Nhỏ Bình thường Lớn

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung, tìm đường thoát hố sâu

Mỹ và Trung Quốc, ai cũng có con bài của mình. Mỗi bên có thế mạnh riêng. Cuộc gặp thượng đỉnh, dù không kỳ vọng, nhưng vẫn tốt hơn không làm gì.
Thượng đỉnh Mỹ-Trung: Nhà Trắng ra thông cáo, khẳng định chắc nịch về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Sky News)
Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 15/11. (Nguồn: Sky News)

Nhiều câu hỏi

Những ngày qua, thế giới dành nhiều quan tâm đến cuộc hội đàm thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dư luận ưa bàn luận, đặt ra nhiều câu hỏi thú vị.

Thứ nhất, ai cần hơn? Mỹ là bên khởi xướng đề xuất gặp gỡ thượng đỉnh. Nhưng điều đó không chứng tỏ Mỹ cần hơn. Ngược lại, nó phần nào thể hiện sự chủ động, vai trò dẫn dắt, sự thực dụng của Mỹ.

Trước đó, quan chức cấp cao Mỹ, Trung Quốc đã ba lần gặp gỡ trực tiếp. Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hai lần điện đàm. Cả Mỹ và Trung Quốc đều phát tín hiệu về một cuộc gặp thượng đỉnh.

Chủ tịch Tập Cận Bình gửi thông điệp đến Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung (NCUSCR), bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực để ứng phó các vấn đề, thách thức khu vực, toàn cầu, kiểm soát ổn thỏa bất đồng, thúc đẩy quan hệ song phương trở lại đúng hướng.

Ông nhấn mạnh cả hai có lợi khi hợp tác, cùng thua nếu đối đầu.

Mỹ thấy ít hiệu quả trong ngăn chặn Trung Quốc, muốn chuyển sang cách tiếp cận mới, giành lợi thế, thắng lợi trong cạnh tranh theo đúng luật. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói, cạnh tranh gay gắt đòi hỏi phải có biện pháp ngoại giao mạnh mẽ.

Thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những động thái xoa dịu tình hình một cách lặng lẽ. Như vậy, cả hai bên đều cần gặp gỡ thượng đỉnh. Không thể nói ai cần hơn.

Thứ hai, ai lợi thế hơn? Trước cuộc gặp, hai bên đều có động thái tạo lợi thế.

Mỹ đẩy mạnh luật pháp hóa cạnh tranh với Trung Quốc. Thượng viện Mỹ duyệt dự luật 240 tỷ USD đối phó Trung Quốc. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua dự luật trừng phạt liên quan đến các hành động phi pháp trên Biển Đông, Biển Hoa Đông… Tổng thống Mỹ giành được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ và Cộng hòa đối với đạo luật 1.200 tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden vẫn sụt giảm (chỉ 42%). Sức ép bầu cử giữa nhiệm kỳ và xa hơn là bầu cử Tổng thống năm 2024 buộc ông Joe Biden không thể nhẹ tay với Trung Quốc.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành “Nghị quyết lịch sử”, khẳng định sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình “có ý nghĩa quyết định”, là nhà lãnh đạo quan trọng nhất, kể từ sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Trung Quốc được đánh giá vượt Mỹ, trở thành quốc gia “giàu nhất” thế giới. Thành tựu kinh tế, kết quả phòng chống dịch Covid-19 cùng với vốn liếng chính trị, tạo sự vững tin cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, vấn đề thống nhất Đài Loan, phản ứng quốc tế không thuận với chính sách ngoại giao cứng rắn, tranh chấp chủ quyền, đầu tư “bẫy nợ”… là điểm trừ đối với Trung Quốc. Ngược lại, ông chủ Nhà Trắng được chào đón hơn với tư cách nhà lãnh đạo toàn cầu. Mặt trận liên kết, hợp tác giữa Mỹ và đồng minh, đối tác được củng cố, mở rộng.

Như vậy, ai cũng có con bài của mình. Mỗi bên có thế mạnh riêng. Khó có thể nói ai lợi thế hơn.

