Trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương đã trao đổi với Thế giới & Việt Nam về cuộc gặp được đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Thiếu tướng, PGS. TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an. (Nguồn: Lao động) |
Bước đi không vội vã
Như ông đã thấy, Tổng thống Mỹ Joe Biden lựa chọn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi chưa có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dư luận về vấn đề này rất khác nhau. Người thì cho rằng phải chăng gặp Nga trước vì Nga quan trọng hơn Trung Quốc, mối đe dọa từ Nga nguy hiểm hơn vì Nga có lực lượng quân sự rất mạnh – mạnh hơn Trung Quốc, lại có người nói Mỹ cần khôi phục quan hệ với Nga để đối trọng với Trung Quốc…. Lý giải của ông về điều này?
Trước hết việc Tổng thống Mỹ chọn gặp ông Putin không phải là một điều ngẫu nhiên mà kế hoạch đã được đưa ra từ cách đây 3 tháng, và là bước đi được tính toán rất cẩn thận trong chiến lược của chính quyền Biden cả trước mắt lẫn lâu dài.
Chiến lược an ninh quốc gia của tháng 12/2017, chiến lược quốc phòng tháng 1/2018 và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tháng 6/2019 - ba văn bản chính thức, quan trọng nhất của Mỹ đều xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Mỹ trong thế kỷ XXI. Chính thức từ năm 2017, Mỹ luôn xác định Trung Quốc là đối thủ số 1 của mình, Nga rơi vào vị trí thứ hai.
Nhận thức này xuất phát từ thực tế tiềm lực kinh tế của Nga hiện thua xa nếu so với Trung Quốc. Vì vậy, dù có sức mạnh quân sự đáng gờm nhưng mức độ tham vọng của Nga cũng chỉ giới hạn trong vành đai ảnh hưởng địa chính trị xung quanh nước này thay vì tham vọng mang tính toàn cầu như Trung Quốc.
Các chiến lược của Mỹ và ngay trong tuyên bố của Tổng thống Joe Biden khi nhậm chức ngày 20/1/2021 cũng xếp Trung Quốc trước Nga trong những vấn đề đối ngoại cần giải quyết.
Tuy nhiên, ông Biden chọn đối thoại với Nga có lẽ xuất phát từ kinh nghiệm hơn 40 năm trên chính trường, đó là “dễ làm trước, khó để sau”. Và rõ ràng, đối với Mỹ, Nga vẫn dễ chịu hơn Trung Quốc.
Ông nhận định thế nào về bối cảnh quốc tế, trong nước trước khi hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đi đến cuộc gặp tại Geneva lần này và theo ông, họ mang theo những “vốn liếng” gì đến cuộc gặp?
Về quốc tế, bức tranh chung là hiện thế giới vẫn đang gồng mình chống dịch Covid-19 đang bước vào làn sóng thứ 3, thứ 4. Trong năm 2021, ở một số nơi, nhất là ở Mỹ, Trung Quốc, Nga, một phần châu Âu, dịch bệnh tạm ổn, nên các nước chuyển dần từ trọng tâm chống dịch trong năm 2020 sang vừa chống dịch, vừa khôi phục kinh tế trong năm 2021.
Ở Mỹ, sau 5 tháng giữ trọng trách ông chủ Nhà Trắng, ông Biden có một số thành tích thuyết phục, được người Mỹ công nhận. Thứ nhất, Mỹ đã tập trung toàn lực chống Covid-19 và tình hình dịch bệnh trong nước đã tạm yên ổn. Nhờ chống dịch Covid-19 có kết quả mà kinh tế Mỹ bắt đầu khởi sắc. Qua đó, các vấn đề xã hội tạm ổn hơn trước.
Thứ hai, về đối ngoại, trước khi gặp ông Putin, ở phía Đông, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã “làm việc” với Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc; họp trực tuyến với nhóm Bộ tứ (cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) và tổ chức cuộc gặp 2+2 với Trung Quốc.
Về phía Tây, trong chuyến công du nước ngoài 8 ngày với việc tham gia các hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO, ông Biden đã bước đầu hàn gắn vết thương, rạn nứt quan hệ Mỹ-châu Âu dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump; để có thêm thế và lực trước khi bước vào cuộc gặp với ông Putin.
Đây là một quá trình chuẩn bị rất chu đáo với các bước đi được tính toán cẩn thận, chứ không hề “vội vàng” như một số phân tích trên báo chí về cuộc gặp.
Cả trong nước, ngoài nước, cả quan hệ đồng minh, bạn bè ở phía Đông, phía Tây, đều tạo điều kiện cho ông Biden đến gặp Tổng thống Putin với tư cách là một nhà lãnh đạo, không chỉ có kinh nghiệm về chính trị mà sau lưng là một nước Mỹ đã ổn định một phần, mối quan hệ với các đồng minh ở Đại Tây Dương cũng được củng cố.
