Thực tiễn mới, nhu cầu mới
Năm 1864, Công ước Geneva đầu tiên về Quy chế người bị thương và bị bệnh trong chiến tranh đã được thông qua. Qua đó, kể cả trong thời gian chiến tranh, những chuẩn mực nhất định về nhân quyền vẫn phải được đảm bảo. Tại thời điểm đó, chính Thụy Sỹ và ICRC đã phối hợp để đảm bảo việc thực hiện Công ước trên diễn đàn chính trị quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Thụy Sỹ và ICRC vẫn đang cố gắng kêu gọi sự thực hiện các quy chế này một cách nghiêm ngặt hơn bởi vì luật quốc tế vẫn thiếu một cơ chế thực thi và khuyến khích thực hiện Công ước trên phạm vi toàn cầu.
Chiến tranh ngày nay có nhiều khác biệt so với chiến tranh trong thế kỷ XIX. Các cuộc giao tranh không còn diễn ra trên chiến trường mà là ở những khu vực đông dân cư. Hơn nữa, chiến tranh nổ ra giữa quân đội các quốc gia đối lập chỉ còn là ngoại lệ, thay vào đó là những cuộc nội chiến đang ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, chính những người dân thường phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột vũ trang.
Hàng ngày, chúng ta vẫn nhận được những báo cáo về vi phạm nhân quyền, kèm theo cả các bức ảnh cho thấy sự đau khổ không kể xiết của những người bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang. Chính việc vi phạm luật nhân đạo quốc tế là một nguyên nhân trực tiếp gây ra những đau khổ này. Và sâu xa hơn nữa, đó là sự thất bại của chính chúng ta.
Các quốc gia thành viên đã cam đoan thực hiện Điều 1 chung cho cả 4 Công ước Geneva năm 1949 nêu rằng "tôn trọng và đảm bảo tôn trọng" đối với các Công ước "trong mọi tình huống". Nhưng các quốc gia đã không thực hiện cam kết đó. Hơn nữa, hệ thống luật nhân đạo quốc tế, kể từ khi được hình thành vẫn chưa có cơ chế đảm bảo thi hành hiệu quả. Sự bất lực này hiển nhiên dẫn đến tổn thất về con người trong chiến tranh.
Những ám ảnh kinh hoàng về sự tàn phá về người và của trong Thế chiến II đã trở thành động lực thúc đẩy các quốc gia cùng xây dựng, tham gia vào bốn Công ước Geneva năm 1949 trong việc bảo vệ người không hoặc không còn tham gia chiến sự, người lính bị thương hoặc bị bệnh, tù nhân trong chiến tranh và dân thường. Những Công ước này được bổ sung vào năm 1977 và năm 2005 với ba nghị định bổ sung kèm theo. Việc sử dụng các loại hình vũ khí như vũ khí sinh học, vũ khí hóa học, bom bi và mìn sát thương hiện đại đang bị cấm một cách rộng rãi. Luật quốc tế đã đặt ra những chế tài để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ chiến tranh.
Trong thời gian qua, việc thực hiện các Công ước đã có những tiến triển nhất định như việc đào tạo các binh sĩ hay truy tố các tội ác chiến tranh nghiêm trọng nhất và đặc biệt là thành lập Toà án Hình sự quốc tế (ICC).
Tăng đối thoại, tìm giải pháp
Các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế áp dụng trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, những nỗ lực thúc đẩy đảm bảo các nguyên tắc được thực hiện liên tục là vô cùng cần thiết bởi vì không có một cơ chế quốc tế rõ ràng nào đảm bảo các quốc gia sẽ thực thi lâu dài. Một quyền của con người nếu bị xâm phạm một cách thường xuyên mà không có phản ứng đáp trả rõ ràng thì rất dễ mất giá trị theo thời gian.
Đây là lý do kể từ năm 2012, Thụy Sỹ và ICRC tổ chức các cuộc đối thoại với tất cả các quốc gia để tìm ra cách tốt nhất đảm bảo tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Công việc của họ thực hiện theo những nhiệm vụ được đưa ra trong Hội nghị quốc tế thứ 31 của Hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế. Họ tin rằng các quốc gia cần một diễn đàn, nơi có thể cùng nhau quyết định các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo thi hành luật nhân đạo. Diễn đàn này cũng sẽ giúp các quốc gia từng bước xây dựng bức tranh tổng thể về cách thức tuân thủ quy định và giải quyết những thách thức trong quá trình thực thi luật nhân đạo quốc tế. Song song với đó, họ cũng có thể liên tục trao đổi những quan điểm dựa trên tình hình thực tiễn mới nhất để đưa ra những biện pháp hiệu quả.