Tin liên quan
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc: Nét vẽ khởi đầu cho một bức tranh có gam màu sáng? Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc: Nét vẽ khởi đầu cho một bức tranh có gam màu sáng?

Thứ ba, nó là gì? Dư luận quốc tế giật tít khác nhau về sự kiện ngày 15/11. Có người gọi là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, hội đàm thượng đỉnh trực tuyến chính thức. Nhưng cũng có người cho rằng chưa hội tụ đủ yếu tố, điều kiện của một hội nghị thượng đỉnh. Chỉ là một cuộc gặp, điện đàm trực tuyến, mang tính biểu tượng.

Nội dung, chương trình nghị sự và kết quả mới quyết định giá trị của sự kiện. Tên gọi không phải là quan trọng nhất. Nhưng ít nhiều cũng thể hiện tâm trạng, sự phân vân, thậm chí hoài nghi của dư luận quốc tế.

Dù gọi là gì, thì sự kiện ngày 15/11 vẫn là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu. Các vấn đề trao đổi, tìm kiếm hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ quan trọng với hai nước mà còn với thế giới.

Tuy nhiên, với thực trạng quan hệ Mỹ-Trung và hình thức trực tuyến, khó hy vọng tạo đột phá.

Thứ tư, không kỳ vọng, nhưng vẫn cần. Nga, Trung Quốc là hai đối thủ lớn nhất của Mỹ. Song nhìn tổng thể, Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ XXI. Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, công nghệ đến an ninh mạng, sức mạnh quân sự...

Về bản chất, là cuộc chiến không khoan nhượng giành và giữ ngôi vị số một thế giới. Dù cố tránh tình thế một mất một còn, xung đột vũ trang, nhưng không ai muốn nhượng bộ trước.

Giữa hai nước tồn tại mâu thuẫn, khác biệt, thậm chí đối đầu về quan điểm trong các vấn đề Đài Loan, nhân quyền, phát triển vũ khí hạt nhân, duy trì an ninh, trật tự trên biển… Nên khó có thể kỳ vọng vào cuộc gặp đầu tiên.

Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều phụ thuộc lẫn nhau trong một số vấn đề và không thể hạ nốc ao đối thủ. Kết quả các cuộc gặp gỡ trước đó hầu như là số không. Thậm chí còn tô đậm thêm hình ảnh không thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Thực tế cho thấy khó khăn chỉ có thể tháo gỡ ở cấp thượng đỉnh. Vì thế, sau nhiều nỗ lực, hai bên đồng ý gặp gỡ thượng đỉnh. Không kỳ vọng, nhưng gặp gỡ vẫn cần thiết, vẫn tốt hơn không làm gì.

Chưa thành công nhưng có ích

Sau 3,5 giờ hội đàm, hai bên không ra tuyên bố chung. Bởi như lời quan chức cấp cao Mỹ, “không có gì mới để thông báo”! Thay vào đó là cuộc hợp báo và thông cáo của từng bên.

Điểm chung nổi bật trong họp báo, thông cáo riêng là: trao đổi thẳng thắn, đầy đủ, chuyên sâu các vấn đề chiến lược, tổng thể và cơ bản liên quan đến sự phát triển quan hệ Mỹ-Trung, các vấn đề quan trọng cùng quan tâm. Hai bên có nhu cầu hợp tác, tìm kiếm cơ chế quản lý sự khác biệt, căng thẳng, duy trì kênh liên lạc, tránh thông tin sai lầm dẫn đến xung đột.

Nội dung trao đổi thể hiện danh sách các điểm bất đồng và quan ngại, lập trường của mỗi bên. Trong đó, Đài Loan là điểm nóng, phần nào thể hiện cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc coi vấn đề Đài Loan là lằn ranh đỏ, không ngần ngại tuyên bố “chớ đùa với lửa, sẽ bị bỏng tay”. Đài Loan là một trong những điểm để tháo gỡ, mở đường cho hợp tác trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu.