Hơn nữa, địa điểm đăng cai Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva cũng gợi nhớ cuộc gặp năm 1985 giữa các nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ, tạo đột phá trong quan hệ hai cường quốc.
Riêng với ông Putin, năm 2020 là năm khó khăn, nhưng quá trình “chèo lái con tàu Nga” những năm trước đây và những tháng đầu năm 2021 khi thông qua sửa đổi Hiến pháp để tạo ra sự đồng thuận trong nước, có thể nói nội bộ nước Nga cơ bản ổn định sau 7 năm bị bao vây cấm vận. Nga không sụp đổ, vẫn đứng vững, thậm chí có bước phát triển cho dù chậm chạp. Đó là vốn liếng, tư thế của ông Putin.
Trước Thượng đỉnh, Nga còn tổ chức tập trận ở giữa Thái Bình Dương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, huy động lực lượng khổng lồ các phương tiện hiện đại nhất - tàu chiến, tàu ngầm, máy bay…
Phải chăng Tổng thống Putin muốn gửi thông điệp đến Tổng thống Biden rằng nên hợp tác với nhau và chỉ có lợi khi hợp tác?
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cơ hội thoát khỏi ‘mắt bão’ và duy trì ‘ngọn lửa đối thoại’ |
Lợi ích là số 1
Ông Biden chính là người đã chủ động đề xuất cuộc gặp với ông Putin. Vậy theo ông, mục tiêu của cuộc gặp này, với tổng thống Mỹ, là gì?
Có người cho rằng cuộc gặp có khả năng sẽ tạo ra đột phá, hoặc sẽ cài đặt lại quan hệ Mỹ-Nga như đã từng diễn ra năm 2010 thời Tổng thống Obama, hay sẽ giúp “phá băng” mối quan hệ hiện nay…
Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc gặp này, ưu tiên hàng đầu, mục tiêu số 1 của Tổng thống Mỹ phải là thúc đẩy lợi ích của Mỹ, giảm nguy cơ nảy sinh tính toán sai lầm từ hai phía, khi quan hệ hai bên đã rơi xuống mức thấp nhất.
Hồi tháng 3, Tổng thống Biden gọi ông Putin là “kẻ sát nhân”, Nga triệu hồi Đại sứ từ Washington về để tham vấn; tháng 4 Mỹ cũng rút Đại sứ tại Moscow về nước. Đây là những điều rất hy hữu trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhận thức của Tổng thống Biden đã có sự thay đổi khi việc duy trì quan hệ ở mức thấp nhất đối với Nga không có lợi cho chiến lược đối nội lẫn đối ngoại của Mỹ, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nước này.
Vì thế, ông Biden đã lựa chọn gặp Tổng thống Putin, trước mắt không để quan hệ hai nước xuống thấp hơn nữa.
Dù vậy, tôi cho rằng không nên kỳ vọng vào việc “cài đặt” lại quan hệ mà khả thi hơn là “phá băng”, trước hết giảm nguy cơ tính toán sai lầm của hai phía, từng bước đi vào quỹ đạo cần thiết, ổn định và từ đó duy trì “cầu quan hệ” hai bên.
Vậy những vấn đề gì sẽ được ông Biden và ông Putin đặt lên bàn nghị sự, thưa ông?
Chương trình hội đàm được giữ kín đến tận ngày 14/6 nhưng thông qua nhiều nguồn tin thì có thể sơ bộ nhận định đó là những vấn đề song phương, đa phương, toàn cầu, vấn đề của Mỹ và Nga.
Đối với các vấn đề toàn cầu, cách khôn ngoan nhất là lựa chọn vấn đề dễ làm trước. Nga, Mỹ có thể hợp tác với nhau từ chống Covid-19, chống biến đổi khí hậu, đến chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, vấn đề về Bắc cực...
Về quan hệ song phương, chắc chắn ông Biden sẽ đề cập những điểm nóng liên quan đến Ukraine như Crimea, xung đột ở Donbass; ngoài ra còn có vấn đề về cáo buộc tin tặc Nga can thiệp các cuộc bầu cử, phá hoại các hoạt động kinh tế, quốc phòng hay sự khó chịu của Mỹ, EU về cách đối xử không công bằng của Nga với các nhân vật đối lập…
Mỹ cũng rất cần tiếng nói của Nga để tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Iran, hay xung đột ở Libya, Syria...
Nhưng tôi cho rằng, với kinh nghiệm 40 năm làm chính trị, ông Biden sẽ rất chủ động, chững chạc, bình tĩnh, nghiêm túc, không mang thái độ bài bác, chỉ trích, hay thù địch khi đưa ra các vấn đề trên.