Một diễn đàn với sự tham gia của nhiều quốc gia cũng sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết để đảm bảo rằng pháp luật sẽ chi phối sự phát triển trong tương lai của chiến tranh. Để đạt được điều này đòi hỏi một cuộc đối thoại thường xuyên xung quanh những vấn đề hiện tại của luật nhân đạo quốc tế. Việc các quốc gia tạo ra các chế tài tương ứng để đáp lại những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế cũng rất quan trọng, góp phần ngăn chặn tội ác trong tương lai và bảo vệ dân thường khỏi những đau khổ và mất mát. Một cơ chế điều tra nguyên nhân của những hành vi vi phạm cũng sẽ là biện pháp thiết thực mà các quốc gia nên làm.
Thụy Sỹ và ICRC sẽ đưa ra những kiến nghị cụ thể về việc tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lần thứ 32 tại Geneva vào cuối năm 2015. Các quốc gia sẽ quyết định những việc cần làm trong bối cảnh quốc tế mới.
Kể từ khi Công ước Vienna đầu tiên được thông qua cách đây 150 năm, luật nhân đạo quốc tế đã trở thành một trụ cột trung tâm của trật tự pháp lý quốc tế. Những điều khoản của Công ước được đưa ra với mục đích bảo vệ quyền cơ bản của con người. Những quyền này không thể thu hồi. Luật nhân đạo được xây dựng trên niềm tin, sự cần thiết phải đặt ra những quy tắc nếu như nhân loại không muốn chứng kiến những cuộc chiến tranh dã man. Thế hệ của chúng ta có nhiệm vụ củng cố những thành tựu pháp lý đó và tạo ra những khuôn khổ thể chế nhằm đảm bảo những quy tắc luật pháp đó được tôn trọng. Nếu như những khuôn khổ này thực sự hiệu quả thì luật pháp sẽ trở thành một công cụ phù hợp. Chưa bao giờ trong lịch sự nhân loại chúng ta có nhiều cơ hội để tiến gần hơn đến một giải pháp chung trên toàn thế giới như hiện nay. Chúng ta phải biết nắm bắt lấy cơ hội này.
Didier Burkhalter & Peter Maurer *
Hằng Phạm (dịch)
(*) Ông Didier Burkhalter, Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ và ông Peter Maurer, Chủ tịch ICRC.
Năm 1957, Việt Nam gia nhập bốn Công ước quốc tế Geneva (1949) về bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh: Công ước Geneva I bao gồm 64 điều quy định việc bảo vệ những chiến binh bị thương và bị bệnh trên đất liền trong chiến tranh cũng như những nhân viên y tế và tôn giáo, các đơn vị y tế và việc vận chuyển y tế. Công ước Geneva II bao gồm 63 điều có nội dung và cấu trúc tương tự Công ước Geneva I áp dụng cụ thể đối với chiến tranh trên biển. Công ước Geneva III bao gồm 143 điều được áp dụng đối với tù binh chiến tranh, quy định một cách cụ thể các điều kiện bắt giữ và các đối xử nhân đạo với tù binh chiến tranh. Công ước Geneva IV bảo vệ dân thường, kể cả trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Việt Nam cũng đã tham gia nghị định thư bổ sung số 1 (AP1) thông qua năm 1977 nhằm tăng cường sự bảo vệ đối với dân thường trong xung đột quốc tế và phi quốc tế. Việt Nam đang trong quá trình thảo luận gia nhập nghị định thư bổ sung số 2 (AP2). Từ khi gia nhập, Việt Nam đã thực thi một cách nghiêm túc, đầy đủ và tích cực bốn Công ước Geneva (1949). Ngay từ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Việt Nam đã tôn trọng thực hiện Công ước Geneva III về các điều kiện bắt giữ và đối xử nhân đạo với tù binh chiến tranh. TS. Hugo Génin, Đại học Nice Sophia-Antipolis, Pháp đã nhận định: “Tù binh Pháp đã rất ngạc nhiên, vì từ châu Âu đến châu Á, ở bất cứ nơi nào, trại giam cũng là khu bê tông kiên cố có hàng rào dây thép gai, nhưng ở Việt Nam thì không. Tù binh chỉ bị quy định “không được đi quá ranh giới cuối cùng”, và ranh giới đó có thể là một ngôi nhà tranh! Sau đó, họ được cho ở trong nhà dân, được giam giữ “thoải mái” nên cảm thấy được an ủi phần nào. Nhiều người nói rằng tù binh Pháp đã không được tôn trọng nhưng đó chỉ là quan niệm cá nhân. Tù binh ở Điện Biên Phủ không bị lao động khổ sai, ngược lại họ tự nguyện lao động để tiếp xúc với người dân Việt Nam”. |