Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định chiến dịch của nước này tại Iraq là nhằm bảo vệ an ninh biên giới quốc gia trước PKK. (Nguồn: NurPhoto) |
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã sử dụng các đơn vị biệt kích và các lực lượng đặc biệt với sự hỗ trợ của các máy bay không người lái và trực thăng tấn công các căn cứ của PKK tại các vùng Metina, Zap và Avashin-Basyan phía Bắc Iraq.
Theo bộ trên, việc phát động chiến dịch Claw-Lock dựa trên đánh giá thông tin về việc PKK đang chuẩn bị “một cuộc tấn công quy mô lớn” nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ từ các căn cứ mới được xây dựng ở miền Bắc Iraq.
Cũng như các chiến dịch diễn ra vào các năm 2020, 2021 nhằm vào các mục tiêu của PKK trên lãnh thổ Iraq, chiến dịch Claw-Lock lần này của Ankara nhận được sự ủng hộ gần như của các đảng dân tộc chủ nghĩa thân chính phủ.
Theo nhật báo dân tộc chủ nghĩa Yeni Safak, khác với các lần trước đó, chiến dịch lần này không chỉ dừng ở việc tấn công các mục tiêu của PKK mà còn nhằm “thiết lập các căn cứ trong khu vực, ngăn cản PKK vượt qua biên giới” tấn công vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2023, Ankara đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng...
Năm 2021, đồng Lira mất giá 44% so với đồng USD. Tháng 1/2022, tỷ lệ lạm phát là 48,69%/năm và trong tháng 3/2022 vượt mức 60%/năm.
Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã ba lần thay đổi thống đốc. Cùng thời gian, Cơ quan thống kê quốc gia đã năm lần thay đổi người đứng đầu.
Các con số trên đều là kỷ lục trong suốt 20 nắm quyền của đảng Công lý và Phát triển (AKP) và cũng là 20 năm của kỷ nguyên Erdogan.
Vì những lý do này, nhiều người cho rằng chiến dịch Claw-Lock nhắm vào các mục tiêu của PKK trên lãnh thổ Iraq là chiến thuật của ông Erdogan nhằm hướng dư luận ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước.
Nhật báo kinh tế Dünya của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, chính phủ đưa ra câu chuyện này như vấn đề mang tính sống còn, vượt lên trên cả thất nghiệp và đói khổ, và bởi vậy, nó đòi hỏi (người dân) phải kiên nhẫn hơn một chút...
Hơn thế, chiến dịch quân sự có thể tạo ra chia rẽ giữa các đảng phái đối lập, có lợi cho đảng cầm quyền (AKP).
Điều này càng đúng khi thực tế 20 nắm quyền của ông Erdogan cho thấy ông là bậc thầy trong quản trị, hay nói đúng hơn là tạo ra khủng hoảng, để đảm bảo quyền lãnh đạo của ông và AKP.
Cũng vì lý do này, đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) đối lập, ủng hộ đối thoại với PKK, đã cho rằng kế hoạch quân sự của Ankara nhằm vào lãnh thổ Iraq là “một chiến dịch không phục vụ lợi ích quốc gia, không mang lại bất cứ giải pháp nào cho vấn đề người Kurd và (chính phủ) đang dùng chiến dịch này để che đậy thực tế nghèo đói đang ngày càng lan rộng trong nước”.
Trên trang Twitter, đảng HDP cho rằng, cuộc chiến này chính là vì sự tồn vong của AKP, khi còn nhiều thách thức đang ở phía trước ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023 tới.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.