Ngược lại, Tổng thống Putin cũng sẽ muốn có được câu trả lời từ người đồng cấp Mỹ về việc bố trí hệ thống vũ khí hạng nặng ở khu vực Baltic và Đông Âu, sát biên giới với Nga, nó vi phạm cam kết giữa Mỹ với Liên Xô (cũ) năm 1989.
Ông Putin cũng có thể yêu cầu ông Biden đưa ra chứng cứ cụ thể liên quan đến các cáo buộc đối với tin tặc Nga, vốn được lực lượng chống Nga ở Mỹ lợi dụng đưa ra thường xuyên.
Hàng loạt vấn đề sẽ được hai nhà lãnh đạo trao đổi nhưng tôi nghĩ là sẽ dựa trên quan điểm thẳng thắn, đúng mức, nghiêm túc và tôn trọng lẫn nhau.
Tòa nhà Villa La Grange ở Geneva, địa điểm từng tổ chức cuộc gặp Mỹ-Xô năm 1985 là nơi diễn ra Thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/6. (Ảnh: Getty Images) |
Từng bước phá băng
Vậy ông dự báo, đánh giá thế nào về kết quả cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin?
Có nhiều cách đánh giá khác nhau. Đơn giản nhất là có thể nói từ chỗ không gặp nhau đến việc hai bên đồng ý gặp nhau đã là thành công về phương diện ngoại giao, dù hai bên có ra tuyên bố chung hay không.
Về kết quả, như trên đã nói, chúng ta không thể mong đợi cuộc gặp sẽ cài đặt lại quan hệ Mỹ - Nga, mà chỉ nên hy vọng hai nước sẽ từng bước “phá băng”, đưa quan hệ hai nước ra khỏi “mắt bão”, duy trì ngọn lửa đối thoại với các cuộc gặp tiếp theo ở những cấp độ khác nhau.
Quan trọng nhất đã giải quyết được vấn đề ổn định chiến lược quan hệ, như mong muốn của Biden về một mối quan hệ “ổn định và dễ đoán định” với Nga.
Theo ông, những ai sẽ quan tâm nhất đến cuộc gặp thượng đỉnh này?
Mỹ là siêu cường. Nga là cường quốc quân sự thứ 2 thế giới. Toàn bộ vấn đề phát triển và an ninh châu Âu-Đại Tây Dương xoay quanh mối quan hệ Nga-Mỹ, cho nên cuộc gặp được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, nhất là các nước Liên minh châu Âu (EU).
4 năm nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ-EU đã đi lạc hướng. Nếu quan hệ Nga-Mỹ tốt hơn sẽ khiến châu Âu lo lắng. Nhưng dưới thời ông Biden thì khác. Quan hệ Nga-Mỹ về mặt chiến lược ổn định thì châu Âu cũng có lợi, có điều kiện phát triển kinh tế.
Thứ hai, trong bối cảnh Mỹ-Trung cạnh tranh nhau ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì Nga là một nhân tố thứ ba. Nga vẫn đóng vai trò là bên có thể làm lệch cán cân Mỹ-Trung. Bởi thế, Trung Quốc là nước theo dõi hết sức chặt chẽ mọi động thái diễn biến quan hệ đặc biệt cuộc gặp này.
Thứ ba, những nước khu vực Baltic, Đông Âu hay Syria sẽ có những phân vân, lo ngại nhất định về thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Việt Nam cũng rất quan tâm đến quan hệ Nga-Mỹ. Nga là đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ là đối tác toàn diện của chúng ta. Ta có lợi ích lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với cả Mỹ và Nga.
Kết quả thuận lợi từ cuộc gặp này sẽ góp phần đem lại lợi ích, cơ hội cho Việt Nam.
Đánh giá khái quát nhất, ngắn gọn nhất về Thượng đỉnh Biden-Putin thì ông sẽ nói thế nào?
Tôi cho rằng sau cuộc gặp, quan hệ hai nước sẽ bước vào thời kỳ mới ổn định hơn, chắc chắn sẽ không trở lại thời kỳ xấu nhất như cuối năm 2020 đầu năm 2021.
Về phía Nga, cuộc gặp sẽ giúp ông Putin thoát ra khỏi mối quan hệ căng thẳng với Mỹ, qua đó là châu Âu, để tập trung phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề trong nước.
Còn ông Biden ít nhất cũng có được sự ổn định chiến lược với Nga và duy trì ngọn lửa đối thoại để tập trung vào các thách thức lớn hơn nữa.
Thành công của Thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ đưa quan hệ hai nước ra khỏi mức thấp nhất, đi vào quỹ đạo mới, trên cơ sở ổn định và có khả năng hợp tác trong từng vấn đề thông qua đối thoại.
Điều này hoàn toàn phù hợp xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trên toàn cầu nói chung, ở châu Âu-Đại Tây Dương nói riêng và phù hợp với châu Á-Thái Bình Dương nói riêng, trong đó có Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!