Lớn lên tại một trang trại sản xuất bơ sữa ở vùng nông thôn Queensland, cậu bé Rudd không có vẻ gì sẽ trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, vốn “ngại” làm việc trong chuồng bò, cậu đã tránh xa trang trại cùng với cuốn sách nghiên cứu về khảo cổ châu Á. Khi học đại học, Rudd cũng chọn chuyên ngành châu Á. Tiếp đó, ông được cử giữ các vị trí ngoại giao ở Thụy Điển và Trung Quốc. Vừa nhậm chức, ông đã đặt bút ký vào Nghị định thư Kyoto về sự ấm lên toàn cầu, điều mà người tiền nhiệm John Howard không làm.
“Ông có thể ngồi cả ngày ở Quốc hội, và do sự lệch múi giờ, ông có thể nói chuyện với các nhà lãnh đạo của các nước khác vào giữa đêm”, Michael Fullilove, Giám đốc chương trình các vấn đề toàn cầu tại Học viện Lowy ở Sydney, nói. Người ta cho rằng từ các cuộc “nói chuyện đêm khuya” đó, ông Rudd đã nhận ra rằng nếu đất nước Australia với 21 triệu dân phải đối mặt với 3 thách thức là suy thoái kinh tế, thay đổi khí hậu và sự thay đổi bản sắc văn hóa nhanh chóng, Australia cũng sẽ phải chấp nhận ba sự thật: thế giới đang kết nối với nhau, thách thức của mỗi quốc gia là như nhau và các thách thức này chỉ được giải quyết khi các quốc gia phối thống nhất hành động với nhau.
Với nhận thức đó, năm 2008 ông nêu đề xuất đầy tham vọng thành lập Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020. Nhóm này sẽ gắn kết Mỹ và châu Á trong một diễn đàn an ninh khu vực để tạo sự ổn định cho khu vực mà ông cho là “dễ vỡ” này. Theo đề xuất của ông, sẽ có một tam giác gắn kết Australia với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đó không phải là một điều dễ dàng với Australia và nhiều người đã xem đề xuất của ông là “hão huyền”.
Hiện Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Australia. Suy thoái toàn cầu khiến nhu cầu từ Trung Quốc giảm đã ảnh hưởng mạnh tới công nghiệp khai khoáng của Australia. Tuy nhiên, Sách trắng quốc phòng Australia ra hồi tháng 5 vừa qua đã đề cập tới sự nổi lên của Trung Quốc như một lý do để Australia tăng cường sức mạnh quân sự. Vừa phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, lại vừa xem tham vọng của Trung Quốc là một nguy cơ, Australia khó mà làm bạn được với Bắc Kinh đúng như ý đồ của ông Rudd, dù ông có là lãnh đạo nước ngoài duy nhất có thể nói chuyện được với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bằng tiếng Trung.
Trong khi đó, sự giao thiệp của ông với Tổng thống Mỹ Obama có thể xem là “vừa đủ”. Trong một dấu hiệu bày tỏ thiện chí, hồi tháng 4 ông tuyên bố Australia sẽ gửi thêm 450 quân tới Afghanistan, nơi đã có 1.100 binh sĩ Australia - ngay cả khi ông bắt đầu thực hiện cam kết khi tranh cử là rút quân Australia ra khỏi Iraq. Tuy nhiên, ông đã phải rất tế nhị khi nói về kỷ nguyên mới của châu Á - Thái Bình Dương với Trung Quốc đóng vai trò đứng mũi chịu sào mà không đề cập tới quyền lực đang giảm của Mỹ.
Kinh tế toàn cầu suy thoái có thể khiến Mỹ và Trung Quốc đứng cùng một phía, nhưng họ cũng dễ mâu thuẫn nhau về nhiều vấn đề. Nếu ông Rudd có thể lèo lái được mối quan hệ thân thiện và nồng ấm với cả Mỹ và Trung Quốc, ông sẽ tạo được “sự khác biệt” như mong muốn từng được ông bày tỏ với tạp chí Time. Ông cho rằng tình hình hiện nay khiến các nước không thể hành động đơn phương. Với tư cách một người dân Australia luôn nỗ lực để được coi trọng trên thế giới (theo nhận xét của William Tow - chuyên gia thuộc ĐH quốc gia Australia), ông Rudd tin mình có sức mạnh của một chính sách ngoại giao sáng tạo “là bạn của mọi người, không là kẻ thù của bất kỳ ai” để thực hiện sáng kiến của mình.
Mai Anh (Lược dịch theo Time)