Mỹ nói không thay đổi chính sách “một Trung Quốc”, “không khuyến khích độc lập”. Nhưng phản đối “các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, phá hoại hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”.

Washington tiếp tục duy trì quan hệ văn hóa, thương mại, quân sự, bao gồm cả bán vũ khí, “giúp Đài Loan xây dụng năng lực tự vệ”. Tuyên bố của Mỹ không làm Trung Quốc mất mặt. Nhưng thực chất, chính sách với Đài Loan không thay đổi. Mỹ vẫn tận dụng “con dao” kề yết hầu đại lục.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, cuộc gặp “không có đột phá nào”. Các chuyên gia đồng tình, đánh giá hai bên nhấn mạnh lập trường của mình, dừng lại ở trao đổi quan điểm, chưa đưa ra một quyết định, một chính sách nào có dấu hiệu thỏa hiệp, thu hẹp sự khác biệt trong quan hệ song phương.

Điều đó đã được dự báo, không quá bất ngờ. Nhưng cuộc gặp vẫn có ích, là bước khởi đầu trong chuỗi các cuộc hội đàm quan trọng, phá vỡ dần băng giá trong quan hệ song phương.

Thời báo Hoàn Cầu ghi nhận, đối thoại giúp củng cố quan hệ song phương, gửi tín hiệu tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực dù vẫn cạnh tranh gay gắt. Chỉ riêng việc Mỹ và Trung Quốc ngồi lại với nhau đã là tín hiệu tích cực, đối với hai nước và thế giới.

Cuộc chiến trường kỳ

Các chuyên gia, cả theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực, đều cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đang ở “hố sâu”, đang tìm đường thoát đáy. Cả hai đều thấy cần có “lan can” để tránh xung đột. Nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào thì vẫn chưa rõ.

Việc tháo gỡ mâu thuẫn, xây dựng quan hệ “ổn định chiến lược” là cuộc chiến trường kỳ. Chặng đường còn xa, đòi hỏi sự tham gia thường xuyên của lãnh đạo cấp cao Mỹ và Trung Quốc.

Cạnh tranh vẫn tiếp diễn, có mặt gay gắt. Có thể có một vài hợp tác để tạo không khí. Trước mắt, cả Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng kiềm chế không để quan hệ trượt sâu thêm.

Lập trường, động thái của Mỹ và Trung Quốc trước hết là hướng tới nội bộ; đồng thời, chứng tỏ trách nhiệm với thế giới, không để bên kia chiếm vai trò dẫn dắt.

Thế giới chờ đợi sự giảm nhiệt trong quan hệ Mỹ-Trung, tạo thuận lợi đối phó với các thách thức toàn cầu, phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nhưng cũng có phần lo ngại thỏa hiệp vì lợi ích riêng của hai cường quốc, gây phương hại lợi ích của các nước khác, nhất là các nước nhỏ, nước đang phát triển.

Trước mắt, thế giới đã có phản ứng tích cực. Ngày 16/11, cổ phiếu toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc. Theo hãng Reuters, chỉ số chứng khoán của châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương, Đức, Pháp, Nhật Bản… đều tăng từ 0,1 - 0,4%. Hyvọng sẽ tạo gam màu sáng trong bức tranh ảm đạm của thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình ví von Mỹ và Trung quốc cần như “hai con tàu cùng tiến thay vì đâm vào nhau”. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Trung dịch chuyển theo chiều hướng nào, tốc độ ra sao, còn phải chờ. Nói đúng đã khó, làm đúng còn khó hơn.

PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn: Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung khó giải quyết mâu thuẫn đã tích tụ từ lâu

PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn: Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung khó giải quyết mâu thuẫn đã tích tụ từ lâu

Việc Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tiếp xúc cấp cao cho thấy hai bên có nhu cầu rất lớn thu ...

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung: Đủ cơ hội cho 2 nước; ông Biden nhắc nhở, ông Tập không kém cạnh

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung: Đủ cơ hội cho 2 nước; ông Biden nhắc nhở, ông Tập không kém cạnh

Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào sáng 16/11 (giờ Việt ...