Ngày 2/6, với 152 phiếu thuận, Hội đồng Liên bang Nga đã thông qua luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (OST). (Nguồn: HVIDS) |
Ban đầu Hội đồng Liên bang dự kiến cũng sẽ xem xét dự luật này tại cuộc họp ngày 19/5, sau đó việc xem xét được lùi đến ngày 2/6.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matvienko giải thích, việc hoãn thảo luận văn kiện tại Thượng viện không liên quan đến cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 16/6.
Trước đó, ngày 19/5, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã nhất trí thông qua luật rút khỏi OST.
Văn kiện này sẽ được trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành và sẽ có hiệu lực sau đó 6 tháng.
Trước đó, hôm 27/5, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Mỹ Wendy Sherman đã thông báo với người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov về quyết định của Mỹ không quay trở lại OST. Theo ông Ryabkov, Nga sẽ không thay đổi quan điểm rút khỏi OST để làm hài lòng Mỹ.
Hiệp ước Bầu trời mở được Mỹ và Liên Xô cân nhắc thành lập từ những năm 1950 để tăng tính minh bạch trong việc điều quân và triển khai vũ khí hạt nhân.
Đến năm 2002, Hiệp ước mới có hiệu lực, với 35 quốc gia thành viên, hầu hết là các quốc gia châu Âu, cho phép các thành viên thực hiện chuyến bay giám sát trên bầu trời của nhau.
Hồi tháng 5/2020, chính quyền Mỹ khi đó, dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump, thông báo rút khỏi Hiệp ước và quyết định có hiệu lực vào tháng 11 cùng năm. Chính quyền Mỹ cáo buộc Nga vi phạm điều khoản hiệp ước, nhưng phía Nga nói Mỹ không đưa ra bằng chứng nào.
Tháng 11/2020, Washington đã chính thức rút khỏi OST, cáo buộc Moscow đã vi phạm một số điều khoản trong OST.
Hồi tháng 1, Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo khởi động các thủ tục rút khỏi OST, sau đó Tổng thống Nga đã đệ trình lên Duma Quốc gia dự luật rút khỏi OST.
Trong những tuần gần đây, Moscow đã nhiều lần tuyên bố, cơ hội duy trì thỏa thuận là rất ít, quá trình bãi bỏ sẽ mất vài tuần và nhiều khả năng sẽ được hoàn tất vào tháng 5.
Với việc vắng hai "trụ cột chính" của OST, giới quan sát tỏ ra quan ngại về khả năng sụp đổ Hiệp ước, điều này sẽ đe dọa đến an ninh châu Âu.