Vì sao Việt Nam được chọn là địa điểm cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, thưa ông?
Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, đặc biệt là sau khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017. Đây là những dịp để Việt Nam có thể giới thiệu về đất nước mình. Tôi cho rằng, Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ giúp Việt Nam trở thành cầu nối cho hai nước Mỹ, Triều Tiên và có vị trí trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Triều – Mỹ. Trước đây, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Đại sứ Dương Chính Thức đã có nhiều năm sống, học tập và làm việc tại Triều Tiên. (Nguồn: Soha.vn) |
Nhiều người còn có ý "ngại" về nhân tố Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng có mong muốn đăng cai Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Nhưng gặp gỡ ở Trung Quốc thực sự không thuận cho cả hai phía.
Theo ông, tính cách của Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng như thế nào đến Thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Ông Trump được biết đến là một vị Tổng thống “cá tính”, nhiều khi nói thế nhưng làm lại hơi khác. Nhưng nhìn kỹ, với thượng đỉnh Mỹ - Triều, trên cương vị Tổng thống, người đứng đầu đất nước số một thế giới, ông Trump sẽ không nói “đùa”. Việc ông Trump chấp nhận gặp gỡ ông Kim Jong-un là một mong muốn thực chất và để có được cuộc gặp thượng đỉnh lần này cũng là xuất phát thiện chí từ cả hai phía.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội đang thu hút cao sự quan tâm của giới bình luận, phân tích chính trị thế giới. (Nguồn: AP) |
Nếu Tổng thống Trump đã thiện chí thì theo ông, Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã có sự thiện chí đáp lại?
Tôi nghĩ rằng đã có. Cuối năm 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nêu phương hướng phát triển đất nước và trong năm 2018, ông đã đi đúng kế hoạch đề ra. Ông Kim cũng đã làm được nhiều việc kể từ sau khi kết thúc Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore.
Triều Tiên mong muốn Mỹ thực hiện lời hứa như Triều Tiên đã và thực hiện lời hứa với Mỹ. Bình Nhưỡng đã có những bước đi cụ thể phá hủy các cơ sở sản xuất hạt nhân, góp phần tạo ra không khí hòa dịu.
Gần đây, Hàn Quốc cũng có những cử chỉ thân thiện với Triều Tiên. Hy vọng Mỹ thiện chí hơn nữa tại Thượng đỉnh lần này để hợp tác hai miền Triều Tiên trở nên suôn sẻ.
Hiện nay, rào cản lớn trong hòa giải hai miền Triều Tiên là bao vây, cấm vận của Mỹ với Triều Tiên. Từ tháng 6/2018, tình hình bán đảo Triều Tiên đã thay đổi rất nhiều, là một tín hiệu tích cực mang tính lịch sử.
Về quan hệ Việt Nam – Triều Tiên, ông có những đánh giá như thế nào?
Quan hệ Việt Nam – Triều Tiên chưa có nhiều tiến triển nhưng đã bắt đầu có những tín hiệu sáng. Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 Quốc khánh Triều Tiên, Bí thư Trung ương Đảng Trần Thanh Mẫn đã sang thăm Triều Tiên. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cũng đã sang thăm Việt Nam, và gần đây nhất, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã thăm Triều Tiên cho thấy quan hệ hai nước đang phát triển. Tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như kết quả của các cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng sẽ tạo không khí hợp tác phát triển giữa Triều Tiên và Việt Nam.