷ USD. Chỉ trong tháng 7/2020, Mỹ ký hợp đồng bán vũ khí trị giá 32 tỷ USD với một số nước ở Thái Bình Dương.

Lợi nhuận cao, nên nhiều quốc gia muốn “khuấy đục nước” thông qua can dự, hiện diện quân sự, kích thích chạy đua vũ trang.

Học giả quốc tế cho rằng tiềm ẩn cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, giống như giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Chạy đua giữa 2 nước lớn lôi cuốn các đồng minh, đối tác của họ vào cuộc. Chạy đua vũ trang thúc đẩy gia tăng lượng mua bán vũ khí trên toàn cầu.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 khẳng định “chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế…”; “phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang”...

Thứ hai, thách thức an ninh, nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang, nội chiến, khủng bố, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo… vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực. Mối đe dọa, thách thức an ninh gia tăng kéo theo nhu cầu nhập khẩu vũ khí tăng.

Các cuộc chiến tranh cục bộ vừa qua và cuộc chiến ở Syria là hình thức quảng cáo hữu hiệu cho các loại vũ khí tiên tiến.

Hành động quân sự hóa, cưỡng ép, đe dọa chủ quyền, lợi ích của các quốc gia ven biển và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là nguyên nhân chính thúc đẩy các nước trong khu vực hiện đại hóa vũ khí trang bị. Trung Đông và một số khu vực khác ở châu Á vẫn tồn tại các điểm nóng, nguy cơ xung đột, chiến tranh. Đó cũng là những khu vực nhập khẩu vũ khí nhiều nhất.

Thứ ba, chế tạo, xuất khẩu các loại vũ khí công nghệ cao là thể hiện vị thế, sức mạnh quốc gia. Ngoài lợi ích kinh tế, các nước lớn thông qua xuất khẩu vũ khí để củng cố, mở rộng liên minh, liên kết với đồng minh, đối tác nhằm kiềm chế, đối phó với đối thủ; gia tăng vai trò, ảnh hưởng và lợi ích chiến lược ở khu vực, các quốc gia khác. Thỏa thuận AUKUS là một trường hợp như thế.

Thứ tư, các quốc gia nhập khẩu vũ khí với mục đích khác nhau. Đa số là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, đối phó với thách thức an ninh từ bên ngoài và bên trong. Có những nước tung tiền mua vũ khí hiện đại nhằm gia tăng sức mạnh quân sự, can dự, tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Có chính phủ chủ yếu dựa vào vũ khí để tồn tại, hoặc lấy việc mua vũ khí để gia tăng quan hệ với nước lớn, củng cố liên minh.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 khẳng định “chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế…”; “phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách đối ngoại quốc phòng, người trực tiếp chỉ đạo hoạch định nhiều chiến lược về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nêu quan điểm: “Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn”.

Chúng ta chủ trương xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia, lực lượng vũ trang, trong đó vũ khí trang bị là một nội dung. Mua bao nhiêu, loại vũ khí gì… phụ thuộc vào yêu cầu, đủ để bảo vệ Tổ quốc, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Thứ năm, mua bán các loại vũ khí công nghệ cao có những nguyên tắc chặt chẽ. Không phải ai mua gì cũng bán, bán gì cũng mua. Có những loại vũ khí, công nghệ không bán, không chuyển giao (như vũ khí hạt nhân, vũ khí chiến lược) hoặc chỉ bán, chuyển giao hạn chế cho số ít đồng minh tin cậy (như công nghệ tàu ngầm hạt nhân).

Mua bán vũ khí là một tiêu chí quan trọng thể hiện vị thế trong quan hệ đồng minh, đối tác. Thỏa thuận AUKUS cho thấy Anh, Australia là đồng minh tin cậy, ưu tiên của Mỹ. Ngược lại, Pháp, đồng minh lâu đời của Mỹ cảm thấy bị cho ra rìa.

Các nước mua vũ khí của Mỹ thường gắn với ràng buộc chính trị và có thể bị phụ thuộc về công tác bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế.

Thứ sáu, việc mua bán vũ khí cũng đặt quan hệ đồng minh, đối tác trước những tình huống phức tạp, nhạy cảm. Ngoài thỏa thuận AUKUS, còn nhiều trường hợp cũng không kém phần gay cấn.

Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án chuyển giao máy bay F-35 vì Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Trước thái độ lạnh nhạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ hợp tác công nghiệp quốc phòng, quân sự với Nga, mua thêm hệ thống S-400 thứ hai.

Hợp đồng mua bán vũ khí trở thành một công cụ để mặc cả, gây sức ép. Nó không chỉ gây chia rẽ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trong nội bộ NATO.

Mỹ lo ngại, phản đối hợp đồng mua bán vũ khí 5 tỷ USD giữa Ấn Độ và Nga, nhưng cũng bối rối trong xử lý. Không thực thi đạo luật trừng phạt quốc gia có quan hệ mua bán vũ khí với đối thủ sẽ mất uy. Trừng phạt Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với một thành viên quan trọng của Bộ tứ (Quad).

Nga vừa cung cấp máy bay Su-35 thế hệ 4++ với Trung Quốc vừa cung cấp hệ thống S-400, tàu ngầm, tàu sân bay cho Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ vừa là thành viên Bộ tứ vừa có vấn đề căng thẳng về biên giới với Trung Quốc. Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau trước sức ép từ Mỹ và phương Tây.

Rõ ràng, việc mua bán vũ khí chịu tác động từ sự đan xen liên kết, đan xen lợi ích phức tạp. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ chằng chéo giữa các quốc gia, cả đồng minh, đối tác và đối thủ.

Tên lửa trưng bày tại Bảo tàng Quân sự ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Thứ bảy, thế giới còn tiềm ẩn các nguy cơ, thách thức an ninh, nên các quốc gia vẫn tiếp tục hiện đại hóa quân đội, vũ khí trang bị quân sự. Với quốc gia này, vũ khí là công cụ thể hiện sức mạnh, để gây sức ép, đe dọa, trục lợi từ xung đột, chiến tranh. Nhưng với quốc gia khác, nó là công cụ để bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh.

Mục đích sử dụng là cơ sở quan trọng để quyết định khối lượng, chủng loại vũ khí cần chế tạo, mua sắm, trang bị cho quân đội. Đồng thời, đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản để đánh giá việc xuất, nhập khẩu vũ khí của quốc gia có trở thành mối đe dọa an ninh các quốc gia khác không.

Thứ tám, thách thức an ninh, nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang, khủng bố, tranh giành ngôi vị lãnh đạo, lợi ích quốc gia… thúc đẩy chạy đua vũ trang, là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp tác động đến thị trường mua bán vũ khí.

Sự phức tạp, mất kiểm soát của thị trường vũ khí là biểu hiện sự phức tạp của thế giới và chính nó góp phần làm cho thế giới thêm bất ổn, phức tạp.

Trong thời gian tới, các yếu tố tác động đến thị trường xuất nhập khẩu vũ khí vẫn tồn tại. Kinh tế suy thoái, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, nên về tổng thể, thị trường mua bán vũ khí thế giới có thể chững lại. Nhưng ở một số quốc gia, khu vực, hoạt động xuất nhập khẩu vũ khí vẫn gia tăng.

Thị trường vũ khí phát triển nóng, thiếu sự kiểm soát của các hiệp ước, cơ chế, là biểu hiện của chạy đua vũ trang, chỉ dấu của bất ổn.