Vốn bị chỉ trích là “khô như ngói”, Gordon Brown nay đã biết cách “lấy lòng” công chúng bằng những lời nói bông đùa. Còn nhớ cách đây một tháng, uy tín của ông Brown đã “chạm đáy” kỷ lục. Thời gian tại vị của ông lúc đó chỉ còn được tính bằng tháng, thậm chí là bằng tuần khi đối mặt với những âm mưu “tạo phản” ngay trước thềm Hội nghị Công đảng thường niên.
Vậy mà chỉ trong vài ngày, ông Brown, vốn bị công luận chỉ trích là quá thận trọng và thiếu quyết đoán, đã khiến cho người Anh phải nhìn ông với con mắt hoàn toàn khác bằng hai quyết định chính trị dũng cảm và đầy bất ngờ. Quyết định thứ nhất là tiến hành cải tổ nội các trong một nỗ lực nhằm cứu vớt tương lai chính trị của mình. Gordon Brown đã cho mời “cựu thù” - Cao ủy thương mại Liên minh châu Âu (EU) Peter Mandelson - về nắm ghế Bộ trưởng Thương mại.
Đây là một quyết định gây “sốc” khi ông Mandelson chính là người từng ủng hộ mạnh mẽ Tony Blair trở thành Thủ tướng cách đây hơn một thập kỷ. Hơn nữa, Peter Mandelson còn được báo chí mệnh danh là “quỷ Satan” với “biệt tài” tạo phản và có một bản lý lịch không mấy sáng sủa. Dưới thời Tony Blair, Peter Mandelson đã hai lần phải từ nhiệm sau các vụ “tai tiếng” liên quan đến tiền bạc. Tuy nhiên, các nhà bình luận chính trị buộc phải công nhận rằng cựu Cao ủy Thương mại EU mang lại cho ông Brown hai lợi thế “nhãn tiền”. Thứ nhất, với nhiều năm kinh nghiệm trên cương vị người đại diện cho EU tại Vòng đàm phán Doha của WTO, Peter Mandelson sẽ giúp ích cho ông Brown rất nhiều trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thứ hai, Peter Mandelson, một nhân vật thân cận của Thủ tướng tiền nhiệm, sẽ giúp ông Brown tránh khỏi nguy cơ một cuộc “đảo chính” của phái Blair trong nội bộ Công đảng.
Quyết định thứ hai là kế hoạch giải cứu ngân hàng không kém phần táo bạo trị giá gần 500 tỷ bảng Anh. Chỉ trong vài ngày, ông Brown đã quốc hữu hóa một phần lĩnh vực ngân hàng của nước này mà không gây ra một sự chống đối nào như thường thấy từ phía đảng đối lập. Ông Brown thậm chí còn được tung hô khắp nơi như là “người hùng” hay “cứu tinh” của kinh tế thế giới. Cho đến thời điểm này, kế hoạch giải cứu ngân hàng mang tính “cách mạng” của ông Gordon Brown là nguồn cảm hứng và hình mẫu cho nhiều quốc gia Âu, Mỹ và Á noi theo để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ở trong nước, thủ lĩnh đảng Bảo thủ David Cameron không còn biết phải làm gì ngoài việc ủng hộ kế hoạch của chính phủ và khoanh tay đứng nhìn đối thủ của mình thẳng tiến. Cuộc chiến chống khủng hoảng tài chính đang mang lại cho ông Brown thêm hy vọng lật ngược thế cờ giống như thành công mà “Bà đầm thép” Margaret Thatcher có được sau cuộc chiến tranh chấp chủ quyền hòn đảo Falkland tại giữa Anh và Argentina năm 1982.
Từ một kẻ được cho là “gần như đã chết về mặt chính trị”, Gordon Brown, vốn từng có thâm niên ở vị trí Bộ trưởng Tài chính, đã có một cú bứt phá hết sức ngoạn mục làm thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị. Theo một cuộc thăm dò dư luận được đăng trên tờ The Independent số Chủ nhật tuần qua, khoảng cách giữa Công đảng và đảng Bảo thủ đã được rút ngắn từ hơn 20 điểm, xuống còn 9 điểm, mức thấp nhất từ gần 8 tháng nay.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà bình luận quốc tế, “khoảng lặng” này cần được ông Brown tận dụng để lại sức trước khi bước vào cuộc thử thách tiếp theo trong cuộc bầu cử địa phương tại Glenrothes (Scotland) ngày 6/11 tới, nơi được cho là “thành trì” của Công đảng. Nếu Công đảng thất thủ tại đây, đó sẽ là thất bại lần thứ 3 liên tiếp kể từ giữa năm đến nay và điều đó chắc chắn sẽ lại thổi bùng lên làn sóng nổi loạn trong nội bộ Công đảng, tạo cơ hội chỉ trích cho đảng Bảo thủ hiện vẫn phải “im hơi lặng tiếng” vì lợi ích tối thượng của đất nước. Chưa kể đến việc dù kịp thời có kế hoạch giải cứu ngân hàng thì nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế không phải là đã hết. Nếu không được phòng ngừa tốt, nó có thể sẽ làm tắt nụ cười của ông Brown.
Hữu Chiến